Cờ bạc 'đại náo' vùng biên: Những trò bạc bịp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Các 'chiêu' trò bạc bịp khiến các con bạc tán gia bại sản, 'nướng' hết tiền vào các ổ bạc ở vùng biên.
Thâm nhập các ổ bạc ở vùng biên giới VN - Campuchia, PV Thanh Niên được chủ các ổ bạc tiết lộ nhiều chiêu trò “cờ gian bạc lận” để thắng cược.
Nhét chíp mìn vào bụng gà, gắn camera chơi tài xỉu
Các con bạc đều biết việc gian lận ở trường gà nhưng vẫn "cắm đầu" vào sát phạt. Với các trận đá gà tiền cược lớn, chủ gà gian lận thường dùng thuốc, gắn chíp mìn..., trong đó chiêu gà “mìn” được sử dụng phổ biến hơn cả.
Nhiều con bạc nói rằng đánh bạc phải có "mánh". ẢNH: TRẦN TIẾN - TIỂU THIÊN
Gà “mìn” nghĩa là khi một hoặc cả hai chiến kê được cho nuốt loại chíp mìn vào bụng. Tùy lượng người bắt độ bên nào lớn hơn thì chiến kê bên đó sẽ bị chủ gà bấm chíp “khai tử”. Chíp sẽ phá nội tạng làm mất sức chiến đấu của gà. “Giá của chíp “mìn” khoảng 6 triệu đồng.
Những chiêu trò này thường chỉ có trận cá cược lớn ở các trường gà lớn mới dùng vì ở đó nhà cái, con bạc đều là người có “máu mặt”, C. “ròm” (nói trong bài trước) bật mí. Tuy nhiên, mánh khóe gian lận này đôi khi cũng xảy ra sự cố khiến chủ gà phải méo mặt. Việc gắn chíp và khai tử gà đã được lên kế hoạch rất kỹ lưỡng nhưng lúc bấm nút thì chíp không hoạt động, mìn không nổ, chủ gà phải đền cho các con bạc đủ tiền mà “đối thủ” thua.
Đá gà cũng có nhiều mánh khóe
Ngoài ra, một số chủ gà còn tẩm thuốc vào cựa sắt, khi gà tung cước, cựa sắt gây sát thương thì gà đối phương lập tức choáng váng, có thể chết tại chỗ. Gần đây, "chiêu" này vừa dễ bị phát hiện vừa nguy hiểm khi chủ gà vô tình bị quệt trúng có thể gây chết người nên ít người dùng.
Một chiêu trò mới nở rộ gần đây là chiến kê bị gãy chân khi lâm trận. Dân “xào chẻ” sẽ làm gãy chân chiến kê, sau đó tẩm thuốc và nhồi một tấm đệm mỏng ngăn không cho xương gà liền lại. Qua thời gian, chiến kê sẽ hoạt động lại bình thường nhưng khi vào trận, chân chỉ cần tung cước, chấn thương ở phần gãy sẽ tái phát. Mục đích là để các con bạc đặt cược vào chiến kê bị "làm thuốc" sẽ thua độ.
“Nhưng với các trường lớn, nếu thấy gà gãy giò bất thường, trọng tài sẽ giữ gà lại để giải phẫu. Nếu gà bị “xào chẻ” thì chủ gà no đòn”, C. "ròm" giải thích.
Một người rút nhẫn cầm cố tại sòng để "gỡ vốn"
Một chiêu trò khác cũng được giới gà bịp truyền tai nhau là mua thuốc để gà uống. Khi hai chiến kê xáp lá cà, chỉ cần gà nằm xuống, hai chủ gà có quyền kéo chiến kê về vạch để tiếp tục chiến đấu. Lúc này, chiến kê nào được đặt cược nhiều sẽ được chủ gà vuốt cổ, rồi bóp mạnh làm vỡ viên thuốc trong bao tử gà, gà sẽ nhanh chóng mất sức chiến đấu và thua cuộc.
Đá gà đã có những chiêu trò gian lận thì cờ bạc cũng chẳng kém. Trong giới cờ bạc, để làm cái phải có tiền nhiều và dựa vào mánh khóe, chiêu trò. Một trong những mánh khóe mà giới cờ bạc vẫn hay truyền nhau để cảnh giác là gắn nam châm chìm trong đáy đĩa hoặc gắn nam châm trong con xúc xắc. Tuy nhiên chiêu này đã lạc hậu so với thời buổi công nghiệp 4.0.
D. (đệ tử ruột của C. “ròm”) nói: “Giờ trên nắp có camera, trong túi thằng cái có 2 cái ĐTDĐ, một đứa ở ngoài trực camera, ra tài thì rung phải, ra xỉu rung trái. Nhiệm vụ còn lại là mấy thằng khách mồi phải biết cách tung hỏa mù để con bạc đặt sai”. Nhưng theo con bạc K. (28 tuổi), muốn làm cái phải nắm bắt được tâm lý con bạc, một trong những chiêu trò để “xào chẻ” là giả bộ xóc đĩa nhưng không nhảy số, tỷ lệ ăn sẽ tăng đáng kể.
Tán gia bại sản vẫn lao vào
Trong quá trình thâm nhập, PV Thanh Niên chứng kiến nhiều con bạc cháy túi, cầm cố tài sản với hy vọng gỡ gạc nhưng rồi cũng trắng tay.
Chiều 2.4, các con bạc đổ về sòng của S. “đen” (một tay cờ bạc số má ở một huyện vùng biên tỉnh Bình Phước) ngày một đông. Đánh được hơn 3 giờ, H. (một tay cờ bạc có thâm niên) thua nhẵn túi. H. nói với người bạn đi cùng: “Lấy chiếc nhẫn 5 triệu của mày cầm
3 triệu đi, tí tao trả cho”. Tỏ vẻ không hài lòng nhưng người bạn vẫn rút chiếc nhẫn ra rồi gọi một tay chuyên cầm đồ tại sòng ra báo giá 3 triệu đồng. Người cầm đồ nhìn ngang dọc chiếc nhẫn vài lần rồi rút ra 2,7 triệu đồng đưa cho H. (lãi suất 20%/tháng nhưng lấy trước 10% - PV). Hơn 1 giờ sau, H. lại quay sang bảo bạn chạy về lấy xe ra cầm để “gỡ lại vốn”. Chiếc xe hiệu Mio của bạn H. tiếp tục được đưa ra rao 5 triệu đồng, nhưng lần này tay cầm đồ lắc đầu vì chê xe cũ.
Ai cũng biết “cờ bạc là bác thằng bần”, nhưng nhiều con bạc vẫn không dứt ra được. B. “cò” (27 tuổi) vốn là một thanh niên hiền lành chịu khó làm ăn. Trong một lần đi chơi với bạn, B. được bạn bè rủ rê vào những ổ bạc lớn nhỏ trong vùng, B. thay đổi từ đó. Về sau, B. bỏ luôn công việc chính để đi đánh bạc. Đầu năm 2019, khi đã có một gia đình êm ấm, B. được bố mẹ “tài trợ” hơn 600 triệu đồng để cất nhà, với mong muốn con quay đầu, tu chí làm ăn. Có tiền, máu đỏ đen lại nổi lên, B. vào ổ bạc nướng sạch 600 triệu đồng và chịu nợ thêm một khoản tiền lớn. Nợ nần chồng chất khiến B. túng quẫn tìm cách tự tử nhưng bất thành vì gia đình kịp can ngăn.
Khác với B., K. từng làm “cái” ở nhiều sòng bạc tại tỉnh Bình Phước, cũng có thời huy hoàng túi tiền rủng rỉnh từ việc cờ bạc nhưng giờ phải bỏ xứ trốn nợ cũng vì cờ bạc. Trong một lần say máu đỏ đen, K. thiếu nợ hơn 400 triệu đồng nhưng không có khả năng trả, sợ bị chủ nợ “xử” nên bỏ đi biệt xứ. “Ngựa quen đường cũ”, sau vài tháng sống lang bạt, K. tiếp tục lậm vào cờ bạc, hằng ngày kiếm sống bằng “nghề” xóc đĩa.
“Nợ một đống như vậy, không cờ bạc thì chẳng còn cách nào trả nợ cả!”, K. ngậm ngùi. Nói xong K. vạch áo lên khoe hình xăm sau lưng với hình 3 con xúc xắc đang cười, phía dưới là ngọn lửa đang cháy. K. tấm tắc bảo hình xăm có hồn và cuộc đời của anh ta sẽ gắn liền với nghề... xóc đĩa.  (còn tiếp)

Trưa 2.4, PV được D. (đệ tử ruột của C. “ròm”) dẫn ra quán cà phê để chào hỏi các anh em trong "nghề" cờ bạc tại H.Bù Đốp. Tại bàn, câu chuyện nhóm này chỉ xoay quanh việc ăn thua và ngón nghề “xào chẻ” cờ bạc. Để tiện quản lý tiền bạc và kiếm sống từ nghề cờ bạc, C. “ròm” và nhóm lính hùn hạp thành lập “công ty” (nhiều con bạc góp vốn để đánh bạc, làm nhà cái - PV). Nhóm này tuyển lính mới về huấn luyện "nghề". Những lính mới sẽ được dẫn theo để học việc ở tất cả sòng bạc lớn, nhỏ trong vùng. C. “ròm” làm thủ lĩnh sẽ kiếm các sòng bạc để “thầu cái”. D. có nhiệm vụ giữ tiền và ghi tiền ăn chia khi đá gà và cho vay nóng. K. là tay chuyên cờ bạc nên được giao nhiệm vụ làm cái, ngồi xóc đĩa tại các sòng mà

C. “ròm” chỉ định. Ngoài ra nhóm này còn tuyển thêm một số lính mới có nhiệm vụ đòi nợ các con bạc.

Để có việc cho nhóm lính của mình, C. “ròm” dựa vào quan hệ để liên hệ “thầu cái” tại các sòng lớn, nhỏ trên địa bàn. Mỗi ngày C. “ròm” phải trả tiền thầu từ 10 - 50 triệu đồng dù lời hay lỗ.

“Có bao giờ làm cái bị thua không?”, PV hỏi. C. “ròm” lắc đầu và khẳng định 99% là có lời vì trong nghề đều có mánh khóe để nhà cái kiếm lời. “Thế mới phải bỏ tiền vào làm cái ở các sòng chứ. Như sòng C.C nếu muốn làm cái thì 50 triệu/ngày cũng chưa chắc được vào làm”, C. “ròm” giải thích. Nói rồi C. “ròm” cùng các đàn em tiếp tục hướng dẫn công việc cho lính mới, thỉnh thoảng D. lại vỗ vai động viên chúng tôi vì D. cũng từng làm lính mới.

Trần Tiến (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.
Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.