Một lần đến Đak Glei

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong cuộc đời làm báo, tôi có nhiều trải nghiệm về những con đường, nhưng “đường lên Đak Sút, Đak Pao” mà Tố Hữu đã đề cập trong thơ của mình, đã để lại trong tôi những dấu ấn đậm nét, không thể nào quên. Đó là con đường 14, đoạn từ bến phà Đak Mót lên Đak Pét vào mùa mưa những năm đầu thập kỷ 80 trở về trước.

“Đường lên đak sút, Đak Pao”

Con đường được hình thành từ thời Pháp thuộc, từng thấm bao mồ hôi, nước mắt và xương máu của những người tù cộng sản làm khổ sai. Con đường còn dày đặc những phế tích cứ điểm, đồn bốt, sân bay dã chiến của Mỹ-Ngụy, cùng dấu ấn những trận chiến thắng Đak Sút, Đak Pét… những làng kháng chiến với những chiến sĩ du kích kiên cường, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, trong gần 30 năm chống Pháp và chống Mỹ.

 

Đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Đak Glei. Ảnh: K.N.B
Đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Đak Glei. Ảnh: K.N.B

Sau hòa bình thống nhất đất nước, đoạn đường này chưa kịp khôi phục, việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Mỗi lần lên công tác Đak Glei, chúng tôi vấp phải một con đường vô số ổ voi, ổ trâu, còn ổ gà coi như không đếm xỉa tới. Chiếc xe ô tô của chúng tôi không phải chạy, cũng không phải đi mà là bò lắc lư như người say rượu. Ngồi trên xe đi trên những đoạn đường lắm cua, nhiều dốc gập ghềnh, chúng tôi phải luôn giữ chặt thành ghế, đôi mông luôn bị “giã giò” một cách bất đắc dĩ, đến ê ẩm. Con đường lại luôn mù mịt bụi vì xe qua lại quá nhiều. Bịt mặt mũi kín mít bằng khẩu trang hoặc khăn tay mà khi đến nơi, chúng tôi còn móc từ lỗ mũi ra những hạt bụi kết lại bằng hạt bắp.

Ấy là vào mùa khô còn khả dĩ, chứ trúng vào mùa mưa thì cùng cực hết chỗ nói. Xe cộ vẫn qua lại khiến con đường trở nên nhão nhoét, hằn sâu những vết bánh xe tải. Nhiều chỗ biến thành “dòng sông bùn”. Nếu không phải là xe tải ba cầu, xe con hai cầu thì không dám qua. Đến như những “chuyên gia lội bùn” thượng thặng như U-oát, Jeép lùn, lắm lúc cũng chịu thua. Hồi đó, chúng tôi đi bằng Toyota hai cầu. Nhiều đoạn đường bùn sâu quá, bốn bánh xe cứ quay tít tại chỗ. Thế là mọi người ngồi trên xe bỗng chốc biến thành “dân công sửa đường”, quần xắn móng heo, kẻ chặt cây, người vét bùn, vác cây lát đường. Xong, tất cả hè nhau “hò dô ta nào” xúm tay hỗ trợ con “bọ hung sắt” vật vã bơi qua vũng lầy và cố trườn lên chỗ đất cứng. Nhưng ác thay, vì mưa lâu ngày, gò đất cao trơn như bôi mỡ, lái xe đạp hết ga vẫn không lên nổi mà lại xệ xuống mép đường, chỉ chút xíu nữa sẽ lăn xuống vực nếu lái xe không kịp thắng gấp.

Mưa vẫn rả rích. Nước mưa ngấm vào người quyện với mồ hôi rất khó chịu. Tuy vất vả nhưng cuối cùng chúng tôi cũng đến được điểm cần dừng. Nghĩa là từ mờ sáng xuất phát ở Pleiku đến chập choạng tối chúng tôi mới đến được Đak Pét, huyện lị của Đak Glei.

Mười ngày đã trôi qua nhanh, bản thân gom được khá nhiều thông tin để lập báo cáo nộp lên Thường vụ Tỉnh ủy, khai thác được tư liệu khá dồi dào để viết báo. Đặc biệt, tôi sưu tầm được một số truyện cổ Dẻ Triêng và thành tích chiến đấu của anh hùng A Xâu. Sau này, tôi góp đủ tư liệu để viết nên một cuốn tiểu thuyết.

Thảo thơm những tấm lòng

Cuối đợt công tác, tôi được Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Glei mời về thăm làng. Đó là làng Đak Long, nơi tôi đã từng vượt dòng Đak Pô Cô (cũng vào mùa mưa) từ phía Tây về đóng quân ở gần làng vào năm 1967.

Tôi đến thăm bà con làng Đak Long. Vẫn tình cảm thắm thiết như xưa. Sau phong trào “khai hoang, xây dựng cánh đồng, làm thủy lợi” do Tỉnh ủy Gia Lai-Kon Tum phát động, cuộc sống của bà con chưa được thay đổi là mấy. Trong lòng tôi không khỏi băn khoăn, bởi đập dâng không được trữ nước, đường ống dẫn nước từ đập dâng về cánh đồng nằm rải rác khắp nơi. Còn cánh đồng thì bị bỏ hoang. Bà con quen làm nương, vẫn chưa biết cách làm ruộng nước. Tôi đem suy nghĩ ấy nói với đồng chí Phó Chủ tịch và cũng là một trong nhiều thông tin quan trọng về phản ánh với Thường vụ Tỉnh ủy.

Đồng bào thuộc nhóm dân tộc Triêng ở đây vốn gốc từ các bản làng Lào di cư qua, đã nhiều đời, song vẫn còn giữ được nhiều phong tục tập quán. Phụ nữ dệt thổ cẩm rất đẹp. Người Triêng rất hiếu khách. Cán bộ về làng thường được mời nghỉ ở nhà rông. Từng bếp trong làng lũ lượt đem cơm, thức ăn đến mời khách. Biết rõ phong tục, khách phải nếm đủ và đều khắp các món ăn của từng chủ nhà đem đến, không được của nhà này ăn ít, nhà kia ăn nhiều, càng không được bỏ qua với bất cứ thức ăn của nhà nào. Nhà nào được khách ăn nhiều, bà con rất mừng, trái lại thì rất buồn.

Với những khách quý hay người thân thiết, bà con thường mời về nghỉ ở nhà riêng và dùng bữa cơm cùng gia đình. Tôi may mắn được ông Phó Chủ tịch cho hưởng “quy chế” đặc biệt này. Bữa cơm quen thuộc có cơm gạo rẫy với rau, măng, nấu trộn với hạt bí ngô rang thơm và giã nhỏ. Ăn rất lạ miệng.

Ăn xong, ngồi bên bếp lửa trò chuyện cùng vợ chồng chủ nhà. Một lúc, ông bảo tôi: “Vợ chồng mình sẽ nghỉ quanh bếp giữa nhà. Còn đồng chí thì nghỉ ở chiếc giường kia!”. Đến giờ, tôi vẫn còn cảm kích tấm lòng hiếu khách của bà con người Triêng ở vùng rừng núi xa xôi này.

Nguyễn Khắc Quán

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.
Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.