Chuyện "nóng" ở nông thôn: Lừa cho vay tiền để chiếm đất?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Một kiểu “bẫy lừa” đang tồn tại ở xã Hbông (huyện Chư Sê, Gia Lai) với hình thức cho người dân vay tiền rồi lừa họ làm thủ tục sang nhượng quyền sử dụng đất.

3,2 ha đất đổi lấy… 40 triệu đồng?

Phóng viên có mặt trong căn nhà xiêu vẹo của ông Kpă Lah (làng Kte 2, xã Hbông) lúc ông vừa đi rẫy về và đang cùng gia đình chuẩn bị bữa cơm chiều. Lúc này, có lẽ ông Kpă Lah vẫn chưa biết tai ương sắp ập đến với gia đình nhỏ bé của mình. Chỉ vì muốn có thêm tiền trang trải cho gia đình, đầu tư sản xuất và trả khoản vay ngân hàng trước đó, ông Lah đã vay của bà Nguyễn Thị Thu (thôn Ia Sa, xã Hbông) số tiền 65 triệu đồng với thời hạn 5 năm, lãi suất 9.000 đồng/ triệu/tháng. Điều kiện là phải đưa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 1,5 ha vườn, rẫy cho bà Thu. Khi ông Lah trả nợ thì bà Thu sẽ trả lại bìa đỏ.

 

Chị Siu H’Blet (con gái ông Ksor Jao) trao đổi với P.V. Ảnh: M.T
Chị Siu H’Blet (con gái ông Ksor Jao) trao đổi với P.V. Ảnh: M.T

Với suy nghĩ đơn giản giống như khi vay ngân hàng, ông Lah không nghi ngờ gì khi đưa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mình cho bà Thu. Ông Lah cũng không cảm thấy bất thường khi bà Thu yêu cầu vợ chồng ông đến Văn phòng Công chứng ở thị trấn Chư Sê lăn tay vào giấy thì mới giao tiền. Nội dung trong bản công chứng này ra sao ông cũng không biết và cũng chẳng được ai đọc cho nghe. Thậm chí, đến khi nhận tiền xong, ông chẳng hề có giấy tờ gì để lận lưng. Và tất nhiên, ông Kpă Lah cũng không hề biết mảnh đất kia đã không còn là của mình nữa mà thuộc quyền sở hữu của người khác.

Tương tự, ông Rmah Ưih (làng Kte 2) xác nhận ông cũng vừa giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hơn 3,2 ha để vay của bà Thu 40 triệu đồng, lãi suất 9.000 đồng/triệu/tháng. Ông Ưih cho hay, bà Thu cũng cho người chở vợ chồng ông lên Văn phòng Công chứng ở thị trấn Chư Sê để lăn tay trước khi nhận tiền. Cũng như ông Lah, mảnh đất này giờ không còn thuộc quyền sở hữu của ông Ưih nữa, dù rằng ông có được đưa 1 tờ giấy viết tay ghi nhận nội dung “bà Thu có giữ bìa đỏ đất của ông”, trong đó ghi rõ thời hạn trả lãi vay là 6 tháng.

Trao đổi với P.V, ông Đoàn Văn Tùng-Chủ tịch UBND xã Hbông cho biết: Công an xã đã điều tra, xác minh đơn tố cáo của các ông Ksor Jao (làng Kte 2), Rmah Dân, Kpă Khil (làng Kte 1). Trong đó, ông Rmah Dân dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Rơ Chăm Suih (bố vợ của ông Dân) vay của bà Thu số tiền 40 triệu đồng, thời hạn 4 năm và đã làm thủ tục sang nhượng đất cho bà này. Tương tự, ông Ksor Ngot (làng Kte 2) cũng mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Ksor Jao (diện tích 32.433 m2) vay 70 triệu đồng; ông Ksor Huen cũng dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mình (diện tích 20.746 m2) vay số tiền 60 triệu đồng; ông Kpă Khil vay 32 triệu đồng. Tất cả đều vay của bà Nguyễn Thị Thu.

 

Ông Đoàn Văn Tùng-Chủ tịch UBND xã Hbông xác định: Vụ việc cho vay tiền để lừa sang nhượng bìa đỏ này mang tính chất lừa đảo; xã đã thông báo tình trạng trên đến từng thôn làng. Hiện UBND xã cũng đã chỉ đạo cho Công an xã phối hợp với Công an huyện làm rõ vụ việc này. 

Theo biên bản làm việc của Công an xã Hbông với những hộ dân này và bà Nguyễn Thị Thu, các bị hại khai báo nhờ bà Thu vay tiền ngân hàng, khi nhận tiền họ có yêu cầu bà Thu đưa xem giấy vay ngân hàng nhưng bà này không đưa mà chỉ đưa giấy viết tay xác nhận có giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của họ. Các hộ dân này cũng yêu cầu Công an xã làm rõ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của họ đang ở đâu. Trong khi đó, bà Thu khai báo có cho 3 hộ là Rmah Dân vay 40 triệu đồng, Ksor Huen vay 60 triệu đồng và Ksor Ngot vay 70 triệu đồng giống như trình báo của các hộ này. Hình thức vay là vay tiền của bà chứ không vay ngân hàng và phải sang nhượng đất cho bà thì mới cho các hộ này vay. Theo bà Thu, hiện các hộ này đã sang nhượng toàn bộ đất cho bà và 3 bìa đỏ này hiện đang ở Văn phòng Công chứng Chư Sê.

Trong khi chính quyền xã Hbông chỉ mới xác minh 4 trường hợp như vừa nêu, trong quá trình tìm hiểu, P.V Báo Gia Lai được các ông Kpă Lah, Rmah Ưih cho biết có rất nhiều hộ dân ở làng Kte 1, Kte2, làng Dek cũng vay tiền giống như mình.

Truy tìm “bìa đỏ”

Theo ông Trịnh Xuân Đạt-Phó Giám đốc phụ trách Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Chư Sê, hộ ông Ksor Huen đã chuyển nhượng cho ông Vũ Đình Bách và vợ là Nguyễn Thị Thu toàn bộ thửa đất số 151, 07; tờ bản đồ số 25, 27 với tổng diện tích 20.746 m2 (được Văn phòng Công chứng Chư Sê chứng thực ngày 28-7-2016). Ngày 18-8, Sở Tài nguyên và Môi trường Gia Lai ký cấp mới 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CĐ 600717, CĐ 600718 mang tên Vũ Đình Bách, vợ là bà Nguyễn Thị Thu.

 

Ông Lê Thanh Quang-Trưởng Văn phòng Công chứng Chư Sê khẳng định các hồ sơ công chứng đều đảm bảo tính hợp pháp, được xem xét, kiểm tra kỹ càng và có người làm chứng; hồ sơ lưu cũng đầy đủ. Ông Quang nhận định, có thể các trường hợp làm thủ tục ở văn phòng công chứng khác, riêng văn phòng của ông chỉ công chứng 1 trường hợp của ông Ksor Jao.

Ông Đạt cho biết, ngày 12-9, bà Thu đem 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này tiếp tục sang nhượng lại cho bà Hà Thị Toan (tổ dân phố 12, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê). Tiếp sau đó, ngày 23-9, bà Toan đã đem 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này (thực chất là của ông Ksor Huen) cùng với 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên Vũ Đình Bách và 1 của ông Lê Văn Chương (chồng bà Toan) đi vay Ngân hàng Đầu tư và Phát triển-Chi nhánh Chư Sê số tiền 2,96 tỷ đồng.

Đối với phần diện tích 32.433 m2 của ông Ksor Jao (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số T633289) theo hợp đồng chuyển nhượng ngày 2-8 cho bà Nguyễn Thị Thu được dừng lại kịp thời. Bởi ngày 15-8-2016, UBND xã Hbông có văn bản gửi Chi cục Thuế huyện Chư Sê tạm dừng thủ tục chuyển nhượng.

Không may mắn như ông Jao, trường hợp 3,2 ha đất (thửa đất số 17, tờ bản đồ 26) của ông Rmah Ưih đã được sang nhượng cho ông Nguyễn Văn Trung-vợ là Bùi Thị Dị (làng Dek, xã Hbông) vào ngày 27-10. Đến ngày 3-11, ông Nguyễn Văn Trung tiếp tục làm thủ tục cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (xóa dấu tích phần chuyển nhượng với ông Ưih trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất-P.V) để vay vốn ngân hàng. Giấy biên nhận hồ sơ của Văn phòng Đăng ký Quyền sử dụng đất huyện Chư Sê ghi ngày trả kết quả là ngày 17-11.

Đất của hộ ông Kpă Lah cũng đã được sang nhượng cho bà Trần Thị Duyên vào ngày 26-10; đất của ông Rơ Chăm Suih (bố vợ của ông Rmah Dân) đã chuyển nhượng cho ông Trần Đình Kiên (xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê) từ tháng 9-2016. Trong khi đó, làm việc với P.V, các hộ dân này khẳng định chỉ vay tiền của bà Nguyễn Thị Thu và thế chấp bìa đỏ cho bà này chứ không biết đến việc chuyển nhượng nói trên. Điều bất thường là từ tháng 8-2016, khi UBND xã Hbông cho Công an xã xác minh những trường hợp vay tiền của bà Thu thì việc sang nhượng này không còn chuyển trực tiếp cho bà này mà chuyển sang những người khác. Một điều bất thường khác là trong các giao dịch chuyển nhượng giữa bà Thu với các hộ dân này đều xuất hiện duy nhất người làm chứng là ông Ksor Thí (làng Kte 1, xã Hbông). Khi Công an xã lấy lời khai, ông Thí khai chỉ giới thiệu các hộ dân này để bà Thu hướng dẫn thủ tục vay vốn ngân hàng nhưng khi lấy tiền bà này chỉ viết giấy tay để cho mượn. 

 

 

Ông Trịnh Xuân Đạt cũng xác nhận: Thời gian gần đây, tình trạng người dân tộc thiểu số ở xã Hbông sang nhượng đất (nguyên bìa, gồm nhiều thửa đất) tăng đột biến. Mặc dù cán bộ phụ trách địa bàn và cả UBND xã đã phản ánh tình trạng này nhưng vẫn chưa thấy có chuyển biến gì. Các hồ sơ này đều làm thủ tục công chứng ở các văn phòng công chứng nên ngay từ ban đầu xã không nắm bắt được. “Sự việc cũng được báo lên huyện nhưng họ làm đúng thủ tục hồ sơ, công chứng xong rồi thì mình cũng không giải quyết được gì”-ông Đạt nói.

Minh Triều

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.
Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.