Chuyện đẹp "Bầu bí thương nhau" (*): Cọng rau, củ quả thơm thảo nghĩa tình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ai có công góp công, ai có của góp của, tất cả với tấm lòng vì đồng bào TP HCM đang kiên cường chống dịch
Khi TP HCM và nhiều tỉnh, thành phía Nam bước vào giai đoạn cách ly chống dịch Covid-19, người Đà Lạt bắt đầu nghĩ đến cảnh khó khăn mà người dân ở đó phải trải qua nên mau chóng gọi nhau gom góp rau xanh, củ, quả và thực phẩm thiết yếu gửi tặng. Từ đó, làn sóng thiện nguyện quyên góp rau, củ, quả cùng những chuyến xe nghĩa tình hướng về TP HCM đã lan tỏa mạnh mẽ.
"Biệt đội cắt rau"
Với tiêu chí "Đơn giản là người Đà Lạt nhưng hiệu quả, chân thành", ai có công góp công, ai có của góp của, ai có rau góp rau, ai có xe góp xe để vận chuyển hàng đến được với bà con trong tâm dịch của TP HCM.
Các nhóm thiện nguyện phối hợp nhau một cách nhịp nhàng. Từ đó, "biệt đội cắt rau" được hình thành. Chị Công Huyền Tôn Nữ Ngọc Trúc (thường được gọi là Trúc Công; cùng nhiếp ảnh gia ở TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng lập ra nhóm thiện nguyện trên) cho biết ban đầu thành lập nhóm gồm 7 người, phân công nhau đi mua rau, xin rau để gửi tặng người dân Phú Yên, TP HCM đang trong tâm dịch. Sau gần 1 tuần, nhóm tăng lên vài chục người.

Người dân huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam quyên góp thực phẩm gửi vào cho người dân trong tâm dịch tại TP HCM .Ảnh: LÊ KHOA
Người dân huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam quyên góp thực phẩm gửi vào cho người dân trong tâm dịch tại TP HCM .Ảnh: LÊ KHOA

Các thành viên của “biệt đội cắt rau” thu hoạch rau để gửi đến người dân TP HCM .Ảnh: ĐÌNH THI
Các thành viên của “biệt đội cắt rau” thu hoạch rau để gửi đến người dân TP HCM .Ảnh: ĐÌNH THI

Anh Nguyễn Văn Kiều thu hoạch vườn củ cải gửi tặng người dân TP HCM .Ảnh: CAO NGUYÊN
Anh Nguyễn Văn Kiều thu hoạch vườn củ cải gửi tặng người dân TP HCM .Ảnh: CAO NGUYÊN
Chị Ngọc Trúc cho biết lúc đầu nhóm phải đến tận vườn mua rau, xin rau nhưng đến nay, ngày nào nhóm cũng nhận được cuộc gọi cho rau của các chủ vườn, thậm chí cho nguyên vườn rau. Anh chị em trong nhóm lên lịch tổ chức cắt rau, góp tiền mua vật tư để đóng gói. Tính đến nay, số lượng rau, củ, quả mà nhóm quyên góp, mang được đến các địa phương trong tâm dịch lên đến hàng chục tấn. Riêng sáng 13-7, cả nhóm đã thu hoạch và đóng gói bắp sú, cải thảo, cải cúc... hơn 2,5 tấn. "Tùy thuộc vào các nhà xe vận tải thiện nguyện có được phép lưu thông từ TP Đà Lạt về TP HCM không, chứ lượng rau, củ, quả người dân Đà Lạt ủng hộ hiện nay nhiều tới mức anh em làm không nghỉ tay" - chị Ngọc Trúc phấn khởi.
Chị Nhã (nông dân phường 7, TP Đà Lạt), người tặng 2 vườn rau để nhóm thiện nguyện thu hoạch chuyển đến người dân trong tâm dịch ở TP HCM, nói: "Tặng cho người đang gặp khó khăn là việc nên làm. Cầu mong dịch Covid-19 qua mau, bà con ổn định cuộc sống là vui lắm rồi".
"Chị em chúng tôi mong có sức để đi cắt, đóng gói rồi tổ chức chuyến đi đúng giờ để các nhóm thiện nguyện ở TP HCM giao kịp đến tay người dân đang cần. Người Đà Lạt hào phóng lắm, chủ vườn rau sẵn sàng cho nguyên vườn, cắt hết vườn này qua vườn khác, chủ xe tải không lấy tiền vận chuyển..." - chị Vy, một thành viên trong nhóm, bày tỏ.
Để động viên tinh thần và bù đắp công sức cho các thành viên "biệt đội cắt rau", chị Lan Anh (chủ tiệm cơm gà Hoàng Diệu - phường 5, TP Đà Lạt) ủng hộ một phần cơm và một phần nước uống mỗi ngày cho mỗi người. "Tụi em làm việc theo sức của mình, có gì đóng góp đó nhưng bằng cả tấm lòng hướng về bà con TP HCM. Ngày nào TP Đà Lạt còn bình yên, bà con gọi cho rau, củ, quả là nhóm vẫn còn làm..." - chị Lan Anh tâm sự.
Gửi tặng cả vườn củ cải
Những ngày qua, người dân và nhiều tổ chức, đơn vị ở 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông cũng gấp rút thu hoạch, đóng gói hàng ngàn tấn rau, củ, quả viện trợ cho người dân TP HCM trong tâm dịch. Anh Nguyễn Văn Kiều là một trong số đó.
Vườn củ cải của gia đình anh Nguyễn Văn Kiều (ở bon R’but, xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông) rộng hơn 2,5 ha, nằm trên một quả đồi, những ngày qua luôn có khoảng 20 người tới hỗ trợ thu hoạch, đóng gói và vận chuyển xuống TP HCM.
"TP HCM đang trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ nên đời sống của nhiều người lao động nghèo rất khó khăn. Tôi quyết định tặng hết cả vườn củ cải của mình cho người dân TP HCM, góp phần cùng mọi người chung tay đẩy lùi dịch bệnh" - anh Kiều bày tỏ.
Cũng theo anh Kiều, vườn củ cải này anh cùng một người bạn góp 100 triệu đồng để trồng. Hiện hơn 2,5 ha này cho thu hoạch từ 60 - 70 tấn củ. "Nếu bán với giá khoảng 1.500 - 2.000 đồng/kg thì cũng thu hồi vốn nhưng tiền mình có thể kiếm sau này, còn bây giờ, người lao động nghèo ở TP HCM đang gặp khó, mình phải giúp. Tôi nghĩ trong thời điểm này, ai có điều kiện gì thì ủng hộ đó, tôi chỉ có vườn củ cải này là giá trị nhất" - anh Kiều tâm sự.
Thượng úy Nguyễn Đình Hiển, Bí thư Đoàn Thanh niên Công an huyện Đắk G’long, cho biết ngay sau khi nhận được lời đề nghị của anh Kiều, đơn vị đã cử cán bộ, chiến sĩ cùng với người dân đến hỗ trợ thu hoạch. "Bất kể nắng mưa, chúng tôi cố gắng thu hoạch nhanh để bảo đảm có gần 10 tấn củ cải/ngày được vận chuyển đến TP HCM" - thượng úy Hiển nói. 
(Còn tiếp)

Những chuyến xe miễn phí

Ngày 13-7, chuyến xe thứ 2 của anh Lê Tấn Khoa (ngụ thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) đã vào đến TP HCM, mang theo hàng chục tấn lương thực, thực phẩm của người dân trong huyện đóng góp để giúp đỡ, động viên người dân TP HCM sớm chiến thắng đại dịch Covid-19.

Trước đó, trên trang Facebook cá nhân của mình, anh Khoa đăng tải thông tin cho biết sẵn sàng vận chuyển miễn phí hàng hóa, nhu yếu phẩm từ Quảng Nam vào TP HCM, đồng thời kêu gọi mọi người cùng chung tay đóng góp hàng hóa để giúp đỡ người dân TP HCM trong thời điểm dịch bệnh. Thông tin của anh Khoa sau đó được mọi người chia sẻ, lan tỏa rất nhanh. Rất đông người dân ở huyện Duy Xuyên đã cùng nhau quyên góp, đóng gói thực phẩm cẩn thận, đưa đến anh Khoa để chuyên chở vào TP HCM.

Anh Khoa cho biết nhà xe của anh thường xuyên vận chuyển hàng hóa tuyến Quảng Nam - TP HCM. Hơn 1 tháng qua, dịch Covid-19 liên tục bùng phát khiến đời sống người dân tại TP HCM gặp rất nhiều khó khăn, nhất là công nhân, người lao động tự do. Khi TP HCM phải thực hiện cách ly theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều người dân nơi đây càng khó khăn hơn. Thấu hiểu điều này, anh Khoa muốn chung tay với người dân Quảng Nam giúp người dân TP HCM vượt qua dịch bệnh.

Chưa đầy 1 tuần, anh Khoa đã vận chuyển miễn phí hàng chục tấn hàng hóa, lương thực, thực phẩm vào TP HCM và đang tiếp tục.

ĐÌNH THI - CAO NGUYÊN - TRẦN THƯỜNG (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.
Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.