4 chàng "rái cá" cứu người xuyên đêm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

4 chàng nông dân ở rốn lũ thôn Ngọc Trì, xã Bình Chương, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) tuổi từ 34-36. Trong lũ lụt bão bùng, 4 chàng này đã cùng nhau từ 1-2 giờ sáng đưa hàng chục người dân thoát lũ dữ.

Chiếc ghe 4 chàng rái cá mang đi cứu hộ.
Chiếc ghe 4 chàng rái cá mang đi cứu hộ.

Nửa đêm bỏ nhà đi cứu người

Nghe tôi hỏi chuyện cứu người, ông Lê Văn Minh, Phó bí thư thường trực Đảng ủy xã Bình Chương bảo: "Có đó, 4 ông rái cá ở thôn Ngọc Trì. Nhà bị nước lụt ngập hết mà nửa đêm rủ nhau đi dọn đồ, cứu thiên hạ!".

Trên đường về thôn Ngọc Trì, ông Minh cho biết, cả xã Bình Chương có 1.150 căn nhà bị ngập nước, trong đó có 700 căn nhà ngập từ 1,5m-2,5m trở lên. "Cả xã thiệt hại gần 17 tỉ đồng, trong đó thôn Ngọc Trì là nơi ngập sâu nhất, thiệt hại nhất xã", ông Minh nói. Theo ông Minh kể, có nhiều chuyện đau lòng trong lũ.

 

Anh Nguyễn Văn Hùng bẽn lẽn, ngại chụp ảnh.
Anh Nguyễn Văn Hùng bẽn lẽn, ngại chụp ảnh.

Đau thương nhất là trường hợp ông Nguyễn Tạo (60 tuổi) ở thôn An Điềm 1, xã Bình Chương, phải chạy thận 10 năm nay. Thế nhưng do cơn lũ oan nghiệt mà không đi chạy thận được, đã qua đời trong nước lũ tứ bề. Quan tài ông Tạo được đóng xong, nhưng thi thể thì không thể chôn cất được, đành đưa lên nóc nhà chờ lũ rút mới an táng được.

Còn về chuyện 4 chàng "rái cá" cứu người, ai ở thôn Ngọc Trì cũng dành cho lời khen và biết ơn. Bà Võ Thị Thuận (62 tuổi) kể, hôm đó nước ngập lút nhà, hai vợ chồng và đứa cháu gái phải đứng trên mái nhà kêu cứu, nhưng mưa gió quá nên không ai nghe.

Trưa 5.11, ông Nguyễn Thời (63 tuổi) từ mái nhà lặn xuống xuống chui ra mở cửa nhà, thoát ra ngoài kêu lớn thì mọi người mới phát hiện ra. 4 chàng rái cá gồm: Nguyễn Văn Vương (34 tuổi, chèo lái), Nguyễn Văn Hùng (36 tuổi), Nguyễn Ngọc Thạch (35 tuổi) và Nguyễn Bản (36 tuổi) lúc này xuất hiện, chèo ghe đến đưa cả gia đình này đi tìm nhà cao để trú ngụ. "Tụi nó không tới, 3 người nhà tui dễ tiêu rồi", bà Thuận nói.

 

Anh Đỗ Ngọc Hợi (bìa phải) và bà Thuận (thứ 3 tứ phải sang) được cứu trong lũ.
Anh Đỗ Ngọc Hợi (bìa phải) và bà Thuận (thứ 3 tứ phải sang) được cứu trong lũ.

Thật ra, hơn 1 giờ sáng ngày 5-11, 4 chàng nông dân thấy nước lên đã chèo ghe ra đi lòng vòng khắp thôn Ngọc Trì dọn đồ đạc, tài sản cho bà con chạy lũ. 3 giờ sáng hôm ấy, khi dọn và chuyển tài sản cho gia đình chị Phạm Thị Yến ở xóm 4, thôn Ngọc Trì xong thì con nước đã xối xả tràn vào, chảy rất xiết. Đến 5 giờ sáng thì thôn Ngọc Trì chìm trong nước lũ, tiếng gọi, tiếng la thét khắp nơi vì nước lên quá nhanh.

Nước lên càng nhanh thì 4 chàng "rái cá" càng hối hả. Anh Vương thì cật lực chèo, lèo lái con thuyền nhôm tránh những con nước chảy xiết. 3 chàng còn lại thì nghe điện thoại kêu cứu, quan sát xung quanh và tìm kiếm trên dòng nước để cố cứu được người, gia súc, tài sản của bà con bị trôi.

"Đáng nhớ nhất là vào cứu gia đình anh Nguyễn Văn Thiên (41 tuổi). Đường đưa ghe vào nước chảy rất mạnh. Tiếp cận tới được, đưa người ra cũng không có lối, phải ra vào mấy bận mới tìm được hướng đi. Mất hơn 1 giờ mới xong gia đình này", anh Hùng kể.

Anh Thiên cho biết, nhà có 5 người, nhưng lo nhất là mẹ anh (bà Nguyễn Thị Hồng), vốn bị đau khớp nên đi lại khó khăn. Khi nước tràn vào đầy nhà, bà và cháu nằm trên gác, lại không muốn đi. Lúc này, anh Thiên còn đứa con nhỏ 3 tháng tuổi. Cuối cùng, 4 rái cá phải đạp cửa vào bồng bà cụ thoát ra ngoài, đưa lên ghe chuyển đi. Lúc này mưa rất nặng hạt. "Mất 2 chuyến mới chuyển xong người nhà tui đi", anh Thiên nói.

 

Người dân thôn Ngọc Trì nhận quà Báo Thanh Niên hỗ trợ.
Người dân thôn Ngọc Trì nhận quà Báo Thanh Niên hỗ trợ.

11 giờ trưa hôm đó, 4 chàng còn phát hiện gia đình anh Lộ Ngọc Trang (33 tuổi) có 4 người, đang ướt cóng đứng trên mái nhà thất thần. Xung quanh nhà anh Trang hoàn toàn không có cây cao hay gò đồi nào để ẩn náu; nước lại chảy rất xiết nên khó tiếp cận. Có điều, nếu không cứu kịp thời, xem như cả gia đình trôi theo con nước. Thế nhưng, sự xuất hiện của 4 chàng nông dân đã cứu được cả nhà này.

Sáng hôm đó, 4 chàng "rái cá" đưa 31 người chới với trong lũ về nơi an toàn, trong đó có nhiều em bé sơ sinh, người già và phụ nữ. Đầu giờ chiều cùng ngày, khi trở về nhà, 4 chàng nghe tin ca-nô và ghe máy của bộ đội, công an đi cứu dân, nhưng do cây cối, dây điện quá nhiều không tiếp cận được các hộ kẹt trong lũ. Thế là con thuyền nhôm lại chở 4 chàng tiếp tục làm nhiệm vụ. Con thuyền nhôm trở thành phương tiện trung chuyển lợi hại, khi đưa tổng cộng 41 người dân trong lũ về tới các ca-nô, ghe máy để chuyển lên vùng an toàn tránh lũ.

 

Đoàn viên thanh niên dọn vệ sinh các trường học ở huyện Bình Sơn.
Đoàn viên thanh niên dọn vệ sinh các trường học ở huyện Bình Sơn.

"Viết về bà con đi…"

Ở Bình Chương, 4 chàng "rái cá" là biểu tượng tiêu biểu giúp dân vô tư không cần báo đáp. Hôm tìm các chàng này, tôi chỉ gặp được 2/4 người là anh Hùng và Thạch. Trong đó, anh Hùng khi hỏi chuyện thì nói vui vẻ, nhưng xin chụp tấm hình chung thì… quay mặt tránh. "Em lên hình xấu lắm! Thôi mà nhà báo, tui giúp bà con tí chút thôi!", Hùng quay sang… năn nỉ tôi.

Một nhân vật xuyên suốt hành trình cứu người của 4 "rái cá" là thôn trưởng Ngọc Trì tên Đỗ Ngọc Hợi (42 tuổi). Chính một tay anh Hợi đã chỉ huy và có mặt trên ghe của 4 chàng nông dân nói trên, trực tiếp cứu người. Vậy mà khi nói đến chuyện cứu bà con trong hoạn nạn, anh Hợi chỉ kể về anh em. "Nhà báo viết bài động viên anh em đi. Tui làm là trách nhiệm, anh em mới là đáng khen, giúp bà con vô tư", anh Hợi phân trần.

 

Hoạn nạn mới biết lòng nhau

Ông Lê Văn Minh, Phó bí thư Đảng ủy xã Bình Chương, cho biết trận lũ lụt vừa qua, ngoài các trường hợp kể trên, còn có nhiều anh em dũng cảm cứu người. Đó là lúc 5 giờ 30 sáng ngày 5.11, lực lượng trực ở xã Bình Chương nhận cuộc gọi khẩn cấp từ sản phụ Phạm Thị Vinh (25 tuổi) ở thôn An Điểm 1: "Cán bộ ơi, tui đau đẻ, vỡ ối rồi. Giờ nước lớn quá không ra được. Các anh cứu với!". Ngay lúc ấy, chính quyền xã Bình Chương cử anh Phạm Sữu và Lê Tấn Việt dùng ghe máy cứu hộ đi gấp đến nhà chị Vinh. Lúc này, căn nhà chìm sâu mấy mét nước, phải tung cửa vào khiêng sản phụ ra ghe rồi đưa thẳng về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi để sinh, hai mẹ con sinh nở an toàn.

Hay như anh Phạm Đức, mang dây cứu hộ dũng cảm bơi ra dòng nước lũ đang chảy xiết để đưa anh Phạm Quốc (30 tuổi) bị lũ cuốn trôi, phải bám vào cây trụ điện ở xóm 7, thôn An Điềm, xã Bình Chương kêu cứu. "Xã chúng tôi đã đề nghị huyện Bình Sơn khen thưởng cho anh Nguyễn Văn Vương và anh Phạm Đức. Anh Đỗ Ngọc Hợi cũng xứng đáng, nhưng người dân khen trước đã", ông Minh nói.

Cũng theo anh Hợi, sở dĩ dân ở đây gọi 4 anh chàng nông dân cứu người là "rái cá" là vì, nếu hết đi làm thợ hay làm nông, 4 anh em kia lúc nào cũng ở trên ghe, bơi lội hoài trên sông Trà Bồng để đánh cá. Cách đây 2 năm, hai người dân xã Bình Minh, huyện Bình Sơn đi bắt rắn, bị nước lụt cuốn, ghe lật úp, phải bám vào bụi cây kêu cứu. "Khi đó, anh em không có mái chèo, lật đật đi nên lượm đại cành cây bơi đi cứu. Chậm vài chục phút, hai người kia cũng bị rớt xuống nước lụt như chơi", anh Hợi cho biết.

Phạm Anh/thanhnien

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.
Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.