Đôi chân của Đao và "lời nguyền" của Giàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Người già ở bản Ngược ngạc nhiên trước đôi chân giả giúp Đao đi đứng được sau 17 năm lê lết. Ảnh: HƯNG THƠ
Người già ở bản Ngược ngạc nhiên trước đôi chân giả giúp Đao đi đứng được sau 17 năm lê lết. Ảnh: HƯNG THƠ
Nhà của Hồ Văn Đao (SN 2001) ở tận bản Ngược, nơi xa lắc xa lơ với những con đường đất nhầy nhụa, đá lởm chởm ở xã Ba Nang của huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Ngày Đao chào đời cách đây 17 năm, gia đình Đao rớt hai hàng nước mắt, vì đôi chân của em khác người, không được lành lặn. Lúc đó, ở những ngôi nhà sàn của người đồng bào Vân Kiều tại bản Ngược, họ mê tín xì xào rằng, Đao bị Giàng (ông trời) nguyền rủa. Đao lớn lên, chứng kiến những giọt nước mắt của mẹ, và ánh mắt thương hại của bản làng. Từ sự động viên của gia đình và những người thầy, Đao tập lết đi bằng tay, rồi dần đứng lên…
Đi trên… đôi tay
Mẹ của Đao, bà Hồ Thị Mó có đôi mắt thật hiền, làn da đen sạm. Tuổi chưa nhiều, lật sổ hộ khẩu thì năm nay mới hơn 40, nhưng vì là lao động chính trong nhà, cuộc sống khó khăn, nên nếu đoán thì ai cũng bị hớ thêm chục tuổi là ít. Bà Mó sinh 4 người con, 1 gái 3 trai. So với những nóc nhà ở bản Ngược, sinh từng ấy con là ít. Dù ít con, nhưng khó khăn luôn kéo về, cái khó từ vật chất đến tinh thần bủa vây bà Mó nhiều năm nay.
Đao là đứa con thứ 3 của bà Mó. Đao ngoan từ lúc còn trong bụng, vì vậy trước khi sinh em vài ngày, bà Mó vẫn cùng chồng lên nương làm việc bình thường. Trở dạ, cũng không có gì bất thường, nhưng khi con vừa lọt lòng với tiếng khóc, chưa kịp vui mừng, thì gia đình bà Mó ai cũng bật khóc. “Chân của cháu không bình thường. Nó nhỏ xíu và quặp lại, teo tóp” - bà Mó xoa xoa hai ngón tay vào nhau, kể.
Lúc đó, nhiều người vì mê tín nên bảo rằng, vợ chồng bà Mó đắc tội với Giàng nên bị phạt, phải đặt lễ cúng này nọ. Nuốt nước mắt, không nói năng gì, bà Mó ghì chặt con vào lòng. Lầm lũi cả tuần sau khi sinh con, bà Mó bàn với chồng đi tìm thầy mo để chữa bệnh cho con, nhưng không có kết quả. Chấp nhận số phận, bà Mó lại quần quật lên nương kiếm cái ăn cùng chồng, trở về nhà là bà ôm ngay lấy Đao, nâng niu, cưng nựng...
Đao lớn lên trên đôi vai của ba, của mẹ. Biết nói rồi, nhưng em chỉ lê lết được quãng ngắn và quanh quẩn trên ngôi nhà sàn ở góc bản. Ngày ngày, khi cả nhà lên nương, Đao ngó ra cửa, trông đám bạn đến chơi, hoặc nhìn bạn chơi ở đám đất trước nhà. Đến tuổi, bạn xách cặp đến trường, không còn ai lui tới chơi đùa. Đao xin ba mẹ đi học, ai cũng buồn xo nhìn đôi chân của em, ngân ngấn nước mắt. Thương con, bà Mó đến trường, ngập ngừng gặp thầy giáo xin cho Đao đi học. Thế rồi, Đao đến trường trên lưng mẹ, lưng bố, lưng anh. Có hôm, tan học mà cả nhà còn trên rẫy, Đao nhờ đám bạn xách cặp, còn em lết về. Trường cách nhà chỉ tầm 200 mét, nhưng về đến nhà thì đôi chân tật nguyền bê bết máu.
Sau bận lê lết đó, Đao ở nhà nhiều ngày cho đến khi vết thương ở chân lành lặn. Thấy cậu có đôi dép caosu đứt quai để ở góc nhà, Đao xin về, xỏ vào 2 cẳng chân. Khi lết đi trên đường, có đôi dép bảo vệ nên chân không bị chảy máu. Dần dần, đôi tay cứng cáp, đôi chân bị tật chai sạn. Sáng, bạn đến nhà xách cặp, Đao lết theo sau, trưa Đao lại về nhà bằng đường cũ.
Học hết cấp 1, sang cấp 2 trường cách nhà đến 30 cây số. Đao khóc vì không muốn bỏ học, nên bà Mó đi bộ ra trường, gặp thầy Tùng - Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Ba Nang. Chưa từng gặp trường hợp như này, nhưng thầy Tùng tốt tính nhận lời sẽ giúp đỡ Đao. Ngày đầu năm học, Đao được mẹ và cậu thay nhau cõng đến trường. Em ở lại học, ở nhờ phòng công vụ và ăn cơm cùng giáo viên của trường. 
Đao ngồi lên cửa sổ trong ánh mắt vui sướng của người thân. Ảnh: HƯNG THƠ
Đao ngồi lên cửa sổ trong ánh mắt vui sướng của người thân. Ảnh: HƯNG THƠ
Đôi chân của doan Toàn
Tháng ngày ở lại bán trú để theo học, Đao may mắn sống trong sự yêu thương của cán bộ, giáo viên Trường PTDT bán trú Ba Nang. Không chỉ dạy cho Đao chữ, hễ nghe có đoàn từ thiện nào, thầy cô giáo ở trường cõng em đến, xin nhờ giúp đỡ. Năm 2009, anh Đặng Quang Toàn - hiện đang phụ trách Chương trình hỗ trợ nạn nhân dự án Renew tổ chức chương trình phục hồi chức năng lưu động tại huyện Đakrông gặp Đao. “Đao được thầy giáo ở trường cõng đến, xin đôi chân. Nhưng lúc đó, dự án không đáp ứng được, từ kinh phí đến thể trạng của Đao” - anh Toàn, nhớ lại.
Khi em học xong cấp 2, giáo viên ở trường liên hệ để Đao được ra thành phố Đồng Hới (Quảng Bình), theo học lớp Sơ cấp Luật ở một Trường Trung cấp Luật (vừa đào tạo THPT). Xa nhà, xa thầy cô cũ, việc học Đao đáp ứng được, còn sinh hoạt và chi phí thì khó khăn. Đao học được 1,5 năm thì anh Toàn bất ngờ xuất hiện tại trường, đề cập đến việc cho em đôi chân. Đao tạm xin nghỉ học, trở về nhà, chuẩn bị cho một phép màu mà em ao ước lâu nay.
Từ lần gặp gỡ vào năm 2009, hình ảnh Đao vắt vẻo sau lưng người thầy với ánh mắt hy vọng cứ thôi thúc anh Toàn phải làm điều gì đó. Mãi đến năm 2018, khi dự án Renew có kinh phí để can thiệp vào đôi chân của Đao, anh Toàn lập tức đặt vấn đề với gia đình em. “Đao sẽ phải trải qua phẫu thuật cắt đôi chân bị tật, rồi sẽ được lắp đôi chân giả. Kinh phí phẫu thuật dự án lo, còn ăn uống sinh hoạt dài ngày ở bệnh viện tự túc. Điều quan trọng nữa, việc Đao có đứng được trên đôi chân giả hay không phụ thuộc vào nhiều điều kiện” - anh Toàn bảo.
Nghe anh Toàn nói, mẹ em trào nước mắt. Năm 2005, ba của Đao thiệt mạng vì trúng phải bom khi cuốc đất trồng cây, từ đó bà Mó một mình nuôi các con. Bà sẵn sàng làm tất cả vì đôi chân của con, nhưng nhìn lại ngôi nhà sàn ọp ẹp bằng tranh tre không có bất kỳ thứ gì bán được. Nhìn cảnh ấy, nhìn đôi mắt sáng lên của bà mẹ Vân Kiều trong chốc lát rồi cụp xuống vì không lo được kinh phí cho con, anh Toàn xốn xang trong lòng.
Trở về thành phố, anh kể về câu chuyện của Đao cho bạn mình. Rồi anh đứng ra vận động, quyên góp được 15 triệu đồng. Giữa tháng 4.2018, thấy chiếc xe ôtô lấm lem đất dừng trước đường, Đao lết đến. Anh Toàn bế em lên xe, chào gia đình rồi chở em vào Bệnh viện chỉnh hình và phục hồi chức năng Đà Nẵng. Nhập viện, Đao ốm yếu, nên bác sĩ cắt 1 chân của em, rồi đợi 1 tháng sau mới cắt chân còn lại. Khi 2 chân đã lành, sức khỏe ổn, Đao được lắp chân giả đi thử. “Em lắp chân có số 42, lúc đó chưa rõ có đi được hay không, nhưng mừng quá” - Đao nói.
Khi Đao vào viện, có một người bà con nữa đi cùng để giúp em chuyện sinh hoạt. Chi phí ăn ở anh Toàn lo hết, còn cho Đao một số tiền để tiêu pha. “17 năm nay, em chưa được mang quần dài và giày. Nên khi vừa thử chân giả, em đã lên mạng đặt mua một đôi giày size 42 trông rất ngầu và 1 quần jean đen” - Đao cười.
3 tháng từ lúc nhập viện với nhiều đau đớn, cuối cùng Đao đứng lên được bằng đôi chân giả, và tập tành bước đi trong niềm vui không chỉ của riêng em. Rồi cuối cùng, em được xuất viện, anh Toàn đi xe vào Đà Nẵng đón em ra. Đao ở lại Đông Hà 1 đêm, được anh Toàn dẫn đi mua thêm 1 đôi giày và 1 bộ quần áo nữa. Đêm đó, Đao không ngủ, em mang quần jean và đôi giày vào, đi lui đi tới trước chiếc gương ở nhà anh Toàn với nụ cười mãn nguyện. Ngày mai thôi, em sẽ trở về nhà, em sẽ gặp mẹ và đám bạn.
Sáng sớm, chiếc xe hai cầu do tài xế Toàn điều khiển chở Đao về nhà. Mất 3h đồng hồ đi hơn 90 cây số vượt suối, vượt những con đường đá lởm chởm cùng đất đỏ hoe xe mới đến được bản Ngược. Đao bước xuống xe, đứng thẳng người, cao hơn mẹ Mó cả gang tay rồi ôm lấy mẹ. Người già ở bản đến, sờ vào đôi chân giả của Đao, rồi em đi mấy vòng trình diễn trong niềm vui của mọi người. Đao trèo thang lên nhà sàn, ngồi vắt vẻo ở cửa sổ nhìn ra con suối, điều trước đây em chưa bao giờ làm được.
Hỏi Đao có dự định gì, em bảo sẽ xin đi học tiếp ở Đồng Hới để hoàn thành khóa học. Trả Đao về đến nhà, anh Toàn được gia đình đón tiếp bằng bữa cơm ấm áp. Người ở bản Ngược gọi anh là Doan (người Kinh) Toàn, giống như cách xưng hô với những thầy giáo dạy học sinh ở bản.  

Nhiều người vì mê tín nên bảo rằng, vợ chồng bà Mó đắc tội với Giàng nên bị phạt, phải đặt lễ cúng này nọ. Nuốt nước mắt, không nói năng gì, bà Mó ghì chặt con vào lòng. Lầm lũi cả tuần sau khi sinh con, bà Mó bàn với chồng đi tìm thầy mo để chữa bệnh cho con, nhưng không có kết quả. Chấp nhận số phận, bà Mó lại quần quật lên nương kiếm cái ăn cùng chồng, trở về nhà là bà ôm ngay lấy Đao, nâng niu, cưng nựng...

Hưng Thơ (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.
Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.