Cửa khẩu Cầu Treo và "biên giới trong lòng dân"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cho đến thời điểm này, ý tưởng về mô hình “Biên giới trong lòng dân” của Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh đã trở thành ký ức khó quên. Xen kẽ đó là những chiến công không dễ gì có được của đơn vị trên dọc dài 150km đường biên Việt - Lào.

Ý tưởng độc đáo này xuất hiện năm 2002 khi cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh) đối diện với tình cảnh tràn ngập hàng buôn lậu qua biên giới, đặc biệt là ma túy.

 

Thầy thuốc quân hàm xanh khám bệnh cho trẻ nhỏ ở Thoọng Pẹ.
Thầy thuốc quân hàm xanh khám bệnh cho trẻ nhỏ ở Thoọng Pẹ.

Cảm hóa người lầm lỗi

Thiếu tá Phan Văn Yên, phó đồn trưởng đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, nhớ rằng năm 2002 nạn buôn lậu hàng điện tử qua biên giới làm náo động cửa khẩu trong khi số người nghiện lẫn buôn bán, vận chuyển ma túy tại các xã vùng biên ngày càng nhiều.

Trước tình trạng này, người đội phó đội kiểm soát trạm biên giới cửa khẩu quốc tế Cầu Treo lúc đó là thượng úy Võ Trọng Hải đã nêu ý tưởng xây dựng mô hình "Biên giới trong lòng dân". Mục tiêu chính của ý tưởng là cảm hóa những người lầm lỗi do nghiện ngập ma túy để họ trở thành "người" của biên phòng.

Công việc cảm hóa báo trước những khó khăn, mặc dù đồn luôn coi trọng việc kết hợp giữa chính quyền địa phương để vận động người dân các xã biên giới thực hiện ý tưởng này.

Không ai khác, chính thượng úy Võ Trọng Hải trực tiếp vào cuộc. Lúc đó, trong 80 người nghiện ma túy có "số má" dọc đường biên, thượng úy Hải tìm đến Dũng "méo" - nhân vật cộm cán nhất.

Trú tại thị trấn Tây Sơn, huyện Hương Sơn, Dũng "méo" vừa nghiện ma túy vừa bị HIV nên gần như bị cộng đồng xa lánh. Nhận biết sự đơn độc của đối tượng, thượng úy Hải "cùng ăn, cùng ở" với gia đình Dũng "méo" để tìm cách cảm hóa.

Từ cảnh giác đến lo sợ... rồi một ngày Dũng "méo" bộc bạch với thượng úy Hải là muốn trở thành người lương thiện bằng việc xin làm cửu vạn tại cửa khẩu dưới sự giám sát của biên phòng.

Đây là thời gian Dũng "méo" hối lỗi và trả ơn biên phòng bằng việc cung cấp nhiều thông tin về người vượt biên trái phép và các đối tượng ma túy cộm cán.

Sau cung cấp thông tin, chính Dũng "méo" trực tiếp vận động họ từ bỏ hoặc không tiếp tay cho đường dây ma túy. Đối tượng nào không vận động được, Dũng "méo" báo tin để biên phòng theo dõi, lập án.

Hoàn lương được một thời gian thì Dũng "méo" không thể vượt qua căn bệnh hiểm nghèo HIV. Trước khi mất, nguyện vọng tha thiết nhất của con người này là "muốn 80 người nghiện ma túy phải xem cán bộ, chiến sĩ biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo như những người anh em".

Thời gian đó, nhiều câu lạc bộ hướng thiện dọc hai huyện biên giới Hương Sơn và Hương Khê ra đời với các mô hình như "vườn rừng", "chăn nuôi" như vườn keo của anh Minh Đề, vườn dổi của Chiến Tấn đã giúp các gia đình thoát nghèo.

Riêng 30 con bò do các mạnh thường quân hỗ trợ nay đã sinh sôi hơn 100 con.

"Hiện các xã dọc biên giới không có người nghiện mới. Kết quả này là do những người hướng thiện tuyên truyền cho thế hệ sau, giúp họ hiểu để không mắc sai phạm như cha anh mình" - thiếu tá Yên nói.

Bảo vệ bạn là bảo vệ mình

Ý tưởng "Biên giới trong lòng dân" không chỉ dừng lại ở các xã Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, thị trấn Tây Sơn... mà còn lan tỏa tận năm bản biên giới giáp cửa khẩu của nước bạn Lào thuộc huyện Căm Cớt, tỉnh Bô Ly Khăm Xay.

Sở dĩ có sự lan tỏa là bởi biên phòng Hà Tĩnh tâm đắc với ý nghĩ "bảo vệ bạn là bảo vệ mình".

Việc làm đầu tiên để thực hiện ý tưởng này là xã kết nghĩa với xã, huyện kết nghĩa với huyện. Trong quan hệ kết nghĩa có cam kết nội dung trao đổi thông tin để bảo vệ an ninh biên giới và phòng chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy.

Lần này thì đội kiểm soát trạm biên giới cửa khẩu quốc tế Cầu Treo trực tiếp sang Thoọng Pẹ (huyện Căm Cớt) xây dựng trạm quân dân y kết hợp và cử đại úy, bác sĩ Nguyễn Việt Đức cùng hai y sĩ khác sang "nằm vùng" phục vụ khám chữa bệnh người dân năm bản của Lào.

Biên phòng còn giúp dân trong bản trồng củ riềng, chăn nuôi bò đàn... cũng như vận động các doanh nghiệp mở đường vào trung tâm năm bản. Đáp lại, dân bản huyện Căm Cớt đã cung cấp thông tin giúp biên phòng hai nước phá nhiều chuyên án ma túy lớn.

 

Trận đánh mới nhất
Lực lượng chuyên án 479L và trùm Thảo Cu Mùa (giữa) cùng tang vật vụ án.
Lực lượng chuyên án 479L và trùm Thảo Cu Mùa (giữa) cùng tang vật vụ án.
Nhờ những nguồn tin "mật" từ dân mà cuối năm 2017 vừa qua, Biên phòng Hà Tĩnh đã bóc gỡ được một đường dây vận chuyển ma túy từ Lào vào TP Vinh (Nghệ An) do Thảo Cu Mùa - một tên trùm vừa nổi lên ở thị trấn Lạc Xao (huyện Căm Cớt) - cầm đầu.

Ngay khi tin của trinh sát ngoại tuyến khớp với nguồn tin "mật" của dân, đại tá Võ Trọng Hải - chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh - quyết định lập ban chuyên án.

Theo đại tá Hải, chuyên án này phức tạp đến nỗi biên phòng phục kích nhiều đợt trong rừng biên giới nhưng hai bên vẫn "vờn" nhau hàng tháng trời mà không cách gì bắt được.

Thiếu tá Yên kể: "Trước khi "đánh" hàng qua biên giới, đối tượng làm thịt con gà để cúng. Nếu chân gà duỗi đẹp, mắt gà nhắm đẹp thì chúng mới đi. Đội hình của chúng chỉ có một người gùi hàng và hai tay súng AK bảo vệ. Có lần chúng chỉ cách ổ phục kích của biên phòng khoảng 50m thì bỗng dưng dừng lại rồi quay về đất Lào".

"Liệu có ai đã làm lộ thông tin không?".

Câu hỏi này khiến đại tá Hải nhiều đêm không ngủ. Rồi anh phân tích như một phát hiện: nếu đêm trời nóng, người đi bẫy thú rừng thường về không vì con thú ngửi thấy mùi người, mùi quần áo nên tránh xa vị trí đặt bẫy.

Nghĩ thế, đại tá Hải "bật mí" cho các tổ phục kích trước khi đi phải dùng lá chút mút (một loại lá rừng có tác dụng tẩy mùi) chà mạnh vào quần áo để làm mất mùi.

Mãi tới ngày 16-3-2018, trùm Thảo Cu Mùa bỗng dưng qua cửa khẩu Thanh Thủy, huyện Thanh Chương (Nghệ An) rồi dạt vào thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) để gặp khách hàng và xem tiền. Hai bên "bắt giá" 120.000 USD cho 15kg ma túy đá.

Ngay lập tức, vòng vây của trinh sát đã khép chặt tại km 65 trên quốc lộ số 8 (cách cửa khẩu 2,5km) và khu vực Cua Tròn (cách cửa khẩu chừng 4,5km). Đây là hai vị trí hiểm trở do dốc cao, suối sâu và hoàn toàn không có sóng điện thoại.

Tầm 4 giờ ngày 18-3, Thảo Cu Mùa xuất hiện tại khu vực Cua Tròn để giao hàng, nhận tiền.

Hàng giao xong, trong lúc Thảo Cu Mùa đang lúi cúi xốc balô tiền trên vai đi được 20m thì bỗng nhiên một trinh sát "bay" ra khỏi bìa rừng đưa cánh tay rắn chắc siết cổ chân trước, tay phải đánh mạnh phía sau khuỷu chân khiến tên trùm đổ vật xuống, không một tiếng kêu.

Người "bay" ra đó là thiếu tá Phạm Thanh Hoài thuộc trạm biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Vừa ra đòn, thiếu tá Hoài vừa bật mũ ra khỏi đầu là tín hiệu để các trinh sát từ bìa rừng xuất hiện.

Vũ Toàn/tuoitre

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.
Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.