Nông dân xã Ia Tô “đưa bò vào chuồng”

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Từ chỗ chăn thả rông trên núi, đến nay, 100% đàn bò của xã Ia Tô (huyện Ia Grai) đã được nuôi nhốt trong chuồng. Việc nuôi nhốt giúp đàn bò được chăm sóc tốt hơn, người dân lại tận thu được nguồn phân bón và tránh được tình trạng mất trộm.

Đổi phân lấy... chuồng

Phải hẹn trước, chúng tôi mới gặp được một số hộ dân ở làng Krung, xã Ia Tô. “Bình thường thì khoảng hơn 8 giờ sáng, bà con trong làng lùa bò ra đồng rồi. Do hôm nay cán bộ thú y xã dặn ở nhà để gặp các anh nên bà con đi muộn đấy. Chụp ảnh thì ra chuồng bò nhanh lên để còn cho nó đi ăn”-ông Puih Mur nói với chúng tôi.

Đó là cái chuồng bò nằm sau vườn nhà với chiều rộng tầm 7 m, chiều dài hơn 10 m được chia ra làm 2 ngăn: Một ngăn nhốt 12 con bò lớn bé, ngăn nhỏ hơn dùng để đựng phân bò. Ông Mur cho biết, cái chuồng bò này được làm cách đây 2 năm, cũng là chừng ấy năm đàn bò của gia đình ông chính thức có “nhà” để ở.

Còn trước đó, gia đình ông cũng như bao hộ khác ở làng Krung hay cả xã Ia Tô chỉ quây lưới làm hàng rào để bò đi ăn về thì vào đó, đêm mưa lạnh không có mái che, sinh ra dịch bệnh. Bò chết mà bà con không biết chết vì bệnh gì.

Việc nuôi nhốt giúp người dân tận thu được nguồn phân bón, đàn bò được chăm sóc tốt hơn và tránh được tình trạng mất trộm. Ảnh: T.B.Đ

Việc nuôi nhốt giúp người dân tận thu được nguồn phân bón, đàn bò được chăm sóc tốt hơn và tránh được tình trạng mất trộm. Ảnh: T.B.Đ

Nói về cái chuồng bò hiện tại, ông Mur chia sẻ: “Mình không làm đâu, anh em người Kinh họ làm giúp đấy. Cũng không biết là làm cái chuồng này hết bao nhiêu tiền, chỉ biết là lượng phân bò thải ra thì mình lấy một nửa để bón cho cây, còn một nửa thì trả công làm chuồng”.

Cũng theo ông Mur: Khoảng sau 8 giờ sáng, đàn bò được thả ra đồng ăn cỏ, ở nhà có người dọn dẹp, vệ sinh chuồng. Phân được cào từ ngăn nhốt bò sang ngăn chứa riêng. Thỉnh thoảng, gia đình lại tìm vỏ trấu, vỏ cà phê hoặc cắt cỏ băm nhỏ trộn vào phân bò làm phân bón cho cây trồng.

Cũng ở làng Krung, gần 3 năm trước, gia đình anh Puih Blíu đã đổi phân để lấy... chuồng nuôi 14 con bò. Hình thức chuồng bò của nhà anh Blíu cũng giống như của ông Mur. Trước đây, đàn bò của gia đình anh Blíu tối về thả rông ngoài vườn, lượng phân rơi vãi tận dụng không được bao nhiêu. Còn bây giờ thì phân bò đủ bón cho ruộng lúa nước, khoảng 2 sào cà phê và 300 cây điều, sầu riêng.

“Nhờ lượng phân bò này mà ruộng lúa, vườn cây của gia đình tốt hơn. Bên cạnh đó, mình không tốn tiền mua phân bón, vườn nhà cũng sạch sẽ hơn”-anh Blíu cho biết.

Anh Rơ Châm A Lang-Trưởng thôn Krung-cho hay: “Với cách làm đổi phân lấy chuồng mà làng Krung đã khang trang, sạch sẽ hơn trước rất nhiều. Cả làng có 140 hộ thì khoảng 80% hộ chăn nuôi bò. Trong đó, chỉ còn 2 hộ chưa làm được chuồng kiên cố”.

Đưa bò xuống núi

Anh A Lang là người làng khác, “bắt vợ” ở làng Krung và ở lại đây luôn. Sinh năm 1986 nhưng A Lang đã làm trưởng thôn từ nhiều năm nay, có lẽ do anh có đi học và quan trọng hơn là hiểu việc làng cứ như là việc nhà của mình vậy.

Anh A Lang kể: Ngày trước, dân làng Krung chỉ biết thả rông bò trên núi. Lúc anh mới nhận chức trưởng thôn, cả làng có khoảng 600 con bò, ngày lang thang gặm cỏ, khát nước thì xuống suối, trưa nắng thì đầm mình dưới những khe suối cạn. Thứ bảy hàng tuần, người làng lũ lượt kéo nhau lên núi để kiểm đếm bầy bò.

Mỗi lần lên núi thăm bò, bà con thường mang theo muối cho chúng ăn và để bò làm quen với chủ, không lẫn với bò của gia đình khác. “Mỗi khi lên núi, lúc cho bò ăn muối, hễ con bò nào đi theo ai thì là của gia đình đó. Chắc do lên thăm hàng tuần nên bò... nhớ mùi mồ hôi của chủ”-anh A Lang nói.

Cũng theo anh A Lang, có không ít trường hợp bò bị lạc và mất luôn. Có lần bò lang thang trong núi, “ghé” vào rẫy mì của làng khác ăn trụi. Người làng bên khiêng rượu sang làng Krung để kiện. Dân làng Krung đền cho làng bên bằng cách đếm đầu bò của cả làng để đền, nhà nào ít bò thì đền ít, nhà nhiều bò thì đền nhiều.

“Bởi có biết bò của nhà ai vào phá rẫy mì làng bên đâu nên cả làng cùng góp lại đền. Nhớ có lần, cả làng phải góp trên 100 triệu đồng để đền cho mấy rẫy mì làng bên”-Trưởng thôn Krung kể.

Người dân xã Ia Tô nuôi nhốt bò cho nhiều lợi ích. Ảnh: T.B.Đ

Người dân xã Ia Tô nuôi nhốt bò cho nhiều lợi ích. Ảnh: T.B.Đ

Cũng có trường hợp bò bị dính bẫy hoặc có con vì “tham ăn” mà chui đầu vào khe đá gặm cỏ non, mắc kẹt không thoát ra được. Cuối tuần lên thăm, thấy bò chết, bà con xẻ thịt ăn uống tại chỗ, một phần thịt để dành đưa về làng cho những người hôm ấy không lên núi thăm bò.

Theo anh A Lang: “Nuôi bò trên núi là tập quán của bà con từ xưa đến giờ. Tuy không mất công chăn thả nhưng không hiệu quả bằng phương thức ngày thả đi ăn, tối lùa về nhốt ở chuồng nhà. Nuôi bò nhốt chuồng không bị mất trộm, lại quản lý được dịch bệnh, còn tận dụng được nguồn phân bón cho cây trồng nữa”.

Biết là vậy nhưng vận động bà con làm chuồng bò là rất khó. Chỉ đến khi các doanh nghiệp tổ chức trồng keo trên núi, đồng cỏ cạn dần, bà con mới lục tục đưa bò về làng, nhưng tối đến cũng chỉ thả rông trong vườn nhà. Anh Võ Thư Hoàng-Nhân viên thú y xã Ia Tô-thông tin: “Chỉ khoảng 3 năm trở lại đây, sau nhiều lần vận động, bà con mới bắt đầu làm chuồng kiên cố để nhốt bò, lấy phân bò bón ruộng lúa, vườn cây và để tiêm phòng dịch bệnh”.

Anh Hoàng từng là bộ đội của Quân đoàn 3. Năm 1998, sau khi ra quân, do có kiến thức về chăn nuôi bò lúc còn ở trong quân ngũ, anh được xã tín nhiệm phân công phụ trách công tác thú y. Anh Hoàng cho biết, khoảng 3 năm trước, đàn bò của làng Krung có khoảng 350 con, giờ còn trên 200 con. Đàn bò của làng giảm là do bà con bán dần để đầu tư vào vườn cây và xây nhà kiên cố.

Cũng theo anh Hoàng: Trước đây, mỗi năm, đàn bò của bà con được tiêm phòng 3 lần gồm 2 mũi lở mồm long móng, 1 mũi tụ huyết trùng; nay chỉ tiêm 1 mũi tụ huyết trùng và 1 mũi lở mồm long móng. Nhờ được nuôi nhốt trong chuồng sạch sẽ nên đàn bò của xã Ia Tô không xuất hiện dịch bệnh, mang lại nguồn thu đáng kể cho bà con.

Ông Ngô Nhạc Lâm-Viên chức phụ trách thú y thuộc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Grai-cho biết: Toàn huyện có đàn bò trên 15 ngàn con (khoảng 10% bò lai). Hiện trên 90% số hộ có bò đã làm chuồng nuôi kiên cố và khoa học. Kết quả trên là nhờ vào công tác tuyên truyền, vận động của ngành Nông nghiệp và chính quyền địa phương.

“Từ khi có chuồng nuôi nhốt, đàn bò của huyện không có trường hợp bị chết do ăn phải mủ cao su. Bên cạnh đó, công tác thú y được thực hiện bài bản. Từ năm 2018 đến nay, huyện chưa phát hiện ổ dịch nào trên đàn bò”-ông Lâm thông tin.

Có thể bạn quan tâm

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

(GLO)- Nhờ biết tính toán và tích cực lao động sản xuất nên gia đình ông Rơ Châm Pyik (làng Châm Aneh, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) có nguồn thu ổn định hơn 900 triệu đồng/năm. Không những thế, ông còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động ở cơ sở.

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

(GLO)- Chiều 29-10, tại xã Ia Tô, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Công ty cổ phần Giống cây trồng, vật nuôi Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo đánh giá kết quả sản xuất giống lúa HG12 trên địa bàn huyện trong vụ mùa năm 2024. 

Gạo Đài Thơm 8 Ia Lâu vươn ra thị trường

Gạo Đài Thơm 8 Ia Lâu vươn ra thị trường

(GLO)- Với quyết tâm đưa gạo Đài Thơm 8 đến với người tiêu dùng, chị Hà Thị Thuẩn-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ia Lâu (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đã tích cực tuyên truyền, quảng bá và giới thiệu sản phẩm bằng nhiều hình thức.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Nông gia Nguyễn Đáp sinh ra, lớn lên và tạo lập cơ nghiệp trên những thửa rau, hoa bậc thang của thành phố cao nguyên Đà Lạt, hiện đang chạm ngưỡng tuổi lục thập vẫn dốc tâm sức và tiền vốn để bổ sung “công năng” trên từng diện tích đất nông nghiệp của mình.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Trên nền tảng dẫn đầu cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vùng đất Nam Tây Nguyên Lâm Đồng đã và đang mở rộng những miền quê tập trung tạo ra những mặt hàng có giá trị khác biệt, trong đó nổi trội với sản phẩm du lịch cộng đồng gắn xây dựng NTM, phát triển làng nghề ở địa phương.

Tuổi cao vẫn bền chí làm giàu

Tuổi cao vẫn bền chí làm giàu

(GLO)- Sở hữu 5 ha cà phê với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm nhưng ông Amyơm (SN 1964; làng Dơk Rơng, xã Glar, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) vẫn muốn mở rộng thêm diện tích nhằm nâng cao thu nhập cùng quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Chư Prông siết chặt quản lý vật tư nông nghiệp

Chư Prông siết chặt quản lý vật tư nông nghiệp

(GLO)- Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành các quy định pháp luật trong kinh doanh vật tư nông nghiệp, những năm qua, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã siết chặt quản lý kết hợp với tăng cường thanh-kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm.

Hiện nay toàn tỉnh có khoảng 6.387,3 ha sầu riêng. Ảnh: Lê Nam

Gia Lai phát triển được 33.250 ha cây ăn quả các loại

(GLO)- Thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai về phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2040, đến nay, toàn tỉnh có khoảng 33.250 ha cây ăn quả các loại (tăng 17.314 ha so với năm 2019).