"Cô tiên" giữa làng phong

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày làng phong hình thành, chị tự nguyện chăm sóc những người bệnh từ tắm rửa, giặt giũ, nấu ăn. Gần 30 năm sau, chị vẫn thế, vẫn cưu mang dạy từng nét chữ cho con cháu của họ. Những người bệnh phong bị hắt hủi, nằm co ro giữa nghĩa địa chờ chết, chị “cướp” lại từ tay thần chết, cứu sống. Giữa làng phong do bố chị thành lập, tình yêu đôi lứa đơm hoa kết trái. Trải qua 3 thế hệ, 70 bệnh nhân phong vẫn không thể sống thiếu chị. Họ nói thế và luôn nói thế.

Trỗi dậy mầm sống

Chị có tên rất đẹp - Siu Jeh. Năm nay 60 tuổi tròn, người dân tộc Jrai. Lúc tôi đến thăm, chị đang vận bộ đồ làm cỏ cà phê, cũ sờn, rách lỗ chỗ. Chị cười đôn hậu, ấm áp. Câu chuyện về làng phong như một cuốn phim được chị quay chậm, về thời điểm năm 1985.

 

Chị Siu Jeh (trái) thăm bà Rơ Chăm Cir - người bị bệnh phong.
Chị Siu Jeh (trái) thăm bà Rơ Chăm Cir - người bị bệnh phong.

Chị kể, bố chị, ông Siu Prõi - bị bệnh phong, dân làng không xua đuổi nhưng hắt hủi, kỳ thị. Trên làng, dưới xã cũng 10 người bị bệnh như bố. Với lòng tự trọng cao, ông Siu Prõi đứng ra tập hợp những người phong, dắt díu vợ con đến nơi “tách biệt” để ở. Năm căn, bảy căn... rồi cứ thế mọc lên mười căn nhà. Những người bệnh phong kéo đến ngày một nhiều, đùm bọc, nương tựa mà sống giữa bao định kiến nghiệt ngã cuộc đời. Làng không tên, chỉ biết người đời gọi là: “Làng phong”.

Căn bệnh hành hạ, từng mảng thịt người bệnh bong tróc, lở loét, mất dần tứ chi. Giữa muôn trùng sóng gió, chị Siu Jeh xuất hiện. Cô thiếu nữ tận tình tắm rửa cho họ, lau chùi, băng bó. Những người cụt chân, cụt tay hạn chế sinh hoạt, chị gánh nước, chặt củi, nấu ăn. Thương cảm bệnh nhân, chị lang thang qua từng thôn, bản xin áo quần về phân phát. Những chiếc rách quá, chị xé ra, tự tay xâu kim vá lại lành lặn cho người phong. Trẻ nhỏ thì chị cắt tóc, tắm gội.

Việc giúp đỡ cũng không hề dễ dàng, người phong mặc cảm, tự xa lánh. Ban đầu, họ không cho đến gần, chị phải thủ thỉ động viên, cùng ăn, cùng mặc để xóa tan lời đàm tiếu “bệnh lây lan”. Bố bệnh, chị chăm sao thì chăm họ như thế. Trong làng hàn gắn giữa người bệnh với người lành đã khó, giờ vượt ra làng bên, khó khăn càng gấp bội.

Đến nỗi chị kể rằng, con cháu của bệnh nhân phong, hễ đi học, người ta tìm cách né tránh vì sợ lây. Làng này đuổi, làng kia xua với những từ ngữ miệt thị: “Con làng phong không được đến đây học”. Không học hành, không vui chơi với đám bạn, ánh mắt những đứa trẻ đượm buồn, Siu Jeh không cầm lòng. Miên man chị nghĩ, không biết chữ, cộng, trừ, nhân, chia cũng không thì làm sao trụ lại với đời. Thế là chị quây mấy tấm bạt 5-6 mét, tập trung các em từ 5-18 tuổi học chung một lớp “xóa mù chữ”. Đó là năm 1989. Tiếng đọc ê a tròn vành xóa tan nốt trầm của làng. Lớp học có lúc đông đến 70 em, chị vô tình trở thành “cô giáo” từ đó.

Chị kể thêm: “Một năm sau, có nhóm người Hội Chữ thập đỏ, thấy thương quá, xây cho một căn nhà với 2 phòng học. Chính chị là người đặt tên cho điểm học này là “Điểm trường tình thương””. Chị - cô giáo không lương, dạy chữ chỉ với tình yêu đám trẻ.

Không ai giúp đỡ, để làng phong tồn tại, chị Siu Jeh ngày ngày theo chân những thanh niên lên núi, gùi củ rừng về ăn. Chị không biết đó là củ gì, chỉ biết mọi người thường gọi là “củ khoai”. Gùi trên núi về, lột vỏ, đem ra suối ngâm đủ 6 ngày cho sạch mủ, đem phơi, giã ra rồi nấu lên ăn. Năm này qua năm khác, làng phong sống nhờ củ khoai này. Cũng lạ lắm, làng phong từ ngày có chị, mọi người bỗng cởi mở, có niềm tin vào cuộc sống. Người trong làng dần dần gắn kết, mọi người cùng hỗ trợ, đùm bọc, che chở cho nhau. Bóng tối chết chóc phủ xuống làng phong đã bị xua tan, mà chính chị là người khởi nguồn. Những mầm sống trỗi dậy, biệt hiệu làng phong biến mất. Bây giờ làng có tên hẳn hoi: Bluk Blui, xã Ia Ka, huyện Chư Pah, Gia Lai.

Khát khao “làm người”

Chị dẫn tôi qua khu nhà người bệnh phong nặng. Dãy nhà 6 phòng, tường gạch. Hỏi, chị nói, biết hoàn cảnh đáng thương của người phong, các nhóm thiện nguyện xây lên, thay cho nhà tranh tre, nứa lá trước đó. Lúc tôi đến, bà Rơ Chăm Cir đang nấu một nồi canh ăn thay cơm, bởi nhà hết gạo. Bệnh phong “ăn” mất của bà 10 ngón chân, đau hơn, bà phát bệnh lúc tuổi thiếu nữ. Ở chung dân làng không đồng ý, bà bị bỏ rơi ở khu nhà ma (nghĩa địa). Chị Siu Jeh hồi tưởng: “Người làng muốn Cir chết đi, để khỏi lây lan căn bệnh lạ. Chỉ có bố mẹ là thương con, đem cơm ra nhà ma cho ăn, họ cũng không dám đến gần mà để thức ăn cách đó khá xa, rồi lấy ống gỗ hoặc tre ra gõ, báo hiệu có thức ăn để Cir đến lấy”. Cô thôn nữ sống chung với ruồi, nhặng đếm ngày chờ chết, ấy thế mà Siu Jeh biết được, ra nghĩa địa đem về chăm sóc, nuôi nấng.

Bàn tay bị bệnh phong ăn đứt mấy ngón, dẫu vậy không làm phai đi tính tài hoa của Rơ Chăm C’Mlo. Ông có biệt tài đan gùi rất nhanh, rất đẹp. Đôi bàn tay thiếu ngón mà thoăn thoắt đến lạ từ chẻ lạt, uốn tre, luồn dây để đan nên chiếc gùi. Gùi làm xong, ông phát cho người phong sử dụng, nhiều quá thì đem bán lấy tiền. C’Mlo bị câm, không nói được, dẫu vậy ông vẫn là “nghệ nhân” của làng Bluk Blui.

Bố mẹ qua đời, chị Rơ Chăm Pyoi bị con cháu bỏ rơi. Thân thể lở loét, tướm máu, thế là bị xua đuổi. Biết có làng phong - Bluk Blui bây giờ - Pyoi theo bản năng tìm đến cầu cứu sự sống. Dân làng đùm bọc, lại được Siu Jeh vỗ về, an ủi, Rơ Chăm Pyoi nhanh chóng hòa nhập. Chị vui chơi, ca hát, làm nương, làm rẫy như người bình thường. Tình yêu nảy nở khi Pyoi gặp gỡ với Krong - một người phong - đang cư trú tại làng. Đêm trăng hẹn hò, xuống suối hát khúc tình ca, tình yêu đơm hoa, người con ra đời là kết quả của một mối tình đẹp.

Từ ngày vào làng, chị Mich như được sinh ra lần hai. Tâm tư chị kể: “Thân con gái bị dân làng xua đuổi, tủi thân vô cùng. Người đồng bào dân tộc thiểu số sống kiểu cộng đồng, mình bị bệnh tắm chung họ không cho, ngồi chung cũng không được. Đi đến đâu, họ đuổi đến đó”. Rồi chị nói tiếp: “Siu Jeh biết được hoàn cảnh, đi bộ hàng chục cây số đưa mình về đây. Bây giờ được Nhà nước quan tâm cấp thuốc cho uống, phát tiền trợ cấp để mua gạo, không sợ đói, sợ chết như ngày trước”.

70 người bệnh phong tại làng Bluk Blui, đa số bị con cháu bỏ rơi. “Sau khi điều trị dứt bệnh, trên dưới 20 người được người thân, con cháu nhận về, tái hòa nhập cộng đồng”, chị Siu Jeh hớn hở. Chị nói, những người còn lại, dù đã hết bệnh, họ cũng mong muốn quay về quê cũ lắm. Nhưng đó đã là chuyện quá khứ. Bây giờ, con cháu làng phong đi qua làng bên hỏi vợ, cưới chồng. Họ trồng tiêu, trồng cà phê, chăn nuôi... dân số ngày càng mở rộng.

Số liệu từ Trưởng thôn A.Ruên, làng giờ có 145 hộ với trên 500 nhân khẩu. Cuộc sống trù phú, êm ấp. Ngày tôi đến thăm, giữa tháng 10, con đường vào làng bát ngát màu xanh cây cà phê, những căn nhà mái đỏ mọc lên kiên cố, san sát. Cuộc sống vẫn còn đấy khó khăn, nhưng ai cũng đã đủ ăn, đủ mặc. Lái buôn từ làng bên, đánh xe vào tận làng trao đổi, cảnh mua bán diễn ra nhộn nhịp.

Dẫn tôi ra điểm trường Làng Bluk Blui thuộc Trường Tiểu học số 2 Ia Ka - đây chính là “Điểm trường tình thương” cũ năm xưa, 40 em nhỏ mầm non, con cháu bệnh phong đang say sưa học chữ. Siu Phưl - em gái ruột của Siu Jeh - chính là cô giáo tại đây. Tâm sự mới biết, vì thương tụi nhỏ, Siu Phưl dạy học miễn phí cho các em, sau, chính quyền huyện, xã quan tâm, đưa chị đi đào tạo chuyên ngành, tuyển thẳng vào nghề giáo. Sát bên là dãy phòng từ lớp 1-5, các em lên lớp 6 sẽ ra trung tâm xã học. Bộc bạch với tôi, chị Siu Jeh nói: “Đã 3 thế hệ lớn lên ở làng phong này. Sự kỳ thị đã chính thức lùi vào dĩ vãng. Bây giờ người ta bàn chuyện làm ăn, buôn bán, làm nương làm rẫy... làm giàu”.

Cuộc sống của làng phong có được hiện giờ, cũng có phần nhờ sự quan tâm của xã Ia Ka và huyện Chư Pah (Gia Lai). Chủ tịch UBND xã Ia Ka - Ksor Sum - chia sẻ: “Nhận lương hằng tháng, mỗi cán bộ bỏ vào thùng từ thiện dăm, bảy chục ngàn, gom lại mua gạo, mắm muối đem vào làng phong cho bà con”. Bày tỏ về tấm lòng chị Siu Jeh, anh ngắn gọn: “Gần 30 năm chăm sóc, chị nấu cơm, nấu cháo, gom nhặt người bệnh về nuôi nấng, chăm sóc, dạy chữ cho con cháu họ. Tìm được người thứ hai rất hiếm”.

Biết rằng, nếu hỏi sẽ rất “vô duyên” nhưng vẫn thích hỏi: “Cơ duyên nào thúc đẩy chị dành cả tuổi xuân để gắn bó với người bệnh phong?”. Chị cười, đáp: “Tình người với nhau cả, em ạ”.

Tôi rời khỏi làng phong, bóng chị xa dần, nhỏ nhoi, liêu xiêu đi giữa con đường, nhưng với tôi, với dân làng Bluk Blui thì tấm lòng của chị cao cả, lớn lao nhường nào.

Đình Văn/laodong

Có thể bạn quan tâm

Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.
Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.