Sống ở xóm ngụ cư: Những mảnh đời trôi dạt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Xóm ngụ cư là một thế giới khác giữa Sài Gòn phồn hoa.
1 - 2 giờ sáng, bà cháu bà Nhu mới về tới khu Hương Quê. ẢNH: LAM NGỌC
Những căn lều tạm, dãy nhà trọ xập xệ được dựng lên san sát nhau. Trẻ con không giấy khai sinh, vợ chồng không đăng ký kết hôn, thanh niên giải trí bằng đánh bạc, đá gà... Xóm ngụ cư là một thế giới khác giữa Sài Gòn phồn hoa.
Vừa qua cầu Xóm Củi (đường Nguyễn Văn Linh, H.Bình Chánh) hướng về miền Tây, bên tay trái có con hẻm nhỏ kéo dài gần 1 km. Đây là khu sắp giải tỏa, được gọi bằng cái tên Hương Quê bởi người sống ở đây đều là dân tỉnh lẻ, hầu hết gốc miền Tây. Có người vừa dọn đến vài tháng nhưng có người đã ở đây… mấy chục năm.
Dân thợ hồ, kết cườm, người nhặt ve chai trong xóm này thường thuê trọ với giá từ 400.000 - 1 triệu đồng/tháng. Những người thu nhập không ổn định, dân xì ke, đá gà thì cứ thế dựng chòi trên những nền đất trống mà chủ chưa xây nhà để tá túc. Cuộc sống ở những khu giải tỏa này dù thiếu thốn nhưng khá thoải mái bởi cơm ai nấy ăn, việc ai nấy làm, rất ít ai nhòm ngó hay can thiệp vào cuộc sống của nhau.
Đôi khi là hàng xóm sát vách, chứng kiến cảnh vợ chồng vác dao búa đánh nhau, những đứa trẻ bị cha mẹ hành hạ nhưng họ cũng chẳng quan tâm bởi chuyện đó… diễn ra hằng ngày. Họ cũng không báo chính quyền bởi: “Cán bộ không muốn bước vào khu này. Họ mà chịu thì chẳng lẽ một ngày vào cả 100 lần”, một bà nhiều tuổi sống ở đây cho hay.
Nhờ hàng xóm nhốt để… trốn nợ
Trong vai một giáo viên dạy chữ, dạy hát từ thiện, tôi đến khu Hương Quê tá túc một thời gian ở nhà bà N.T.H (56 tuổi, gốc Bến Tre). Khi tôi mời ly cà phê đen và ngỏ lời xin ở nhờ, bà H. quẳng cho tôi cái ghế đẩu nhựa mời ngồi ngay cửa bởi trong phòng trọ chật kín đồ đạc. Chỉ vào mấy thứ đồ hư, cũ ngập tới nóc trong căn trọ lụp xụp, rộng chừng chục mét vuông, bà bảo đang sống bằng nghề nhặt và thu mua ve chai.
Căn trọ bà H. đang ở có giá 400.000 đồng/tháng, hầu hết diện tích để chứa đồ, chỉ chừa một khoảnh hẹp vừa đủ một người nằm. Thêm tôi, chỗ nằm đó sẽ càng chật hơn. Bà H. kể nền này lúc thuê là nền đất, sau đó bà xin thêm xà bần đôn cao lên, nhờ vậy mà lúc mưa đỡ bị ngập.
Tới ngày đóng tiền nhà, bà H. nhờ hàng xóm khóa cửa ngoài, “nhốt” bà trong nhà để tránh gặp mặt chủ nợ và người thu tiền góp

"Cán bộ không muốn bước vào khu này. Họ mà chịu thì chẳng lẽ một ngày vào cả 100 lần"

Một người dân ở khu Hương Quê

Cuộc đời của người phụ nữ bất hạnh được thổ lộ theo những lần phà khói thuốc. “Trước khi về xóm Hương Quê, tôi từng đi tù”, bà H. kể, đôi mắt nhăn nheo chìm vào quá khứ xa xăm. Năm 18 tuổi bà lấy chồng, do bệnh hen suyễn và tim bẩm sinh của bà ảnh hưởng nên sau khi sinh thì con bà chết. Mặc cảm bệnh tật, bà bỏ chồng, rời quê lên TP, lâu lâu lại về Bến Tre thăm mẹ và người thân nhưng dường như không ai chào đón bà. Cảm thấy cuộc đời chẳng có ý nghĩa, bà đốt nhà mình để tự thiêu. Đám cháy được dập, bà không chết nhưng phải ở tù ba năm với tội danh cố ý phá hoại tài sản vì đám cháy đã lan sang nhà bên cạnh.
Năm 2009 bà được ra tù, lang bạt rồi dạt về khu Hương Quê. “Tôi thanh thản vì ở đây ít người biết quá khứ của tôi, mà giá nhà trọ cũng rẻ”. Ở khu Hương Quê, bà là người cô độc nhất. Nhà nào cũng con đàn cháu đống, còn bà ốm đau gì chỉ thui thủi. Bà tìm vui bên những ván cá ngựa, mỗi ván vài chục ngàn, thua nhiều khiến bà chìm trong nợ nần.
Có hôm tôi xách mền gối qua nhà bà, thấy cửa khóa ngoài, tôi đợi tới gần nửa đêm. Người hàng xóm thấy vậy hất mặt: “Bả ở trong nhà chứ đâu”. Hóa ra, cứ tới cữ đóng tiền nhà, tiền góp bà H. lại nhờ người khóa cửa ngoài rồi nằm trong nhà hồi hộp chờ chủ trọ và người thu tiền góp về rồi mới dám ra. Ở xóm ngụ cư này, người trốn nợ theo cách bà H. rất nhiều.
Người trong xóm thường tụ họp giấc khuya vì lúc này họ mới đi làm về. ẢNH: LAM NGỌC
Mưu sinh đến gần sáng
Quá nửa đêm, các phòng ở khu Hương Quê vẫn sáng đèn, không khí cũng nhộn nhịp hơn. Phía cuối dãy trọ, bà Trần Thị Nhu (70 tuổi, quê An Giang) cùng các cháu vừa đẩy xe về tới: “Hôm nay mưa, kiếm chẳng được là bao”, bà nói rồi đưa hai bàn tay sần sùi vuốt những giọt mưa còn đọng lại trên mặt, lụm khụm mở khóa cửa, thúc giục ba đứa cháu ướt như chuột lột vào nhà. Lúc này, kim đồng hồ đã chỉ 1 giờ 30 sáng.
Mò mẫm trong ánh sáng mờ đục phát ra từ chiếc đèn cũ kỹ, bà Nhu lấy mấy bộ quần áo, hối từng đứa cháu đi tắm. Trần Thanh Tùng (12 tuổi), Trần Thanh Vinh (10 tuổi) và Trần Thị Hương (9 tuổi) là cháu nội, cháu ngoại nhưng đều bị ba mẹ bỏ rơi, nên mang họ bà. Vì nghèo, không thể đi học nên cả ba đứa đều không viết được tên mình. Để có cái ăn hằng ngày, bà phải dẫn các cháu ra bãi rác lượm lặt ve chai. Ngày nào cũng vậy, bốn bà cháu đẩy xe đi từ giữa trưa hôm trước tới 2 - 3 giờ sáng hôm sau.
Quá nửa đêm nhưng trẻ con ở xóm ngụ cư vẫn còn thức
Với bà cháu bà Nhu, phòng trọ chỉ là chỗ đặt lưng trong vài tiếng đồng hồ nên chẳng cần ngăn nắp. Đồ dùng trong nhà và quần áo của vợ chồng bà, người con gái và ba đứa cháu chất thành đống khiến nơi sinh hoạt chung của cả gia đình chỉ còn vỏn vẹn 1 - 2 m2. Đêm tôi đến, nền nhà lớp nhớp nước mưa và bụi bẩn, còn in đầy dấu chân của bọn trẻ.
Tôi hỏi, vậy tối nay mấy bà cháu ngủ thế nào? Bà Nhu với tay lấy chiếc quần mới thay của cháu lau qua quít: “Tàm tạm thế này được rồi cô ơi. Con nhà nghèo đặt lưng xuống là không biết gì nữa”. Nói đoạn, bà lấy trong túi ra năm cái bánh bao chia cho từng đứa: “Ăn đi rồi ngủ, cái này để dành cho dì mày”, rồi nheo mắt nhìn vào chiếc điện thoại “đập đá” nhờ tôi xem giúp mấy giờ. “2 giờ 20”, tôi nói rồi bước khỏi phòng, dành chỗ để bà cháu ngủ.
Đã giờ này mà người trong xóm tụ tập càng lúc càng đông, vài đứa trẻ vẫn bồng em đi lang thang. Một số người đi làm thợ hồ, kết cườm cũng vừa về tới, trên tay xách theo vài bịch đồ ăn. Với họ lúc này mới thảnh thơi nhất để ăn bữa chính, gặp mặt con cái và nói vài câu chuyện trong ngày. (còn tiếp)
(Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi)
Nửa đêm là lúc nhộn nhịp nhất

Hiện tại, đường ở khu Hương Quê vẫn không có đèn, người ta đi lại nhờ ánh sáng từ những lỗ thủng, khe hở xuyên ra từ vách tôn. Chị Chi (quê Châu Đốc, An Giang) than phiền: “Phòng trọ dù dột nhiều, báo chủ nhà cũng không hề sửa. Muốn nhà hết dột, người thuê phải tự leo lên mái nhà, lấy keo bắn vào lỗ hổng rồi dùng bạt và vài viên gạch vỡ cố định lại”.

Dù tồi tàn nhưng mấy chục phòng trọ ở đây lúc nào cũng kín người thuê. Một dân ngụ cư ở đây cho biết nhiều lý do nhưng quan trọng nhất là sinh hoạt ở những xóm ngụ cư này thường ngược với sinh hoạt của người bình thường. Với họ, nửa đêm mới là lúc nhộn nhịp nhất bởi sự có mặt của các sòng bài, bàn nhậu và là lúc dân lao động nặng trở về nhà.

Lam Ngọc (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.
Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.