"Yêng hùng làng" vỡ mộng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Mê đắm” những chiếc xe mô tô, nhiều thanh niên dân tộc thiểu số đã bằng mọi cách để sở hữu, bất chấp việc chưa đủ tuổi hoặc chưa có bằng lái. Cùng tiếng nẹt pô, rú ga xé toạc màn đêm và sự phấn khích đến điên rồ của tuổi trẻ, nhiều “yêng hùng làng” đã gây ra những tai nạn thương tâm. Sau tất cả chỉ còn giọt nước mắt muộn màng với nỗi đau giày xé người ở lại. 
Những nấm mộ ở làng Tao Kó
Chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng đầu năm 2020, người dân làng Tao Kó (xã Ia Rong, huyện Chư Pưh) đã phải chứng kiến 4 đám tang vì tai nạn giao thông của những thanh niên ở lứa tuổi 17, 18. Nơi góc làng, những ngôi mộ phủ màu ảm đạm, thê lương.
Rahlan Thuân (SN 2002) sinh ra ở làng Tao Kó. Ngay từ tấm bé, Thuân đã “ngưỡng mộ” những cậu trai làng lướt đi trên chiếc xe máy mới cóng trong tiếng rồ ga đầy kích thích. Thuân khát khao một ngày nào đó sẽ được điều khiển một chiếc xe máy đắt tiền. Nhưng điều kiện gia đình không cho phép, cha mẹ Thuân phải nuôi 5 anh chị em ăn học, ngay cả ngôi nhà còn tạm bợ thì sao đủ tiền sắm xe. 16 tuổi, Thuân đi làm thuê ở Đak Lak. Những tháng đầu chăm chỉ, Thuân vẫn gửi tiền về cho mẹ. Nhưng từ cuối năm 2019, Thuân bắt đầu tích cóp tiền mua chiếc xe tay ga hiệu Yamaha Nouvo LX. Và bi kịch cũng đến từ chính chiếc xe có giá bằng cả ngôi nhà tôn của cha mẹ Thuân mới cất. 
Mua được xe, Thuân chẳng buồn đi làm thuê nữa mà về ở hẳn với bố mẹ. Không có việc làm ổn định, chàng trai chưa đến tuổi 18 thường xuyên ăn nhậu, điều khiển xe khi chưa có giấy phép lái xe. Tối 29-1-2020, khi đã ngà ngà men say, Thuân chở theo 2 cô gái hàng xóm chỉ mới 17 tuổi ngồi sau chiếc xe tay ga rồi lấn đường, lao thẳng vào chiếc xe khách giường nằm đi ngược chiều trên quốc lộ 14 khiến cả 3 tử vong tại chỗ. Bà Rahlan Nem-mẹ Thuân-nức nở: “Biết vậy thì mình đã cản không cho nó mua xe. Nhưng giờ thì trễ rồi, chiếc xe cũng chôn theo nó luôn rồi”.
 Hơn 1 năm sau ngày gặp tai nạn, Gun (làng Ktăng, xã Kdang, huyện Đak Đoa) vẫn chưa thể đi lại. Ảnh: L.V.N
Hơn 1 năm sau ngày gặp tai nạn, Gun (làng Ktăng, xã Kdang, huyện Đak Đoa) vẫn chưa thể đi lại. Ảnh: L.V.N
Cách nhà bà Nem vài chục mét là nhà bà Siu H’Xeo. Mỗi lần có người hỏi đến cậu con trai Siu Quí (SN 2002) là bà H’Xeo lại rưng rức nước mắt. Chồng mất từ khi Quí còn chưa chào đời, bà H’Xeo một mình gồng gánh nuôi 3 đứa con thơ. Hoàn cảnh khó khăn, con cái bà đều không được ăn học tới nơi tới chốn. Siu Quí là đứa con út được bà H’Xeo thương yêu nhất vì thiệt thòi với chúng bạn, không được sự chăm sóc của người cha. Bởi thế, năm 2019, khi Quí nằng nặc đòi vào TP. Hồ Chí Minh làm công nhân chỉ với mục đích kiếm tiền mua xe tay ga, bà H’Xeo không nỡ can ngăn. 

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh), từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 213 vụ tai nạn giao thông liên quan đến người dân tộc thiểu số, làm chết 141 người, bị thương 184 người, chiếm 44,75% số vụ, 46,38% số người chết và 40% số người bị thương. Đáng chú ý, có 118 vụ (chiếm 55,4%) người trực tiếp gây tai nạn là thanh-thiếu niên dân tộc thiểu số.  

Đầu năm 2020, Quí trở về Chư Pưh và dồn hết số tiền dành dụm được để mua chiếc xe Yamaha Nouvo SX 125. Đối với Quí, chiếc xe này là niềm mơ ước bấy lâu. Nhưng giờ đây, chiếc xe ấy chỉ còn là một đống sắt vụn nằm dưới lòng đất bên phần mộ của Quí sau vụ tai nạn giao thông ngày 15-4-2020. Buổi sáng hôm đó, Quí chạy xe với tốc độ cao, đi lấn làn đường của chiếc ô tô cấp cứu đang chạy ngược chiều. Hậu quả là cậu trai làng Tao Kó đã tử vong sau cú tông trực diện. Bà H’Xeo nghẹn ngào: “Nó đi làm nhưng chưa bao giờ mang tiền về nhà mà chỉ để dành mua xe thôi. Nhà mình nghèo, được Nhà nước xây cho ngôi nhà tình thương đã lâu lắm rồi, mình muốn sửa lại cũng không có tiền. Nó mua xe mình đâu cản được vì lớn rồi. Giá mà nó cứ ở làng đi chăn bò cho mình, theo mình làm rẫy thì đâu đến nỗi này”. 

Tan giấc mộng… 
Đã hơn 1 năm trôi qua nhưng Gun (SN 2001, trú làng Ktăng, xã Kdang, huyện Đak Đoa) vẫn ám ảnh về vụ tai nạn. Hiện tại, Gun vẫn phải nẹp vít để cố định chỗ xương cẳng chân bị gãy. Gần 400 ngày nằm một chỗ với khối kim loại gắn liền trong cơ thể, Gun bị giày vò cả thể xác lẫn tinh thần. Gun vốn là chàng trai cao to, khỏe khoắn của làng Ktăng. Cha ngày ngày say xỉn không lo làm ăn. Gun thương mẹ nên vừa chăm sóc gần 1 ha cà phê vừa đi làm thuê kiếm tiền giúp mẹ nuôi 2 em nhỏ. Đầu năm 2019, khi vừa hết vụ cà phê, Gun “thưởng” cho mình chiếc xe SYM Star 170 với giá hơn 50 triệu đồng. 
Hơn 2 tháng sau ngày mua chiếc xe, Gun đã gây ra vụ tai nạn giao thông khiến 2 người chết và 3 người bị thương nặng, trong đó có mình. Người điều khiển xe máy đấu đầu với Gun hôm ấy cũng có phần lỗi nhưng đã tử vong. Gun sống sót sau khoảnh khắc sinh tử, song phải đối mặt với sự nghiêm khắc của pháp luật vì chạy quá tốc độ và không có giấy phép lái xe. Bà Myăk-mẹ Gun-kể: “Sau khi mua xe, nó định sẽ làm kiếm tiền để sửa lại gian nhà bị dột. Nhưng nhà chưa kịp sửa, nó bị tai nạn nằm liệt một chỗ, đi chữa trị ở TP. Hồ Chí Minh mà chẳng có tiền. Mình phải vay mượn khắp nơi, giờ nợ gần 100 triệu đồng, tiền lãi đóng hàng tháng cũng không biết kiếm đâu. Nó mà đi tù nữa thì mình biết sống làm sao”.
Quin (SN 2002, trú tại làng Châm Rông, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) giờ cũng đang sống trong những tháng ngày âu lo, dằn vặt khi bỗng chốc trở thành bị can trong một vụ tai nạn giao thông. Ông Phan-cha Quin-kể: Làng Châm Rông chỉ vài chục hộ dân nhưng có đến hơn 15 chiếc xe Yamaha Exciter và Honda Winner. Với lũ trai làng, đó là biểu tượng, là thước đo cho sự “chịu chơi” của lớp thanh niên mới lớn. Thấy chúng bạn thường lái xe mô tô qua trước cửa nhà, rú ga như trêu chọc, Quin cũng ỉ ôi, nằng nặc đòi cha mẹ mua cho. Chiều con, đầu năm 2020, ông Phan thế chấp đất đai vay 150 triệu đồng để vừa mua công nông chở nông sản, vừa trích ra 51 triệu đồng mua cho con trai chiếc xe Yamaha Exciter đời mới. 
Tối 23-11-2019, do điều khiển xe với tốc độ cao, thiếu quan sát, không xử lý kịp thời nên Quin đã tông vào người đàn ông trong làng khiến nạn nhân tử vong. Chiếc xe hư hỏng nặng, Quin không chỉ bị thương mà đang phải đối mặt với án phạt tù. Sau khi tai nạn xảy ra, ông Phan lại phải vay mượn bà con xóm làng hơn 90 triệu đồng đền bù cho gia đình nạn nhân. Chiếc xe vừa đi được vài tháng đã phải sửa hết 5 triệu đồng và bán đi với giá chỉ 30 triệu đồng. Tiền mất, án phạt tù treo lơ lửng, Quin sống trong những tháng ngày mà nỗi hối hận đeo bám. Quin chia sẻ: “Em thấy có lỗi với cha mẹ lắm vì đã hoang phí tiền của, gây chết người khi chưa có bằng lái”. Giờ đây, ông Phan hàng ngày phải tất tả chạy vạy từng đồng để trả tiền lãi cho những khoản vay. Từ sáng sớm, ông đã cặm cụi ra vườn nhổ từng bó sả mang ra chợ bán. Ông còn dằn lòng bán luôn kho lúa dự trữ trong nhà để mỗi tháng lo hơn 4 triệu đồng tiền lãi ngân hàng và vay mượn bên ngoài. “Lúc trước, chỉ nghĩ con người ta có xe đẹp mà con mình không có thì cũng tội nó. Thôi thì mình chịu cực một chút để mua xe cho con, ai ngờ... May sao còn giữ được mạng sống”-ông Phan cay đắng nói. 
LÊ VĂN NGỌC 

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.
Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.