Nghịch lý

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tại hội nghị sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) 2 tháng đầu năm 2020, đồng chí Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban ATGT tỉnh cho rằng: Thực tế trên địa bàn tỉnh ta đang tồn tại một nghịch lý cần phải tìm ra nguyên nhân để có biện pháp tháo gỡ kịp thời. Đó là tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trong 2 tháng đầu năm diễn biến rất phức tạp. So với cùng kỳ năm 2019, TNGT trong 2 tháng đầu năm nay tăng cả 3 tiêu chí: tăng 4 vụ (7,69%), tăng 1 người chết (2,94%) và tăng 14 người bị thương (31,11%).
Trong 2 tháng đầu năm nay, tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh tăng cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 2 tháng đầu năm nay, tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh tăng cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: V.N
Theo phân tích của người đứng đầu Ban ATGT tỉnh, điều nghịch lý thể hiện ở chỗ: Trong khi Luật Phòng-chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ đang đi vào cuộc sống thì TNGT tại tỉnh ta lại tăng vọt! Trong khi Gia Lai là một trong 10 địa phương xử phạt vi phạm nồng độ cồn cao trong cả nước thì tình hình TNGT trên địa bàn lại diễn biến phức tạp! Trong khi các địa phương trong cả nước kiềm chế có hiệu quả TNGT thì tỉnh ta lại tăng cả 3 tiêu chí!...
Giải trình nhận định của Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện một số ngành chức năng cho rằng: Sở dĩ TNGT trong 2 tháng qua tăng vọt là do cùng kỳ năm trước chúng ta… kéo giảm quá sâu (!?) Tất nhiên, đồng chí chủ trì cuộc họp hoàn toàn không chấp nhận loại ý kiến này. Theo Chủ tịch UBND tỉnh, sở dĩ TNGT diễn biến phức tạp là do công tác đảm bảo trật tự ATGT ở tỉnh ta chưa phát huy hiệu quả; các ngành và địa phương cần rà soát, đánh giá lại hoạt động của ngành mình, địa phương mình.
Là thành viên Ban ATGT tỉnh, chúng tôi rất chia sẻ và đồng cảm với sự băn khoăn, trăn trở của Chủ tịch UBND tỉnh. Qua thực tế công tác đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy vẫn tồn tại không ít bất cập.  
Trước hết, trong quá trình thực thi công vụ, ngành chức năng thường nghiêng về các biện pháp xử lý hành vi vi phạm (phạt tiền, tước giấy phép lái xe, giữ xe…) hơn là tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông. Hiện nay, người điều khiển phương tiện giao thông thường nhìn lực lượng chấp hành pháp luật với đôi mắt thiếu thiện cảm. Bởi lẽ, trong quá trình tham gia giao thông, họ rất ít nhận được sự trợ giúp từ lực lượng này. Theo đó, sự xuất hiện của lực lượng chấp pháp đồng nghĩa với nguy cơ họ sẽ bị phạt cũng như một số vấn đề nhạy cảm khác. Vì vậy, thay vì tự giác chấp hành pháp luật, người tham gia giao thông chuyển sang đối phó với nhiều hình thức. Và như vậy, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông sẽ bị ảnh hưởng, nguy cơ TNGT sẽ luôn rình rập.
Thực tế cho thấy, công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông có tác động rất lớn đến tình hình trật tự ATGT của mỗi địa phương. Trong các bản báo cáo, ngành nào, địa phương nào cũng “đẩy mạnh công tác tuyên truyền” nhưng hiệu quả thực tế thì rất khó đánh giá. Thực tế tình hình TNGT trong 2 tháng qua tại tỉnh ta cho thấy, số vụ TNGT liên quan đến thanh-thiếu niên, đặc biệt là thanh-thiếu niên đồng bào dân tộc thiểu số tăng cao và diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, trong văn bản báo cáo của tổ chức Đoàn các cấp đều “tăng cường, đẩy mạnh, nâng cao” về lĩnh vực này. Tháng Thanh niên đang được cho là diễn ra vô cùng sôi nổi từ tỉnh đến các buôn làng. Thế nhưng, liệu chương trình hoạt động của các tổ chức Đoàn có cập nhật tình hình TNGT trong thanh-thiếu niên hiện nay cũng như sẽ triển khai giải pháp gì để giáo dục đoàn viên, thanh niên tự giác chấp hành pháp luật về giao thông, chung tay kiềm chế TNGT?
Với phạm vi một bài báo nhỏ, chúng tôi không có tham vọng chỉ ra hết những bất cập trong công tác đảm bảo trật tự ATGT hiện nay. Tuy nhiên, chúng tôi rất mong các ngành liên quan và chính quyền các địa phương cần ý thức đầy đủ về những hiểm họa do TNGT gây ra đối với người dân. Một khi nhận thức được như vậy thì ắt sẽ có chương trình hành động cụ thể và giải pháp thiết thực hơn để kiềm chế TNGT.
DUY LÊ

Có thể bạn quan tâm

Hãy cho bánh mì một hướng dẫn

Hãy cho bánh mì một hướng dẫn

Vừa qua, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đã phát thông cáo báo chí về kết quả xét nghiệm của vụ ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì trên địa bàn TP.Long Khánh, làm khoảng 550 trường hợp phải nhập viện điều trị (tính đến ngày 7.5).
Phát huy hiệu quả các gói ưu đãi, hỗ trợ

Phát huy hiệu quả các gói ưu đãi, hỗ trợ

(GLO)- Những công điện, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ gần đây về triển khai nhiệm vụ điều hành, thúc đẩy chính sách tiền tệ năm 2024 đều nhấn mạnh tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.
'Cuộc kiện vĩ đại' vẫn tiếp tục

'Cuộc kiện vĩ đại' vẫn tiếp tục

Hơn 3 năm trước, ngày 26.1.2021, tôi đã viết bài Một cuộc kiện vĩ đại để hưởng ứng cuộc kiện của bà Trần Tố Nga, một nạn nhân của chất độc da cam, khởi kiện các công ty hóa chất lớn đã cung cấp "thuốc diệt cỏ" và thả xuống miền Nam VN cùng hai nước Lào và Campuchia ngày trước.
Tự hào những dấu son lịch sử

Tự hào những dấu son lịch sử

(GLO)- Khoảng 1 tháng trước khi lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) diễn ra tại tỉnh Điện Biên, trên khắp mạng xã hội đã rầm rộ lan truyền hàng ngàn clip ngắn quay lại cảnh tập luyện diễu binh, diễu hành của các lực lượng.