Độc đáo chợ nổi lúc mờ sương trên phá Tam Giang, mặt trời lên là... tan

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Khu chợ nổi Ngư Mỹ Thạnh trên phá Tam Giang (xã Quảng Lợi, H.Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế) được biết đến với các loại thủy sản vùng nước lợ trù phú. Khi trời sáng, ngư dân đã bán sạch thúng, thu xếp ngư lưới cụ trở về nhà...

Tam Giang, hệ đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á, được thiên nhiên ưu ái rất nhiều loài thủy sản tươi ngon, quý hiếm. Chợ nổi Ngư Mỹ Thạnh nằm trên đầm phá Tam Giang, tồn tại hàng trăm năm nay, là nơi được bày bán đủ các loại thủy sản mà ngư dân đánh bắt được.

Để mua được thủy sản thơm ngon, tươi rói, khách hàng phải đến đây từ rất sớm bởi khu chợ này vội họp và cũng... vội tan.

 

 Chợ nổi Ngư Mỹ Thạnh bắt đầu từ lúc 4 giờ 30 sáng và kết thúc khi mặt trời mọc. Ảnh: Lê Hoài Nhân
Chợ nổi Ngư Mỹ Thạnh bắt đầu từ lúc 4 giờ 30 sáng và kết thúc khi mặt trời mọc. Ảnh: Lê Hoài Nhân


Thành quả sau một đêm dài đánh bắt

Tờ mờ sáng, khi màn sương còn phủ trắng trên mặt nước, chúng tôi xuôi mái chèo trên chiếc thuyền nhỏ để đến khu chợ nổi này, xa xa những ánh đèn pin le lói từ ghe thuyền của ngư dân neo đậu.

Trong màn đêm tĩnh mịch, tiếng cười nói giao thương làm rôm rả một vùng đầm phá. Như thường nhật, đây là thời điểm để ngư dân đưa thành phẩm sau một đêm dài đánh bắt đến đây bày bán.

Theo những ngư dân, họ thường đánh bắt trong đêm bởi lúc đó các loài thủy sản vùng nước lợ đi kiếm ăn. Dưới ánh đèn thu hút, ngư dân sẽ đánh bắt được nhiều hơn.

“Đánh bắt vào ban đêm là thời điểm thích hợp nhất, bởi lúc đó thời tiết mát mẻ, không có gió to nên cá sẽ dính nhiều hơn. Độ 4 giờ sáng về đến chợ là vừa kịp cho thương lái ra thu mua”, một ngư dân nói.


 

 Thành quả của ngư dân sau một đêm dài đánh bắt. Ảnh: Lê Hoài Nhân
Thành quả của ngư dân sau một đêm dài đánh bắt. Ảnh: Lê Hoài Nhân



Họ thường đánh bắt bằng cách quăng chài, thả lưới, đặt nò sáo để thu các loại thủy sản mà chỉ có tại vùng đầm phá nước lợ như cá dìa, cá tràng, cá ong, tôm rằn, tôm gân...

 

Nhiều loại thủy sản sống ở vùng nước lợ mà chỉ có trên phá Tam Giang mới có
Nhiều loại thủy sản sống ở vùng nước lợ mà chỉ có trên phá Tam Giang mới có.

 

Đặc biệt nhất ở vùng Phá Tam Giang phải nói đến loài cá dìa, từ lâu được xem là món “hảo hạng” trong các món ẩm thực Huế. Ngư dân cho rằng, cá dìa ngọt và béo là nhờ hệ rong tảo vùng đầm phá Tam Giang phong phú.

Chỉ bán đến khi mặt trời mọc

Nổi tiếng với thủy sản tươi ngon, vì vậy chợ nổi Ngư Mỹ Thạnh là địa điểm thu hút nhiều thương lái. Nhưng điểm khác biệt ở khu chợ nổi này là sự mộc mạc, nhẹ nhàng và đúng chất Huế.


 

Buổi họp chợ chóng vánh, mộc mạc và nhẹ nhàng. Ảnh: Lê Hoài Nhân
Buổi họp chợ chóng vánh, mộc mạc và nhẹ nhàng. Ảnh: Lê Hoài Nhân



Thương lái đến mua bằng chiếc thuyền nhỏ, rẽ nước dạo quanh các gian hàng để lựa chọn tôm cá. Lời nói, tiếng cười giữa kẻ bán người mua chỉ đủ để cho đối phương nghe. Lựa chọn ưng ý rồi trả tiền, tuyệt nhiên không có trả giá...
 

Người mua kẻ bán như đã quen từ lâu. Ảnh: Lê Hoài Nhân
Người mua kẻ bán như đã quen từ lâu. Ảnh: Lê Hoài Nhân



Suốt 60 năm qua, bà Trần Thị Bê (75 tuổi) vẫn chèo thuyền một mình ra đầm phá để đi chợ. Trừ những ngày mưa gió, sáng nào bà cũng đến đây từ thật sớm, lựa những mẻ cá tươi ngon để kịp đưa ra chợ bán.

“Phải ra thật sớm mới có đồ tươi để đưa đi bán. Chứ mặt trời mọc thì họ mua hết rồi còn đâu? Có hôm gió lớn đi một mình nên cũng sợ nhưng tôi quen rồi”, bà Bê nói.

Theo lời kể của bà Bê, khu chợ nổi này đã tồn tại hàng trăm năm nay. Ở tuổi xế chiều, bà không còn nhớ rõ chợ có từ lúc nào, nhưng đây đã là năm thứ 60 bà làm nghề buôn cá. “Chỉ nhớ trước đó cha ông tôi đã làm rồi, sau này tôi nối nghiệp”, bà Bê kể.


 

  Bà Bê đã làm nghề buôn cá ở khu chợ nổi này suốt 60 năm. Ảnh: Lê Hoài Nhân
Bà Bê đã làm nghề buôn cá ở khu chợ nổi này suốt 60 năm. Ảnh: Lê Hoài Nhân


Say sưa trò chuyện với bà Bê, ánh bình minh cũng ló dần phía xa, lúc này bà cũng đã chọn được những mẻ cá thơm ngon chất lượng. Trên thuyền, những thúng cá tôm của ngư dân đã ngớt dần, họ thu dọn ngư cụ để trở về nhà ngủ một giấc. Bà Bê chào chúng tôi rồi cũng nhanh chóng bơi vào bờ để kịp buổi chợ sáng.

 

Trời hửng nắng, ngư dân thu dọn ngư cụ để trở về nhà. Ảnh: Lê Hoài Nhân
Trời hửng nắng, ngư dân thu dọn ngư cụ để trở về nhà. Ảnh: Lê Hoài Nhân



Đến nay, chợ nổi Ngư Mỹ Thạnh không chỉ là nơi buôn bán thủy sản mà còn mang nhiều nét văn hóa của người dân làng chài vùng đầm phá. Nhiều du khách hiếu kỳ, thích trải nghiệm, khám phá cũng đã về đây, thuê những chiếc thuyền nhỏ để dạo quanh vùng đầm phá, cảm nhận nét bình yên nơi vùng sông nước Tam Giang.

Theo Lê Hoài Nhân (TNO)
 

Có thể bạn quan tâm

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.
Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.