Tiến công mở rộng vùng giải phóng trước ngày ký kết Hiệp định Paris

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước khi viết bài này, tôi gọi điện hỏi Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Khuất Duy Tiến-nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64 đang nghỉ hưu tại Hà Nội về một số chi tiết. Nghe nhắc tới Chư Bồ, vị tướng trận mạc tài ba đã ở tuổi 87 giọng như trẻ lại: “Đó là trận đánh hiệu suất cao, mở đầu cho chuỗi thắng lợi của Sư đoàn 320 trên đường 19 Tây trước ngày ký kết Hiệp định Paris!”. Dừng một lát, ông nói tiếp: “Mình đã vào làm việc với Gia Lai, các đồng chí lãnh đạo tỉnh nhất trí dựng Bia chiến thắng Chư Bồ trong dịp này đấy!”. Nghe ông nói, tôi rất vui và những ngày chiến đấu oanh liệt 45 năm trước lại ùa về trong ký ức.

Những ngày đầu tháng 1-1973, do bị ta đánh mạnh trên các hướng, địch buộc phải rút Trung đoàn 45 đang chốt giữ đoạn điểm cao 426-Thanh Giáo trên đường 19 về mặt trận Kon Tum; rút Trung đoàn 41, Tiểu đoàn 11 biệt động quân và lực lượng xe tăng, pháo binh trên hướng Đức Cơ-Chư Bồ về Pleiku và Thanh An; đồng thời đưa Tiểu đoàn 81 biệt động quân từ làng Tre ra chốt giữ Chư Bồ. Đường 19 từ Đức Cơ về đồn Tầm, ngoài Tiểu đoàn 81, địch chỉ còn 1 đại đội ở căn cứ Đức Cơ, Tiểu đoàn 23 biệt động quân ở căn cứ 30, hai đại đội bảo an ở điểm cao 426 và Thanh Giáo. Thời cơ xuất hiện, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên liền chỉ thị cho Tư lệnh và Chính ủy Sư đoàn 320 Nguyễn Kim Tuấn và Phí Triệu Hàm tổ chức tiến công tiêu diệt địch ở Chư Bồ-Đức Cơ, tiến tới giải phóng toàn bộ khu vực đảm nhiệm trước ngày Hiệp định Paris ký kết.

 

Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Khuất Duy Tiến. Ảnh: internet
Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Khuất Duy Tiến. Ảnh: internet

Chư Bồ (điểm cao 431) có chiều dài 1.800 m, chiều rộng 1.700 m (nay thuộc xã Ia Kla, huyện Đức Cơ). Đường 19 đi qua chia điểm cao thành hai nửa: Bắc và Nam đường. Phía Bắc cách khoảng 5 km là điểm cao 518; phía Nam cách 500 m có điểm cao 409; phía Đông cách hơn 2 km là điểm cao 426 (Chư Ty); phía Tây có ấp Chư Bồ (cũ) và đường 19 kéo đến biên giới Campuchia, cách ấp Chư Bồ về phía Tây Bắc 2 km là căn cứ biên phòng Đức Cơ mà tháng 11-1972 đã bị Trung đoàn 64 san phẳng, sau đó địch tái chiếm và hiện có một đại đội địch chiếm giữ. Chư Bồ có vị trí chiến thuật quan trọng nên đầu tháng 12-1972, Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 41 ngụy) đã xây dựng nó thành cứ điểm gồm 6 phân khu từ Đ1 đến Đ6, với hệ thống công sự và chướng ngại vật khá hoàn chỉnh. Sau khi được đổ xuống Chư Bồ, Tiểu đoàn 81 bố trí sở chỉ huy và 1 đại đội ở Đ2 và Đ5, 1 đại đội ở Đ1, 1 đại đội ở Đ3, Đ4 và Đ6, 1 đại đội ở ấp Chư Bồ; chúng lợi dụng hệ thống công sự vật cản có sẵn rải quân chốt giữ.

Sư đoàn 320 lúc này chỉ có 2 trung đoàn, lại vừa trải qua hơn một tháng liên tục quần nhau với 15 tiểu đoàn địch giải tỏa đường 19, quân số hao hụt, mỗi tiểu đoàn còn chưa đầy 100 tay súng. Tuy nhiên, qua nghiên cứu thảo luận, Đảng ủy và Chỉ huy Sư đoàn nhận thấy đây là thời cơ tiêu diệt địch nên thống nhất giao cho Trung đoàn 64 do Trung đoàn trưởng Khuất Duy Tiến và Chính ủy Phạm Văn Đông chỉ huy, được tăng cường Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 48), 1 khẩu cối 120 mm, 1 khẩu cối 160 mm, 2 khẩu Đ74, 1 khẩu pháo 105 mm, 1 khẩu pháo 85 mm và Đại đội 1 súng máy cao xạ 12,7 mm (Tiểu đoàn 16) chúng tôi, tiến công tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Chư Bồ-Đức Cơ. Giao cho Trung đoàn 48 (thiếu Tiểu đoàn 3) do Trung đoàn trưởng Trần Ngọc Chung và Chính ủy Nguyễn Văn Thứ chỉ huy tiến công, ngăn chặn địch từ điểm cao 454 đến Thanh Giáo, tạo điều kiện cho Trung đoàn 64 tiến công tiêu diệt địch ở Chư Bồ-Đức Cơ; sau đó tiến công tiêu diệt căn cứ 30...

Nhận nhiệm vụ, Chỉ huy Trung đoàn 64 nhanh chóng tổ chức nắm địch, tiến hành các mặt chuẩn bị và xây dựng kế hoạch tác chiến. Để tiêu diệt địch ở Chư Bồ-Đức Cơ, Trung đoàn sử dụng cách đánh: Bí mật triển khai đội hình áp sát trận địa địch, tập trung đòn hỏa lực phá nát hệ thống công sự và tiêu hao sinh lực địch, rồi dùng bộ binh xung phong đánh chiếm sở chỉ huy, các phân khu, làm chủ cứ điểm Chư Bồ, sau đó phát triển tiến công tiêu diệt căn cứ Đức Cơ. Tối 17-1, các đơn vị vào chiếm lĩnh trận địa. Trung đội 1 của tôi có nhiệm vụ đánh máy bay bảo vệ đội hình tiến công của Trung đoàn từ hướng Đông về hướng Nam và sẵn sàng chi viện hỏa lực cho bộ binh khi có yêu cầu. Chúng tôi triển khai trận địa ở một sườn đồi là nương cũ của đồng bào làng Luông Ấp, cách Chư Bồ về phía Đông Nam 1.200 m. Đến mờ sáng thì chúng tôi hoàn tất mọi công tác chuẩn bị.

Đúng 14 giờ ngày 18-1-1973, các loại pháo của ta cùng lúc bắn mãnh liệt vào cứ điểm địch. Đồi Chư Bồ bỗng chốc rung lên quằn quại trong tiếng pháo nổ rền. Lợi dụng lúc pháo bắn, các hướng cho bộ đội dâng lên tiếp cận hàng rào. Quân địch bị cô lập, chống cự yếu ớt. Mãi đến 16 giờ, bốn chiếc trực thăng “cá lẹp” từ hướng Bắc mới bay đến. Sau vòng lượn giãn cách đội hình, chiếc đầu lao xuống bắn đại liên, phóng rốc két xuống sườn phía Đông. Chúng tôi liền nổ súng. Ở hướng Tây Nam, Trung đội 2 cũng bắn lên quyết liệt. Từ hai hướng, từng loạt đạn lửa vút lên bao bọc chiếc máy bay địch, nó khựng lại phụt khói đen ngòm lao đầu xuống phía Nam.

Bị đánh vỗ mặt, những chiếc sau liền đổi hướng bắn xuống phía Đông Bắc, liền bị trận địa 12,7 mm của Đại đội 16 (Trung đoàn 64) đón đánh diệt thêm một chiếc. Một lúc sau thì bọn còn lại biến mất. Bỗng bên phải hầm pháo có tiếng nổ lớn, bụi đất văng rào rào. Lại một quả nữa, vừa nghe tiếng đầu nòng đã nghe tiếng nổ xé tai. Thì ra, tụi xe tăng địch ở ngã ba Đức Nghiệp phát hiện được trận địa của chúng tôi đã dùng pháo tăng bắn. Song vì ở cự ly gần 3.000 m, lại bị cây rừng che khuất nên chúng chỉ bắn vài quả rồi thôi. Nhưng ngay sau đó, chiếc máy bay trinh sát OV10 từ trên cao lao xuống phóng pháo khói vào trận địa. Khói trắng từ quả đạn rơi cách hầm pháo của khẩu đội tôi chừng 20 m vừa cuộn lên đã thấy 3 chiếc máy bay F5A ào ào bay tới. “Toàn trung đội chú ý. Trận địa đã bị lộ. Chuẩn bị đánh máy bay!”-tiếng hô của Trung đội trưởng Mai Xuân Thảnh vừa dứt thì chiếc đầu đã vào vị trí bổ nhào. “Hướng 32. Bắt chiếc đầu, tốc độ 180. Chuẩn bị… bắn!”.

Cùng lúc, hai dòng đạn lửa vút lên. Từ thân máy bay, một quả bom tách ra lao xuống, nó to dần, dài ngoẵng rồi nghe “rầm” ở phía sau. “Bắt chiếc hai. Chuẩn bị… bắn!”. Chúng tôi lại nổ giòn. Cứ thế, máy bay địch trên trời lao xuống, chúng tôi ở dưới đất bắn lên. Sự đối đầu quyết liệt đã làm cho bọn “giặc trời” chệch hướng. Tuy vậy, bom địch đã phát quang cây cối, quần áo chúng tôi phủ một lớp bụi dày, tai ù đặc không còn nghe được khẩu lệnh nữa. Bỗng Khẩu đội trưởng Đoàn Văn Khoái chỉ tay. Qua màn khói bụi, tôi thấy chiếc máy bay địch chuẩn bị bổ nhào. Tôi ra hiệu cho Thắng số 2 lấy phần tử rồi rê súng bắt mục tiêu. Trong lỗ ngắm, cái chấm đen tròn rõ dần. Khi cái chấm đen hiện nguyên hình đầu chiếc máy bay địch, tôi siết mạnh lẫy cò, ba viên đạn lửa vút lên, đầu máy bay lóe sáng, một chấm đen nhỏ hơn tách khỏi máy bay lao xuống. Tôi vội kêu lên: “Vào hầm!”. Vừa lao vào cửa hầm đè lên người anh Khoái, tôi đã nghe tiếng “ục”, khói bom đen đặc khét lẹt cùng bụi đất thốc vào làm chúng tôi ngộp thở.

Khi chúng tôi ra khỏi hầm thì máy bay địch đã mất hút. Trước mắt chúng tôi là cảnh tượng thật tiêu điều. Một quả bom phạt quang đã rơi sát hầm pháo, dọn sạch cây cối xung quanh, một vạt công sự pháo bị thổi bay, toàn thân khẩu súng bị bụi đất phủ kín, hòm đạn bị một mảnh bom xé toác. Chúng tôi ai cũng bụi đất dính đầy, tóc tai cong cứng, máu ở lỗ tai, lỗ mũi đều đang rỉ ra. Nhưng quên cả mệt nhọc, chúng tôi lao vào lau súng, thay hòm đạn, bộ phận chốt bộ binh bảo vệ trận địa chạy về giúp sức lấy lá ngụy trang, tu sửa công sự, chẳng mấy chốc chúng tôi đã trở lại tư thế chiến đấu.

Đúng lúc này, pháo ta bắn cấp tập vào cứ điểm địch. Sau đòn hỏa lực cuối cùng, bộ đội ta ở các hướng đồng loạt vượt qua cửa mở đánh chiếm mục tiêu. Trên hướng chủ yếu phía Tây Bắc, Tiểu đoàn 7 chia hai mũi đánh thẳng vào sở chỉ huy địch ở Đ2 và Đ5. Từ hướng Tây Nam, Tiểu đoàn 3 đánh chiếm khu 7 hầm, tiến đánh Đ1 và phát triển sang Đ2. Từ phía Đông Bắc, Tiểu đoàn 8 chia làm hai mũi lần lượt đánh chiếm Đ3, Đ4, Đ6 rồi phát triển sang Đ2. Hướng Đông Nam do Tiểu đoàn 9 đảm nhiệm, bị địch chống trả quyết liệt. Chúng tôi được lệnh bắn vào hai lô cốt đầu cầu, từng loạt đạn 12,7 mm căng mạnh đã làm cho hỏa điểm địch câm nặng. Chớp thời cơ, Đại đội 10 tập trung hỏa lực B40, B41 diệt nốt hai ụ đại liên còn lại, mở đường cho Đại đội 11 vượt lên đánh thẳng vào Đ2. Trước sức đột phá nhanh, mạnh của bộ đội ta, quân địch phần lớn bị tiêu diệt và bị bắt; một số tên ở ấp Chư Bồ hoảng loạn tháo chạy xuống căn cứ Đức Cơ. Đến 17 giờ 35 phút, các mũi đột phá của 4 tiểu đoàn đã gặp nhau ở sở chỉ huy địch, làm chủ Chư Bồ. Trung đoàn 64 và các lực lượng tăng cường diệt tại trận 220 tên, bắt 37 tù binh, bắn rơi 4 máy bay, thu 91 súng các loại, 12 máy truyền tin PRC125...

*
Ngay sau ngày làm chủ Chư Bồ, trung đội tôi được lệnh cơ động gấp về Thanh Giáo tăng cường cho Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 48) tiến công đánh chiếm căn cứ 30 bên đường 19, cách đồn Tầm 2 km về phía Đông. Trong căn cứ lúc này có Tiểu đoàn 23 (thiếu), 5 xe tăng M41, 2 khẩu pháo 105… tổng cộng hơn 200 tên. Về phía Tiểu đoàn 1, ngoài trung đội tôi, tiểu đoàn còn được tăng cường 2 khẩu Đ74, 1 khẩu cối 120 ly, 1 bảng B72, 1 phân đội đặc công của Tiểu đoàn 19, 1 phân đội công binh của Tiểu đoàn 17. Mặc dù lực lượng mỏng, nhưng trên đà thắng lợi chung, Tiểu đoàn 1 vẫn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.

Cuộc tiến công bắt đầu từ 5 giờ ngày 27-1-1973, đến 17 giờ cùng ngày, Tiểu đoàn 1 và các lực lượng tăng cường làm chủ căn cứ 30; chỉ có hai xe tăng và một số tên chạy được về đồn Tầm, còn lại bị diệt và bị bắt tại trận. Thừa thắng, tiểu đoàn truy kích diệt địch đến làng Yít sát đồn Tầm (nay thuộc xã Ia Lang, huyện Đức Cơ). Trung đội tôi cũng được lệnh xuống làng Yít cùng Tiểu đoàn 1 lập trận địa chốt chặn. Đúng lúc này, Hiệp định Paris về lập lại hòa bình ở Việt Nam chính thức được ký kết nhưng thời điểm ngừng bắn vào 8 giờ ngày hôm sau 28-1-1973. Cùng thời gian trên, dưới sự chỉ huy của Trung đoàn phó Nguyễn Hữu Ưng và Phó Chính ủy Lý Sỹ Điềm, Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 48) phối hợp với Tiểu đoàn 12 (Tỉnh đội Gia Lai) đã tiến công tiêu diệt địch trên đường 14, chiếm giữ từ ngã ba Phú Mỹ đến Mỹ Thạch.

Thế là chỉ trong vòng 10 ngày, Sư đoàn 320 đã tiến công làm chủ đường 19 từ Đức Cơ đến làng Yít dài 33 km và đường 14 từ Phú Mỹ đến Mỹ Thạch dài gần 10 km. Giải phóng một vùng rộng lớn ở phía Tây Nam Gia Lai, trước giờ ngừng bắn có hiệu lực theo Hiệp định Paris.

Hùng Tấn

Có thể bạn quan tâm

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.
Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.