Chuẩn mực phát ngôn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
'Lời nói chẳng mất tiền mua', 'Lời nói, đọi máu'... Càng học cao, càng giữ chức vụ quan trọng thì việc phát ngôn càng phải lịch lãm, chuẩn mực. Bởi lúc này, dù chỉ một lời cũng là đại diện cho bao con người, cho tổ chức và cho cả đất nước mình.
 
Trong những ngày gần đây, ở Hà Nội có một số người giữ trọng trách ở thành phố lại phát ngôn thiếu chính xác, thiếu chuẩn mực làm dư luận băn khoăn, lo lắng.
Cụ thể trong buổi gặp gỡ cử tri ngày 6-12-2019, ông Nguyễn Đức Chung cho rằng JEBO thử nghiệm làm sạch nước sông Tô Lịch mà không xin phép thành phố. Hơn thế, ông còn nói: "Thành phố này không phải để cho một ông, một công ty vào đây làm trò đùa cho cả thiên hạ, làm bức xúc xã hội...".
Cách nói như vậy của ông chủ tịch UBND TP Hà Nội là rất nặng nề vì vừa không đúng thực tế, vừa không phù hợp với vai trò của người nói và những vấn đề đang nói.
Không đúng thực tế vì người dân chờ đợi và hi vọng vào việc chuyên gia và công nghệ Nhật có thể làm sạch nước sông Tô Lịch, chứ không ai bức xúc. Còn ý tưởng dùng công nghệ để làm sạch nước sông Tô Lịch là một việc làm hoàn toàn nghiêm túc, chứ không hề có sự đùa cợt ở đây.
Ông cha ta rất coi trọng chuyện ăn, chuyện nói vì đây là biểu hiện của văn hóa và nhận thức. Chính vì thế, từ xa xưa, chuyện "học ăn, học nói" đã được xem là những chuyện quan trọng trong giáo dục nhân cách.
Các thầy đồ, quan lại ngày xưa luôn tìm cách uốn nắn học trò, thuộc hạ của mình nói năng cẩn thận, phù hợp với vai trò và hoàn cảnh.
Rồi ca dao, tục ngữ cũng đã nhắc nhở, răn dạy về chuyện này. Ca dao thì khuyên nhủ nhẹ nhàng: "Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Nói hay, nói đúng, nói thuyết phục khi nào cũng là cầu nối để hiểu nhau, hợp tác với nhau.
Còn tục ngữ thì thâm trầm, dữ dội: "Lời nói, đọi máu". Việc nói sai, nói quá, nói để gây thù hằn thì có khi gây xung đột và phải trả giá đắt.
Với quan niệm như vậy, dân tộc ta đã xây dựng nên phong cách ứng xử, giao tiếp thân ái, lịch lãm, văn hóa. Phong cách này tạo nên bản sắc giúp dân tộc ta không bị đồng hóa trong hàng ngàn năm Bắc thuộc, hàng trăm năm Pháp thuộc.
Đến thời đại của chúng ta, chuyện phát ngôn cũng được các cấp, ngành, địa phương coi trọng. Ở quy mô quốc gia cũng như cấp tỉnh, thành đều muốn có bộ quy tắc ứng xử, trong đó có chuẩn mực về phát ngôn.
Tuy nhiên, đây là việc không hề dễ chuẩn hóa bằng những văn bản mang tính hành chính và pháp quy.
Suy cho cùng, cách phát ngôn của từng người phụ thuộc vào ý thức văn hóa và trình độ nhận thức của người đó. Với xã hội, người ta đòi hỏi người có học vấn cao, giữ chức vụ quan trọng thì việc phát ngôn càng phải lịch lãm, chuẩn mực.
Ai có biểu hiện nói năng tùy tiện đều bị lên án; nhẹ thì nhắc nhở, nặng thì bị kỷ luật. Mới đây, bà Đàm Thị Hệ, trưởng Phòng tài nguyên - môi trường thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông), bị kỷ luật vì có những phát ngôn thiếu chuẩn mực đạo đức, văn hóa công vụ khi thực thi nhiệm vụ là một ví dụ.
Trong vụ việc liên quan đến đoàn chuyên gia Nhật Bản làm thử nghiệm sạch nước sông Tô Lịch, ngoài chuyện nhận định đúng - sai thông thường về sự việc, còn có quan hệ mang tính ngoại giao giữa hai đất nước.
Vì vậy, khi cán bộ của một cơ quan nhà nước phát ngôn thì phải hết sức thận trọng. Lúc này, người phát ngôn không chỉ đại diện cho cá nhân mình mà còn đại diện cho tổ chức, cho đất nước.
Việc phát ngôn cho đúng chuẩn mực không khó nếu người ta nhận thức đúng vai trò, trách nhiệm của mình và có ý thức tôn trọng sự thật, tôn trọng người khác.
TS Hồ Bất Khuất (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Hết thời 'đếm bài thưởng tiền'?

Hết thời 'đếm bài thưởng tiền'?

Mới đây, một lãnh đạo Bộ KH-CN cho biết định hướng đầu tư cho nghiên cứu khoa học trong thời gian tới của bộ này sẽ tập trung phát triển các nhóm nghiên cứu xuất sắc, không ưu tiên đầu tư nghiên cứu chỉ để có bài báo quốc tế.
Câu chuyện cấp thiết

Câu chuyện cấp thiết

Bình Thuận đang tích cực chuẩn bị cho việc đoàn thanh tra của EC đến thanh tra lần thứ 5 về các hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU); nhằm nỗ lực tháo gỡ thẻ vàng cho ngành thủy sản.
Phát huy hiệu quả các gói ưu đãi, hỗ trợ

Phát huy hiệu quả các gói ưu đãi, hỗ trợ

(GLO)- Những công điện, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ gần đây về triển khai nhiệm vụ điều hành, thúc đẩy chính sách tiền tệ năm 2024 đều nhấn mạnh tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.
'Cuộc kiện vĩ đại' vẫn tiếp tục

'Cuộc kiện vĩ đại' vẫn tiếp tục

Hơn 3 năm trước, ngày 26.1.2021, tôi đã viết bài Một cuộc kiện vĩ đại để hưởng ứng cuộc kiện của bà Trần Tố Nga, một nạn nhân của chất độc da cam, khởi kiện các công ty hóa chất lớn đã cung cấp "thuốc diệt cỏ" và thả xuống miền Nam VN cùng hai nước Lào và Campuchia ngày trước.