Thanh niên Gia Lai ấp ủ ý tưởng khởi nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp lần thứ III-2019” do Tỉnh Đoàn Gia Lai và Hội Doanh nhân trẻ tỉnh phối hợp tổ chức vừa hoàn thành vòng bán kết. 5 ý tưởng, dự án lọt vào vòng chung kết đều được Ban giám khảo đánh giá có tính khả thi, khả năng thương mại hóa cao và đem lại nhiều giá trị đối với xã hội.
Nhiều dự án khả thi
Tại vòng bán kết, mỗi tác giả, nhóm tác giả phải thuyết trình về ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp của mình. Sau đó, các tác giả, nhóm tác giả phải trả lời các câu hỏi của Ban giám khảo liên quan đến ý tưởng, dự án. 5 ý tưởng đã thuyết phục được Ban giám khảo về tính khả thi, tính sáng tạo, tính hiện thực hóa gồm: Bộ sản phẩm sạch từ thiên nhiên trong mô hình khép kín (tác giả Nguyễn Thị Kim Anh); Ơ này Jrai (tác giả Khương Thị Ngọc Ánh); Trồng cây măng tây (tác giả Trần Văn Hạnh); Xe đẩy nhặt quả điều, gom lá cây trong vườn, gom rác, túi ni lông (tác giả Nguyễn Xuân Sử); Hồ lô Tây Nguyên (tác giả Rơ Châm Toàn, Ksor Ngyên).
   Các tác giả giới thiệu sản phẩm tại cuộc thi. Ảnh: T.B
Các tác giả giới thiệu sản phẩm tại cuộc thi. Ảnh: T.B
Khi cuộc thi được tổ chức lần đầu tiên, thí sinh Nguyễn Thị Kim Anh (90 Tô Vĩnh Diện, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) đã đạt giải nhì chung cuộc với dự án “Trồng rau sạch bằng phương pháp thủy canh”. Trong lần trở lại này, chị Kim Anh tiếp tục gây ấn tượng với Ban giám khảo về một mô hình mới, đã được triển khai thành công gần 2 năm nay, tạo được dấu ấn riêng trên thị trường. Đó là dự án “Bộ sản phẩm sạch từ thiên nhiên trong mô hình khép kín”. Luôn tâm huyết với những sản phẩm có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng, chị Kim Anh đã nghiên cứu để đưa ra thị trường các sản phẩm nước thảo dược tinh dầu hương nhu, tinh dầu sả, nước lau sàn, nước rửa bát, xà phòng tắm… được sản xuất từ những nguyên liệu thiên nhiên như: lá hương nhu, lá ổi, lá tre, bạch đàn, quả bồ hòn... Dù đã có kinh nghiệm thi thố nhưng chị Kim Anh vẫn không giấu được sự hồi hộp. Chị cho biết: “Tôi đặt tên các sản phẩm của mình là An Thiên, có nghĩa là an toàn từ thiên nhiên. Những sản phẩm này đều được chưng cất, sản xuất theo dây chuyền khép kín, đem lại sự yên tâm và an toàn về sức khỏe cho người tiêu dùng”.
Xuất phát từ thực tế mỗi mùa thu hoạch điều, các nhân công khi thu hoạch phải cúi xuống nhặt từng quả vừa tốn thời gian vừa đau lưng, khâu thu dọn lá điều cũng rất tốn sức nên anh Nguyễn Xuân Sử (thôn Yên Phú 2, xã Chrôh Pơnan, huyện Phú Thiện) đã nghiên cứu, sáng tạo ra máy thu dọn lá và nhặt quả điều. Sản phẩm này không dùng nhiên liệu vận hành, không gây ô nhiễm tiếng ồn và có thể dùng vật liệu tái chế như: giỏ đựng, vành xe đạp… giúp hộ trồng điều giảm chi phí nhân công, tăng năng suất thu hoạch quả điều vì 1 máy tương đương 3 công lao động. Sản phẩm này đã được anh Sử áp dụng thành công ở quy mô gia đình. “Đem ý tưởng này đến với cuộc thi, tôi mong muốn nhận được sự góp ý của Ban giám khảo và để mọi người biết đến sản phẩm nhiều hơn. Ngoài thu hoạch điều, mô hình này còn có thể thu gom rác thải nhanh hơn, giúp bảo vệ môi trường”.
Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp
Khởi động từ đầu tháng 3, cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp lần thứ III-2019” đã nhận được 32 ý tưởng của các đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh. Qua xét chọn, 17 ý tưởng đã được chọn vào vòng bán kết. Hầu hết các ý tưởng, dự án đều được chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ nội dung đến hình thức trình bày, nêu bật được giá trị và có sức lan tỏa trong cộng đồng.
Ban giám khảo tặng hoa cho các tác giả, nhóm tác giả lọt vào vòng chung kết. Ảnh: Phan Lài
Ban giám khảo tặng hoa cho các tác giả, nhóm tác giả lọt vào vòng chung kết. Ảnh: Phan Lài

Anh Phan Hồ Giang-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn, Phó Trưởng ban tổ chức cuộc thi: “Trước khi tổ chức vòng bán kết, Ban tổ chức đã gặp mặt các tác giả, nhóm tác giả để góp ý, tư vấn, giải đáp thắc mắc, giúp các thí sinh tự tin và chuẩn bị tốt phần thi của mình. Các tác giả đều có thái độ làm việc nghiêm túc trong xây dựng đề án khởi nghiệp, hướng phát triển thị trường; nhiều dự án đã được triển khai và đạt hiệu quả trong thực tế. 5 ý tưởng được chọn vào vòng chung kết nổi bật về tính sáng tạo, có tính khả thi cao. Hy vọng các tác giả sẽ chuẩn bị tốt hơn nữa để tự tin trình bày, thuyết phục được các doanh nghiệp đầu tư tại vòng chung kết. Với những dự án còn lại, mong rằng với sự góp ý của Ban giám khảo, các tác giả sẽ tiếp tục hoàn thiện để hiện thực hóa ý tưởng trong tương lai”.


Dù không được vào vòng chung kết nhưng dự án “Xây dựng mô hình khai thác, sản xuất ống hút tre tự nhiên áp dụng hệ thống công nghệ khắc laser” của anh Nay Bưng-Bí thư Đoàn xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa) đã tạo được ấn tượng với Ban giám khảo. Khi phong trào sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường đã và đang tạo được sự lan tỏa tích cực, nhận thấy trên địa bàn xã có khá nhiều tre, nứa có thân nhỏ, đốt ngắn, anh nghĩ ra ý tưởng sản xuất ống hút tre để cung cấp cho các quán cà phê, nhà hàng. Theo kế hoạch của dự án, mỗi ống hút tre xuất bán ra thị trường có giá 1.985 đồng. Không lọt được vào vòng trong nhưng anh Nay Bưng vẫn thể hiện sự quyết tâm với dự án này: “So với ống hút nhựa giá rẻ, giá thành của ống hút tre cao hơn rất nhiều. Nhưng tin rằng khi mọi người ngày càng kiên quyết với rác thải nhựa, ống hút tre sẽ có chỗ đứng trên thị trường. Thời gian tới, tôi sẽ cố gắng để biến ý tưởng thành hiện thực”.
Cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” hàng năm luôn thu hút đông đảo học sinh, sinh viên tham gia. Lọt vào vòng bán kết năm nay có đến 7 ý tưởng, dự án của học sinh, sinh viên. Đem đến cuộc thi ý tưởng “Mô hình không gian làm việc chung Coworking space mi ni”, tác giả Chu Khánh Linh (lớp 11B2, Trường THPT Phan Bội Châu, TP. Pleiku) mong muốn thực hiện một không gian làm việc đầy cảm hứng. Không gian thực sự yên tĩnh, rộng rãi, thoải mái, có dịch vụ phục vụ công việc như in, photo…, khách hàng được phục vụ đồ ăn, thức uống theo yêu cầu với chi phí thấp. Chia sẻ suy nghĩ sau vòng bán kết, em Chu Khánh Linh cho biết: “Dù ý tưởng của em chưa thực sự thuyết phục, nhưng nhờ được tham gia cuộc thi này em tích lũy thêm nhiều kiến thức, kỹ năng và nhận được rất nhiều lời khuyên thiết thực từ Ban giám khảo”.
THỦY BÌNH

Có thể bạn quan tâm

Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

(GLO)- Với đàn chồn hương hơn 100 con, mỗi năm, trang trại của chị Thủy Thị Hồng Hậu (làng Bông Phun, xã Chư Á, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) thu về hàng trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí đầu tư.
Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

(GLO)- Những năm gần đây, nhiều học sinh cuối cấp đã lựa chọn hình thức chụp kỷ yếu với đa dạng concept (chủ đề) để lưu giữ kỷ niệm đẹp cùng thầy cô, bè bạn. Tháng 4 là thời điểm dịch vụ này bắt đầu “vào mùa”, các studio cũng bận rộn với lịch trình dày đặc.
Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

(GLO)- “Nếu Tin học là chỗ dựa cho phím đàn được thăng hoa thì âm nhạc lại giúp em xua tan đi những căng thẳng sau hàng giờ đắm chìm cùng ngôn ngữ lập trình”-em Nguyễn Đăng Khang (lớp 11C3A, Trường THPT chuyên Hùng Vương) chia sẻ.

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

(GLO)-

Dù ít tham gia các hội thi, nhưng nhiều công nhân ở Đội sản xuất số 6, Công ty 74, Binh đoàn 15 vẫn thường gọi anh Ksor Mác là "bàn tay vàng" trong đơn vị. Bởi anh không chỉ có kỹ thuật cao trong cạo mủ cao su mà hằng năm anh đều vượt kế hoạch được giao.

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

(GLO)- Là thợ lái máy nhưng Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Phạm Văn Hùng (Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Công binh 7, Quân đoàn 3) đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, áp dụng hiệu quả vào công việc của đơn vị và đạt thành tích cao tại các hội thi.