Kỳ cuối-Nâng cao chất lượng giáo dục vùng sâu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cùng với những nỗ lực, tâm huyết của giáo viên và nhà trường, các cấp, ngành ở tỉnh cũng dành nhiều sự quan tâm cho học sinh vùng khó nhằm hướng đến công bằng xã hội trong giáo dục. Dẫu vẫn còn đó những khó khăn, song không thể phủ nhận rằng, bức tranh giáo dục vùng sâu của tỉnh thời gian qua đã bật lên những gam màu tươi sáng.
Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD-ĐT), đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Một trong những quan điểm chỉ đạo được nêu ra trong nghị quyết này là: “Ưu tiên đầu tư phát triển GD-ĐT ở các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và các đối tượng diện chính sách. Thực hiện dân chủ hóa, xã hội hóa GD-ĐT”. Trên tinh thần chỉ đạo đó, cấp ủy, chính quyền và ngành GD-ĐT Gia Lai đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục vùng sâu.
Những “trái ngọt”
Theo thống kê của Sở GD-ĐT, tính đến ngày 31-10-2020, toàn tỉnh có 760 trường mầm non và phổ thông với hơn 400 ngàn học sinh; trong đó, học sinh DTTS chiếm gần 50%. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp trong tỉnh đã dành nhiều sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ phát triển GD-ĐT vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS nhằm nâng cao dân trí, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội ở khu vực này phát triển.
Theo đó, mạng lưới trường, lớp không ngừng được mở rộng đến tận thôn, làng, đáp ứng nhu cầu học tập của con em các dân tộc trong tỉnh. Hệ thống các trường mầm non công lập, tư thục, các trường phổ thông dân tộc bán trú, nội trú và THPT được đầu tư theo hướng hiện đại. Hiện nay, toàn tỉnh có 25 trường phổ thông dân tộc bán trú, 15 trường THCS dân tộc nội trú, 2 trường THPT dân tộc nội trú và 67 trường tiểu học có 30 học sinh bán trú trở lên. Những mô hình trường học này, nhất là các trường bán trú đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và duy trì sĩ số học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn.
Điển hình như ở huyện Kbang, những năm qua, trường học bán trú được xem là mô hình giáo dục toàn diện mà địa phương hướng đến. Hiện toàn huyện có 7 trường phổ thông dân tộc bán trú, 5 trường phổ thông có học sinh bán trú và 1 trường THCS dân tộc nội trú.
Theo ông Trần Trung Trực-Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện, do địa hình bị chia cắt nên dân cư phân bố không đều, sống rải rác ở các làng cách xa khu vực trung tâm xã hàng chục cây số. Việc đi đến trường học tập của học sinh vì thế cũng gặp rất nhiều khó khăn. Trước đây, nhiều học sinh bậc THCS ở các xã vùng sâu của huyện như: Kon Pne, Krong, Đak Rong… thường bỏ học khi không thể đi về trong ngày, gia đình lại quá nghèo, không đủ điều kiện cho con ở trọ đi học.
Từ khi đầu tư xây dựng mô hình trường bán trú, công tác vận động học sinh ra lớp, duy trì sĩ số ở huyện luôn đạt kết quả tốt. Chất lượng giáo dục vùng DTTS đã cải thiện và chuyển biến tích cực; chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên rõ rệt với 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học, trên 99% học sinh tốt nghiệp THCS.
Chất lượng giáo dục vùng khó của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ảnh: Hồng Thi
Chất lượng giáo dục vùng khó của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ảnh: Hồng Thi
Xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia là chủ trương lớn của ngành GD-ĐT nhằm chuẩn hóa cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Đến cuối tháng 10-2020, toàn tỉnh có 381 trường đạt chuẩn quốc gia (chiếm 50,13%), tăng 185 trường so với năm 2015. Đáng chú ý, các trường đạt chuẩn quốc gia thuộc các xã khó khăn và đặc biệt khó khăn của tỉnh đã bắt đầu khẳng định chất lượng giáo dục, tạo được uy tín và niềm tin đối với phụ huynh học sinh cũng như toàn xã hội.
Ông Phạm Văn Đại-Trưởng phòng GD-ĐT huyện Ia Grai-thông tin: “Nếu năm 2015, huyện chỉ có 13 trường học đạt chuẩn quốc gia thì đến nay đã có 24/46 trường và dự kiến cuối năm 2020 sẽ có 28 trường học đạt chuẩn quốc gia. Nhiều ngôi trường khang trang đã dần thay thế những trường cũ, xuống cấp, tạo điều kiện thuận lợi trong việc dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và thay đổi bộ mặt nông thôn các xã biên giới trên địa bàn”.
Bên cạnh tăng cường tiếng Việt, ngành GD-ĐT tỉnh còn đẩy mạnh công tác dạy học tiếng DTTS nhằm góp phần duy trì tiếng nói và chữ viết, tạo điều kiện cho học sinh hiểu biết hơn về văn hóa của dân tộc mình và các dân tộc anh em. Năm học 2020-2021, toàn tỉnh có 13 trường tiểu học tổ chức dạy tiếng DTTS như một môn học tự chọn với 29 lớp và 1.183 học sinh. Chương trình học tiếng dân tộc được thực hiện 2 tiết/tuần/lớp, có giáo viên người DTTS trực tiếp giảng dạy.
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Sró (điểm trường làng Pơ Ya) trong một giờ sinh hoạt ngoài trời. Ảnh Hồng Thi
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Sró (điểm trường làng Pơ Ya) trong một giờ sinh hoạt ngoài trời. Ảnh: Hồng Thi
Nhìn lại 5 năm qua, có thể thấy, chất lượng dạy và học ở vùng sâu, vùng xa đã có nhiều khởi sắc, góp phần vào thành tích chung của ngành GD-ĐT tỉnh. Nếu năm học 2015-2016, tỷ lệ học sinh khá, giỏi cấp THCS chỉ đạt 40,13%, cấp THPT là 44,64% thì đến năm học 2019-2020, tỷ lệ này đã tăng lên 47,97% ở cấp THCS và 62,7% ở cấp THPT.
Cùng với đó, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT toàn tỉnh cũng được nâng lên qua các năm, riêng năm 2020 đạt 97,57% (trong đó, khối các trường THPT đạt 99,5%). Đáng chú ý, một số ngôi trường ở vùng khó đã bứt phá vươn lên với tỷ lệ tốt nghiệp đạt 100%; nhiều học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng tốp đầu cả nước. Riêng bậc học mầm non và tiểu học, dự ước đến cuối năm 2020, tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 toàn tỉnh đạt 99,6%; huy động trẻ mẫu giáo ra lớp đạt 89%.
Hướng đến công bằng xã hội trong giáo dục
Mặc dù chất lượng giáo dục vùng sâu, vùng xa ở tỉnh ta đã có những chuyển biến đáng phấn khởi song vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức phải đối mặt. Cụ thể, hệ thống trường, lớp còn nhiều điểm lẻ, khoảng cách giữa các điểm trường xa; nhận thức và nhu cầu học tập của một bộ phận đồng bào DTTS chư­a cao, đời sống còn nhiều khó khăn; một số trường học bị xuống cấp chưa được đầu tư sửa chữa, thiếu phòng học chức năng và trang-thiết bị dạy học cần thiết; đội ngũ giáo viên chưa đủ để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục còn nhiều khó khăn, bất cập.
Ngoài ra, việc thành lập và chuyển đổi một số trường thành trường phổ thông dân tộc bán trú còn ít do điều kiện cơ sở vật chất, công tác tổ chức ăn, ở bán trú cũng như chế độ chính sách cho cán bộ, giáo viên và học sinh còn hạn chế. Tình trạng học sinh vắng học dài ngày, bỏ học vẫn còn diễn ra ở nhiều trường vùng DTTS. Vấn đề việc làm sau đào tạo vẫn còn bất cập khiến nhiều học sinh và phụ huynh thiếu mặn mà với con chữ…
Tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS là một trong những giải pháp nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó. Ảnh Hồng Thi
Tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS là một trong những giải pháp nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó. Ảnh: Hồng Thi
Trao đổi với P.V, ông Lê Duy Định-Giám đốc Sở GD-ĐT-cho biết: Thời gian đến, ngành sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng, cha mẹ học sinh về quyền học tập của trẻ em, về chủ trương, nhiệm vụ và giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục; ưu tiên mọi nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang-thiết bị dạy học và đội ngũ giáo viên cho các trường vùng khó, nhất là những trường nằm trong lộ trình xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2020-2025; phát triển nhiều hơn nữa mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú.
Cùng với đó, Sở sẽ chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục đẩy mạnh những phong trào thi đua do ngành phát động như: “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học”, “Trường xanh-sạch-đẹp-an toàn”, “Nâng cao tỷ lệ tốt nghiệp THPT”, “Huy động và duy trì sĩ số học sinh”; tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS. Đồng thời, ngành sẽ triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tăng cường cơ sở vật chất cho các trường phổ thông dân tộc bán trú, dự án giáo dục THCS vùng khó khăn; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ giáo viên và học sinh, đặc biệt là học sinh bán trú ở vùng DTTS, vùng đặc biệt khó khăn; đổi mới phương pháp và hình thức giảng dạy phù hợp với đối tượng học sinh DTTS; nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học ở các trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú trên toàn tỉnh.
Ngoài ra, theo Giám đốc Sở GD-ĐT, vấn đề đổi mới công tác quản lý giáo dục trung học, tăng cường giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục trung học xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường; tạo điều kiện cho các trường được linh hoạt áp dụng các hình thức tổ chức giáo dục và phương pháp dạy học tiên tiến mà không bị áp đặt từ cấp trên… cũng là việc làm cần thiết trên hành trình hướng đến nâng cao chất lượng dạy và học ở vùng khó.
Có thể nói, chất lượng GD-ĐT tại vùng DTTS, vùng kinh tế khó khăn giữ vai trò rất quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội chung của tỉnh. Tin rằng, với sự nỗ lực và quyết tâm cao của ngành GD-ĐT, cùng với sự chung tay của cấp ủy, chính quyền và toàn xã hội, tỉnh ta sẽ từng bước rút ngắn được khoảng cách về cơ sở vật chất cũng như chất lượng giáo dục giữa vùng thuận lợi với vùng khó khăn, hướng đến công bằng xã hội trong giáo dục.
HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm

'Bông hồng thép' Diệu Linh

'Bông hồng thép' Diệu Linh

Chị Nguyễn Thị Diệu Linh, SN 1983, hiện đang làm Quản lý Chương trình NPA tại tỉnh Quảng Trị đã có những đóng góp không nhỏ trong việc giảm thiểu tai nạn thương tích do bom mìn.

Bát nháo 'chợ chim' săn mồi

Bát nháo 'chợ chim' săn mồi

Nuôi chim săn mồi, huấn luyện chúng trở thành những “chúa tể” bầu trời là sở thích của nhiều người. Thú chơi này nở rộ từ sau Tết Nguyên đán cho tới tháng 5, được các tay buôn lùng sục khắp nơi tìm nguồn. 
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 17: Phát triển để tri ân

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 17: Phát triển để tri ân

Sau 70 năm giải phóng, mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng có rất nhiều thay đổi đáng tự hào trên. Để làm rõ hơn kết quả đạt được của Điện Biên trong 70 năm qua và định hướng sắp tới, phóng viên Tiền Phong có cuộc trao đổi với ông Lê Thành Đô - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên.
Tôi đi chiến dịch Điện Biên

Tôi đi chiến dịch Điện Biên

(GLO)- "Tôi có cảm tưởng như cả đất nước, tất cả các dân tộc đang hành quân đi giành lấy độc lập tự do. Làm sao mà có thể đè bẹp ý chí của cả một dân tộc yêu nước. Tôi vô cùng tự hào là người chiến sĩ Ê Đê thuộc Tây Nguyên miền Nam duy nhất cũng có mặt trong đoàn quân ấy".

Giải cứu thú rừng

Giải cứu thú rừng

Những đôi chân mải miết trên từng ngóc ngách, đôi tay rớm máu gỡ lấy những chiếc bẫy thú. Trọng trách của họ là bảo vệ, giải cứu thú rừng mắc bẫy trong những cánh rừng già trên dãy Trường Sơn ở Quảng Nam.
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

Cánh đồng Mường Thanh được dòng sông Nậm Rốm tưới tắm bồi đắp hàng nghìn năm. Nhưng cánh đồng Mường Thanh thực sự gieo trồng có hiệu quả tăng đột biến là nhờ vào Đại công trình thủy nông Nậm Rốm. Đó là công trình hình thành từ bàn tay, khối óc của lớp thanh niên xung phong (TNXP) hơn 60 năm trước.
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

Đứng ở Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên Đồi D1, phóng tầm mắt về phía tây là một màu xanh trải dài bất tận của cánh đồng Mường Thanh. Từ trận địa đầy bom đạn, hầm hào, Mường Thanh trở thành vựa lúa lớn nhất Điện Biên, tạo ra những hạt gạo vang danh cả nước…
Phong vị Sài Gòn

Phong vị Sài Gòn

Có những người xa Sài Gòn hàng chục năm, hỏi rằng Sài Gòn những nét xưa có còn? Sài Gòn thế kỷ 21 có gì hay? Trong khi ấy, có những người xa Sài Gòn chỉ ít năm thôi cũng đã hỏi thành phố có gì mới?