Từ cái cổng trường bị sập

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trường học cho dù được đầu tư tới đâu mà nếu người có trách nhiệm vô trách nhiệm công vụ thì bất cứ tình huống bất an nào cũng đều có thể xảy ra...
 

Gần 10 năm trôi qua tôi vẫn không quên hình ảnh người lao công già tỉ mẩn lau từng khe cửa, săm soi từng chiếc bản lề cửa sổ, cửa ra vào của lớp học ở một ngôi trường Nhật Bản.

Hình ảnh đó lại hiện về rõ mồn một khi một loạt sự cố đau lòng xảy ra ở nước ta khiến học sinh qua đời vào những ngày đầu năm học mới.

Năm đó, đến Tokyo, chúng tôi được đi thăm một trường học của Nhật. Điều khiến tôi ấn tượng nhất không phải là trường lớp hoành tráng, nề nếp quy củ, không khí học tập hào hứng say mê, mà là người lao công già. Bà lau sàn nhà sạch tới mức có thể soi gương được, mặt bàn của học sinh sáng bóng.

Đáng nói nhất là bà soi từng chiếc bản lề cửa sổ, cửa ra vào vì như bà nói: "Lỡ xảy ra động đất hoặc bỗng dưng có chiếc bản lề bị gãy, cánh cửa rơi xuống bãi cỏ dưới kia đúng lúc học sinh đang vui chơi thì không biết điều gì sẽ xảy ra".

Tôi hỏi tại sao bà chăm chút tỉ mỉ như vậy hằng ngày, bà điềm nhiên cho biết đó là vì trách nhiệm và tự trọng. "Công việc là đạo đức, tôi không cho phép bất cứ ai coi thường mình" - bà nói. Nhưng có lẽ ngoài trách nhiệm và tự trọng, còn có tình yêu lớn lao dành cho công việc, dành cho trẻ.

Phải chăng ngoài sự đầu tư mạnh tay của nhà nước cho cơ sở hạ tầng trường học (gần 100% trường học ở Nhật được thiết kế, xây dựng để "sống chung" với động đất), chính sự chăm chút, lưu tâm tới từng chi tiết nhỏ của trường lớp hằng ngày như người lao công già kia đã giúp trường học ở Nhật được ví von là "pháo đài" an toàn cho trẻ.

"Vì phần lớn thời gian trong ngày của trẻ là ở trường, Bộ Giáo dục, văn hóa, thể thao, khoa học và công nghệ Nhật Bản xác định việc xây dựng một môi trường giáo dục an toàn, an ninh là ưu tiên hàng đầu" - một quan chức của bộ này khẳng định.

Không riêng gì Nhật Bản, Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đã ban hành nhiều quy chuẩn, quy định khắt khe về an toàn trường học, để học đường là nơi bình yên nhất cho trẻ. Vậy nhưng năm nào sự cố cũng xảy ra. Và mỗi lúc như vậy, xã hội lại rúng động trước những thương vong tức tưởi ập xuống học trò.

Những sự cố học đường thương tâm đầu năm học mới này một lần nữa là hồi chuông báo động về sự cấp thiết phát hiện, ngăn ngừa và cách thức để vượt qua sự cố.

Không ai muốn những sự cố đau lòng xảy ra. Nhưng trên thực tế rủi ro luôn tiềm ẩn khắp nơi, trên đường trẻ đến trường, trong lớp học, dưới sân trường, ngoài cổng trường...

Có ai đó đã nói rằng cách tốt nhất để xử lý khủng hoảng là đừng để cho nó xảy ra. Muốn vậy, mọi khâu liên quan đến an toàn học đường, từ quản lý nhà nước, phê duyệt thiết kế, tổ chức thi công, duy tu bảo dưỡng, sử dụng trường lớp... đều phải được thực hiện một cách nghiêm cẩn từ những chi tiết nhỏ nhất, đều phải được quan tâm với trách nhiệm lớn nhất đối với sự an toàn của trẻ và tình yêu lớn nhất dành cho trẻ em.

Bởi vì trường học cho dù được đầu tư tới đâu mà nếu người có trách nhiệm vô trách nhiệm công vụ thì bất cứ tình huống bất an nào cũng đều có thể xảy ra.

Theo NHẬT HUY (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Chia sẻ đúng, hành động đúng

Chia sẻ đúng, hành động đúng

Vào thời điểm này, người dân cả nước đều hướng trái tim về miền Bắc. Mọi người đều mong muốn được chung tay sẻ chia cùng đồng bào đang hoạn nạn, nhưng chúng ta cũng nên hiểu và thực hiện đúng những quy định, nguyên tắc để có thể đảm bảo an toàn.
Trước thảm họa

Trước thảm họa

Làng Nủ-ở nơi rừng sâu, núi thẳm; sau cơn bão trở thành cái tên mang nhiều xót xa với đồng bào cả nước. Thảm họa từ thiên tai luôn là thách thức với nhân loại, nhiều khi nó vượt khỏi tầm dự phòng, quản trị.
Sau bão

Sau bão

Vậy là chiều tối qua, bão số 3 (YAGI) có cường độ mạnh nhất 30 năm trở lại đây đã đổ bộ vào Hải Phòng, Quảng Ninh và các tỉnh Bắc bộ nước ta.
Ý thức rõ trước thiên tai

Ý thức rõ trước thiên tai

Có thể nói, đến chiều qua, mọi công tác ứng phó với cơn bão số 3 gần như đã hoàn tất. Sự chủ động được phát đi từ trung ương, địa phương và cụ thể từng người dân trong vùng bị ảnh hưởng.