Tây Nguyên trong mùa xuân toàn thắng - Kỳ 2 Cuộc giải vây tuyệt vọng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Buôn Ma Thuột thất thủ như một trận động đất rung chuyển toàn miền Nam, tâm chấn lan đến tận Nhà Trắng. Đại sứ Graham Martin đặt Nguyễn Văn Thiệu trước một canh bạc: “Ở Hoa Thịnh Đốn mặt trận đấu tranh trong thời gian tới sẽ vô cùng gay go. Nếu có thể có cơ hội, trong vài tuần tới, quân lực Việt Nam Cộng hòa hãy đánh một trận đẹp mắt với quân Bắc Việt để công chúng thấy rõ thì điều đó sẽ rất có tác dụng. Phản ứng chính trị ở Mỹ sẽ rất tốt đẹp…”.
Quân Giải phóng tiến vào Sân bay Hòa Bình ở thị xã Buôn Ma Thuột ngày 10-3-1975 (Ảnh tư liệu).
Quân Giải phóng tiến vào Sân bay Hòa Bình ở thị xã Buôn Ma Thuột ngày 10-3-1975 (Ảnh tư liệu).
CANH BẠC
Để giành lại sự ủng hộ đang hết sức lung lay của chính giới Mỹ, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu, Tổng Tham mưu trưởng Cao Văn Viên ra lệnh cho tướng Phạm Văn Phú “tử thủ Buôn Ma Thuột bằng mọi giá”, đồng thời ra sức bưng bít việc để mất địa bàn chiến lược này trên báo chí.
Lực lượng “Vùng II chiến thuật” của quân ngụy lúc này còn khá đông nhưng mọi con đường đổ về Buôn Ma Thuột đều bị cắt đứt. Căn cứ 53 đang bị vây chặt. Muốn phản kích chiếm lại Buôn Ma Thuột, Chuẩn tướng Lê Trung Tường-Sư đoàn trưởng Sư đoàn 23 ngụy không còn cách nào khác là phải đổ quân bằng máy bay lên thẳng. Trong điều kiện ấy, chúng không thể mang theo lực lượng thiết giáp và pháo nặng. Đối phó với một đối phương đầy đủ các binh chủng hợp thành đã làm chủ chiến trường là một thách thức, dù vậy, địch vẫn liều lĩnh.
Ý đồ đổ quân bằng đường không nhằm phản kích lẫn vị trí đổ quân của địch đã không nằm ngoài dự đoán của ta… “Đánh xong Buôn Ma Thuột, chúng tôi lập tức được lệnh hành quân ra đường 21”-theo hồi ức của cố Đại tá Phạm Chào. Trong cái nóng như vốc lửa giữa mùa khô, cả người chúng tôi như khô cứng lại trong mồ hôi, bụi đất. Mặc dù thuộc lực lượng dự bị vòng ngoài, chúng tôi vẫn quan sát được mọi động thái chiến trường. Từ chiều 12-3 đến hết ngày 13-3, sau khi dùng cả hơn trăm lần máy bay ném bom dọn bãi, địch dùng trực thăng đổ Trung đoàn 45 xuống trục đường 21 từ điểm cao 581 đến Phước An, Chư Cúc. Tiếp theo là Trung đoàn 44 và Sở chỉ huy Sư đoàn 23. Máy bay trực thăng địch như chuồn chuồn sa mưa. Cứ mỗi lần vài chục chiếc hạ cánh nhả quân rồi lại vội vã cất lên. Một góc trời như vỡ vụn vì tiếng máy bay quạt gió… Đã dự lường địa điểm địch đổ quân, ta chủ động đón đầu và nắm bắt thời cơ. Các loại hỏa lực của ta dồn dập trút bão lửa vào đội hình địch. Tiếp theo xe tăng, bộ binh cùng đồng loạt xung phong chặn đầu, khóa đuôi, chia cắt quân địch. Chỉ sau 2 giờ tấn công, gần 400 tên địch ở điểm cao 581 đã bị loại khỏi vòng chiến đấu. Bộ phận còn lại phải co về Phước An. Ngày hôm sau, chúng lại tiếp tục đổ quân xuống Nông trại Phước An. Lực lượng địch tại đây cộng với số cũ có hơn 5.000 tên nhưng tinh thần chiến đấu rệu rã. Chớp thời cơ, Trung đoàn 24 và 28 được lệnh vào trận tấn công. Sáng 16-3, bão lửa của ta dồn dập trút lên đội hình địch. Xe tăng, bộ binh đồng loạt xung phong. Trước sức tấn công dũng mãnh của ta, toàn bộ Ban chỉ huy Trung đoàn 45 ngụy lẫn chiếc trực thăng chúng dùng chạy trốn đã không kịp thoát thân. Sau 4 ngày liên tục tấn công, Trung đoàn 45 cùng lực lượng tăng cường của địch đã bị xóa sổ. Tiếp theo, từ ngày 18 đến sáng 19-3, Trung đoàn 44 cùng tàn quân Liên đoàn biệt động 21 của địch cũng bị Trung đoàn 28 (Sư đoàn 10), Tiểu đoàn 2 xe tăng (Trung đoàn 273) của ta tiêu diệt nốt. Sư đoàn 23, “con cưng” của ngụy quyền Sài Gòn, vẫn được huênh hoang “Nam bình-Bắc phạt-Cao nguyên trấn” đã bị xóa sổ. Chuẩn tướng Lê Trung Tường-viên tư lệnh bị bắn rơi máy bay trong lúc chạy trốn, suýt bị quân ta bắt sống.
CĂN CỨ 53-“NIỀM HY VỌNG NGẬM NGÙI”
Căn cứ 53 nằm trên trục đường 27, cách trung tâm thị xã Buôn Ma Thuột 8 km về hướng Đông Nam. Căn cứ này có hình chữ nhật dài 1,2 km, rộng 1 km với hệ thống phòng thủ rất kiên cố gồm 7 hầm ngầm bằng bê tông cốt thép; tuyến tường bao quanh dày 1,5 m, cao 2 m; bên ngoài có 4 đến 6 lớp rào kẽm gai, bãi mìn dày đặc. Sau khi ta chiếm Buôn Ma Thuột, số tàn quân chạy về nâng tổng số địch trong căn cứ lên 1.300 tên. Trước đó, một đơn vị đặc công của ta đã tấn công căn cứ này nhưng không thành công.
Theo kế hoạch phản kích của địch, căn cứ 53 sẽ đóng vai trò bàn đạp phối hợp với Trung đoàn 44 và 45 hình thành hai cánh tấn công tái chiếm Buôn Ma Thuột. Để khích lệ tinh thần “tử thủ”, Trung tá Võ Ấn-Chỉ huy trưởng căn cứ đã được Tổng thống Thiệu phong lên hàm Đại tá. Sĩ quan và binh lính cũng được hứa thưởng tiền rất hậu. Tin vào công sự vững chắc, bọn ác ôn ở đây quyết chống cự đến cùng…
5 giờ chiều 16-3, Trung đoàn 66 và 149 (Sư đoàn 10) của ta bắt đầu nổ súng tấn công, đến tối thì mở thông được cửa nhưng phải dừng lại vì địch chống trả rất quyết liệt. Tiểu đoàn 9 của Trung đoàn 66 được đổi sang tấn công hướng chính. Cố Đại tá Phạm Chào nhớ lại: Lúc ấy, chúng tôi vô cùng phấn khởi. Dù biết rằng sẽ khó khăn hơn, thương vong sẽ nhiều hơn nhưng được dự một trận tấn công lớn để tiêu diệt dứt điểm quân địch, ai cũng coi là một niềm vinh dự… Trận đánh diễn ra vô cùng ác liệt. Địch khống chế trên cao, dựa vào công sự vững chắc rót hỏa lực xuống, phối hợp với máy bay ném bom ác liệt vào đội hình quân ta. Trong khi đó, chúng tôi muốn tiếp cận căn cứ phải vận động qua địa hình bằng phẳng, trống trải. Nhưng bất chấp mọi sự kháng cự điên cuồng của địch, quân ta vẫn ngoan cường tiến lên. Người trước ngã, người sau thay thế. Xe tăng, pháo cao xạ cũng hình thành lưới lửa chi viện đắc lực cho bộ binh… Có một chi tiết tôi vẫn còn nhớ mãi: Vào giữa trưa, 2 chiếc máy bay A.37 của địch lọt qua lưới phòng không ném được một loạt bom vào giữa đội hình tiến công của ta. Nghe tiếng rú rởn óc tôi ngửa mặt nhìn lên thì thấy 6 quả bom tròn vo như 6 trái bóng đang lao xuống. Theo kinh nghiệm, tôi biết ngay bom đang rơi đúng đỉnh đầu. Một ý nghĩ thoáng nhanh qua đầu tôi: “Phen này chắc là “tiêu”… Nhưng điều không thể ngờ, rơi đến giữa chừng cả 6 quả bom nổ tách làm đôi và bung ra toàn… giấy. “Bom phản chiến!”-chúng tôi cùng reo lên. Và như có một sức mạnh tinh thần đến bất chợt, chúng tôi siết chặt đội hình, ráo riết tấn công. Biết không còn lối thoát, bọn địch dưới các hầm ngầm càng điên cuồng chống cự. Giữa lúc đó, bỗng có một tên lính không biết bằng cách nào từ dưới hầm ngầm vọt được lên chạy về phía quân ta. Hắn lập cập khai: Tên đại tá chỉ huy căn cứ đang ở dưới hầm ngầm cùng với 3 tên sĩ quan cấp tá và 100 lính. Hóa ra, đây là căn hầm chỉ huy. Chúng tôi bắc loa gọi hàng. Nhưng càng gọi, chúng càng bắn hỏa lực, ném lựu đạn lên như trêu gan. Chúng tôi xin ý kiến chỉ huy và được lệnh tiêu diệt. Một trung đội súng phun lửa được điều đến. Hỏa lực địch câm tịt. Tên đại tá chỉ huy căn cứ chết thiêu cùng 3 tên sĩ quan cấp tá. Toàn bộ quân địch trong hầm cũng bị tiêu diệt... Sau này, tôi được biết tên lính này hóa ra cùng đồng hương Hải Dương với tôi!
8 giờ 30 phút ngày 20-3, dù ngoan cố chống cự đến điên cuồng, căn cứ 53 của địch đã bị tiêu diệt. 400 tên địch bị loại khỏi vòng chiến đấu; 4 xe tăng, 2 pháo lớn bị phá hủy… Đến đây, sau hơn 5 ngày tấn công, Sư đoàn 10 và các đơn vị xe tăng, pháo binh của ta đã lập chiến công vang dội: Đập tan cuộc phản kích hòng “tái chiếm” Buôn Ma Thuột của Quân đoàn II ngụy; xóa sổ Sư đoàn 23 và Liên đoàn biệt động quân 21. Sự suy sụp không thể cứu vãn nổi của quân ngụy đã hiển hiện rõ ràng.
NGỌC TẤN

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.
Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.