43 năm đón tết trong rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mấy chục năm sống giữa rừng cũng là chừng đó năm ông Đặng Văn Triệu (70 tuổi) đón chào năm mới, ăn tết ngay trên chiếc ghe vừa là nhà vừa là phương tiện kiếm sống của mình.

Hồi năm 1975, ông Triệu cùng vợ dắt díu nhau xuống rừng đước thuộc xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ (TP.HCM) tìm kế sinh nhai. Rồi những đứa con lần lượt ra đời, lớn lên đứa nào cũng ra riêng. Vợ ông Triệu mới đây cũng lên bờ sống cùng con nên giờ chỉ còn mình ông ở lại ghe.

Bám rừng mưu sinh

Ngày nào cũng vậy, ông Triệu ngồi canh khi nào con nước lớn sẽ đăng đáy bắt hải sản. Ở đây, cá ngát, cá dứa, tôm cua khá dồi dào. Mỗi ngày lão ngư có thể kiếm được vài ba trăm ngàn đến cả bạc triệu.


 

 

Chiều cuối năm, không gian ở rừng im ắng bốn bề. Ông Triệu đang lọ mọ nấu cơm. Khói bay ngút ghe. Chợt nghe tiếng chó ăng ẳng trong khoang, ông Triệu lấy tay gõ cộc cộc xuống tấm ván. Rất nhanh chóng, con chó vẫy đuôi chạy ra nép vào người ông. “Nó tên Lu, dưới này phải nuôi thêm chó để bầu bạn. Hơn nữa, nó canh giữ, phòng kẻ gian lên ghe trộm đồ”, ông Triệu giới thiệu về “người bạn” của mình.

Mui ghe là nơi ông Triệu ngủ nghỉ. Ngoài cuốn lịch và chiếc đồng hồ treo tường khói bám đen sì thì chẳng có thứ gì quý giá. Ông kể mọi thứ ở rừng đã ăn vào máu thịt. Không tiếng còi xe, không tiếng người rôm rả và không cả ti vi nhưng cũng không làm ông cảm thấy buồn bã. Lâu lắm mới có vài người bạn ghé thăm ông Triệu trà nước. Đó là ông Sáu Già, ông Năm Sơn... họ đều là những ngư dân bám rừng, bám sông mưu sinh như ông Triệu.

43 cái tết

Không khí tết ở rừng vốn không khác gì ngày thường. Trên chiếc ghe ọp ẹp, ông Triệu rước ông táo, đốt vàng mã, cúng giao thừa… “Tết của mọi người sao tui y chang vậy hà. Chỉ có điều cúng kiếng một mình, ăn uống cùng vài ba ngư dân quanh đây thôi”, ông Triệu chia sẻ.

“Sao không lên bờ tề tựu với con cái cho vui?”, tôi hỏi. Ông Triệu cười nhẹ tênh: “43 năm sống ở rừng là 43 năm tui ăn tết trong rừng. Cuộc sống vốn quen từng gốc đước ngọn bần nên lên bờ tui mới... buồn đó”. Trong 3 ngày tết, con cháu ra sức “vận động” ông lên bờ để cả nhà đông vui nhưng ông không chịu.

“Đám tiệc con cháu cha mới lên bờ uống ly rượu mừng rồi sau đó tức tốc trở lại ghe. Tết nhất cha ở miết dưới ấy chứ hông chịu lên”, anh Đặng Thành Phát (38 tuổi), một trong 5 người con của ông Triệu, cho biết.

Trước giờ, ông Triệu luôn có vợ - bà Nguyễn Thị Ngọc Vân (70 tuổi) đồng hành trên ghe. Mà mấy tháng nay sức khỏe bà yếu nên ông thuyết phục thành công vợ lên bờ sống cùng đứa con gái.

Ngày ngày, bà Vân từ trên bờ gọi điện thoại cho chồng, hỏi đủ thứ: từ chuyện cơm nước, tôm cá... khiến chiếc ghe lắm lúc cũng rộn tiếng cười nói. “Từng tuổi này tui vẫn khỏe lắm nghen. Chắc ngày nào cũng kéo lưới đáy nên tui mới được vậy”, ông Triệu “khoe” sức khỏe rồi nói tết này là năm đầu tiên không có vợ bên cạnh. Nhưng chỉ cần mọi người bình an, với ông đó mới là mùa xuân có nhiều niềm vui, hạnh phúc nhất...

Trác Rin (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.
Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.