Tình người giữa đại dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Giữa thời buổi gian khó bủa vây bởi dịch bệnh, có một làn sóng đang trào dâng mạnh mẽ như tiếp thêm doping để cả xã hội cùng chống dịch.

 

Đó là làn sóng của doanh nhân, nghệ sĩ, du học sinh... và cả những người dân bình thường đã cùng góp sức, san sẻ nguồn lực để tăng "kháng thể" đẩy lùi virus.

Khi chứng kiến một doanh nghiệp kinh doanh ế ẩm, chủ một mặt bằng đã chủ động miễn phí 3 tháng tiền nhà với số tiền lên đến gần 200 triệu đồng như một cách san sẻ với người thuê.

Nói với Tuổi Trẻ, vị chủ mặt bằng này cho rằng mình cũng chẳng dư dả, nồi cơm gia đình đều cậy cả vào tiền cho thuê mặt bằng.

Tuy vậy, so với nồi cơm của hàng chục nhân viên của doanh nghiệp đang lay lắt, bản thân ông vẫn có thể "chia nhau nghèo khó" để doanh nghiệp này còn tồn tại.

Tại Đà Nẵng, một doanh nghiệp đã tự nguyện để TP mượn toàn bộ khách sạn 5 sao với hơn 120 phòng làm nơi lưu trú cho những người cần cách ly.

Vị chủ doanh nghiệp này cho rằng đây là cách để thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng. Sau "cú hích" này, nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng ở nhiều nơi cũng đã tự nguyện ủng hộ cơ sở vật chất để cùng chính quyền chống dịch.

Tại TP.HCM, những ngày này một nhóm chat của cộng đồng gồm hàng trăm doanh nghiệp của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM liên tục kêu "ting ting".

Bên cạnh sẻ chia những câu chuyện kinh doanh chật vật giữa mùa dịch, các doanh nhân cũng gom góp tiền bạc để đồng hành cùng TP chống dịch. Người nhiều thì góp 100-500 triệu, người ít góp 10-20 triệu.

Chỉ vài ngày sau khi phát động, số tiền hỗ trợ cũng lên đến hơn 4 tỉ đồng và vẫn tiếp tục tăng lên từng phút. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng lấy "của nhà" mang đi ủng hộ số lượng lớn từ khẩu trang kháng khuẩn, mì gói, cháo dinh dưỡng, giường bệnh, thuốc men, trang thiết bị y tế... để TP bớt đi một phần gánh nặng.

Giữa trăm bề gian khó khi sản xuất đình đốn, đơn hàng ngưng trệ nhưng những gì mà các doanh nhân đang chung tay cũng vì cái tình với cộng đồng.

Còn với giới nghệ sĩ, nhiều người đã trích tiền bạc, mua sắm thiết bị y tế tặng cho ngành y chống dịch và đang tạo nên một trào lưu sẻ chia trong cộng đồng.

Từ Canada, bạn trẻ Nguyễn Xuân Quyết dù mới ra nước ngoài chưa lâu, còn sụt sùi sợ mất việc giữa cơn khủng hoảng này nhưng vẫn bỏ tiền túi và kêu gọi thêm du học sinh gửi đến Tuổi Trẻ 1.000 khẩu trang kháng khuẩn, một ít tiền mặt góp sức chống dịch và gửi đến những người dân miền Tây đang chịu gian truân trong cơn khó hạn mặn.

Nhiều du học sinh đã mất việc, không có thu nhập tăng thêm nhưng khi nghe gửi về san sẻ khó khăn cho quê nhà thì ai cũng sẵn lòng.

Đây chỉ là số ít trong số một ngàn lẻ một câu chuyện tình người khắp đất nước đang trở thành một cơn sóng ngầm, góp thêm sức mạnh để chung tay cùng Chính phủ chống dịch.

Tình người lúc này như ngụm nước mát giữa sa mạc để cứu các doanh nghiệp, tăng nguồn lực xã hội để đất nước vượt qua dịch bệnh.

Và tình người cũng là dòng nước trong trẻo tưới tắm tâm hồn con người, bớt đi những lo toan để vươn lên, vững chãi hơn đương đầu với một thứ virus cũng nguy hiểm không kém - đó là virus của sự sợ hãi.

 

Theo NGỌC HIỂN (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Nhân lên niềm vui chiến thắng

Nhân lên niềm vui chiến thắng

(GLO)- Sau 49 năm giải phóng, Gia Lai đã vươn lên trở thành trung tâm của khu vực Bắc Tây Nguyên và vùng động lực của Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia. Tinh thần Chiến thắng 30-4 đã được kế thừa, phát huy và nhân lên bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Nâng chất lao động ngành du lịch

Nâng chất lao động ngành du lịch

Người lao động làm trong ngành du lịch đến từ Philippines, Thái Lan, Indonesia, Singapore có mặt ở các khách sạn 4-5 sao tại Việt Nam đang khá nhiều. Điều này cho thấy, lao động ngành du lịch đang bị cạnh tranh việc làm ngay trên sân nhà.
Làm sạch, đẹp không gian du lịch

Làm sạch, đẹp không gian du lịch

Tình trạng ô nhiễm rác thải do thiếu ý thức sẽ tái diễn, không gian du lịch bị vấy bẩn bởi rác trên đường và "rác trong ý thức", làm ảnh hưởng ngành du lịch Việt Nam, đến hình ảnh đất nước, con người Việt Nam
Chọn chất thay vì lượng

Chọn chất thay vì lượng

Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học ra đời với xuất phát điểm là tạo một sân chơi dành cho những học sinh có đam mê và khả năng nghiên cứu từ sớm. Nhưng lâu nay, các cuộc thi này khiến dư luận muộn phiền vì không biết sản phẩm nghiên cứu có thực sự là của học trò.