Thành “tỷ phú nông dân” nhờ chuyển đổi cây trồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dám nghĩ, dám làm là những điều chúng tôi cảm nhận được về anh Đỗ Văn Chuyên (thôn Thống Nhất, xã Ia Peng, huyện Phú Thiện). Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cùng với sự siêng năng, chịu khó, anh đã trở thành tỷ phú trên chính mảnh đất do ông cha để lại.

Mạnh dạn thử nghiệm giống mì mới

Đến thôn Thống Nhất hỏi thăm anh “Chuyên mì” thì ai cũng biết. Với 15 ha đang canh tác, anh trở thành người trồng mì nhiều nhất tại địa phương. Anh được mọi người biết đến anh nhiều hơn bởi đã tiên phong đưa giống mì mới về trồng và nhân rộng tại địa phương.

Anh Chuyên chia sẻ: Năm 2022, trong một lần tình cờ tham quan hội thảo giống mì tại huyện Krông Pa, nhận thấy giống mì HN5 và HN1 có khả năng chống bệnh khảm lá 100%, cho năng suất cao nên anh đã đầu tư mua về trồng thử nghiệm trên diện tích 2 ha của gia đình. Chưa có kinh nghiệm, anh không ngần ngại xin số điện thoại, kết bạn với các chuyên gia nghiên cứu, lai tạo giống mì ở tỉnh Tây Ninh để học hỏi kỹ thuật canh tác và áp dụng vào thực tế.

Anh Đỗ Văn Chuyên (bìa trái) chia sẻ về hiệu quả trồng giống mì HN5 của gia đình. Ảnh: N.H

Anh Đỗ Văn Chuyên (bìa trái) chia sẻ về hiệu quả trồng giống mì HN5 của gia đình. Ảnh: N.H

Mặc dù trồng giáp ranh với diện tích mì cũ bị khảm lá nặng song 2 ha mì giống HN5 và HN1 mà anh Chuyên trồng thử nghiệm không hề bị ảnh hưởng. Cây mì phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương nên sinh trưởng, phát triển tốt, nhiều củ, to đều. Năng suất bình quân đạt 50 tấn/ha, tăng gấp đôi so với giống mì cũ.

Từ hiệu quả ban đầu mang lại, năm 2023, anh nhân rộng giống mì HN5 và HN1 ra 15 ha, đồng thời lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm cho toàn bộ diện tích.

“Vụ mì vừa qua gia đình tôi thu hoạch trên 700 tấn củ. Với giá 2.800-2.900 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi lãi 1,2 tỷ đồng, bình quân 80 triệu đồng/ha, cao hơn trước 50 triệu đồng/ha”-anh Chuyên phấn khởi cho hay.

Nhiều người cho rằng, giống mì mới HN5, HN1 có chữ bột thấp kéo theo giá bán thấp hơn mì truyền thống 2.000-3.000 đồng/kg, thương lái không ưa chuộng. Tuy nhiên, quan niệm này hoàn toàn sai lầm.

Theo anh Chuyên, dù trồng giống mì nào thì điều quan trọng nhất là phải hiểu đặc tính của nó. Nếu giống mì truyền thống có thời gian sinh trưởng ngắn, có thể thu hoạch sau 8-10 tháng thì giống mì HN5, HN1 có thời gian sinh trưởng 1 năm cho chữ bột tốt. Quan trọng là giống mì này không bị nhiễm bệnh khảm lá nên năng suất cao, đem lại hiệu quả kinh tế hơn hẳn.

Lãnh đạo huyện, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, Hội Nông dân huyện đã xuống tham quan mô hình mì của gia đình anh để đánh giá kết quả và có hướng nhân rộng trên địa bàn. Với những hộ muốn trồng thử nghiệm, anh Chuyên sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, góp phần hình thành vùng sản xuất mì tập trung, cho năng suất cao, đặc biệt là xóa sổ bệnh khảm lá đang hoành hành tại địa phương.

Đa dạng giống cây trồng

Cùng với 15 ha mì, hiện gia đình anh Chuyên đang canh tác 5 ha mía cùng 7 sào xoài Đài Loan. Diện tích đất đai liền bờ liền thửa tạo thuận lợi cho gia đình xuống giống, chăm sóc và thu hoạch các loại cây trồng. Với 7 sào xoài Đài Loan xuống giống từ năm 2020, anh còn trồng xen canh dứa với mật độ bình quân 2.000 gốc/sào nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích.

Quá trình chăm bón dứa, cây xoài cũng được cung cấp chất dinh dưỡng để phát triển. Tuy là hình thức xen canh, lấy ngắn nuôi dài song với giá bán 10.000 đồng/quả dứa, mỗi năm cây dứa mang lại cho gia đình thu nhập trên 100 triệu đồng.

Người dân tham quan, học hỏi mô hình sản xuất nông nghiệp của gia đình anh Đỗ Văn Chuyên. Ảnh: Vũ Chi
Người dân tham quan, học hỏi mô hình sản xuất nông nghiệp của gia đình anh Đỗ Văn Chuyên. Ảnh: Vũ Chi

Anh Chuyên chia sẻ: Dứa không tốn quá nhiều công chăm sóc cũng như bón phân, chủ yếu thời kỳ ra hoa phải tưới nước đầy đủ. Khi quả dứa hình thành nên phủ một lớp mỏng rơm rạ bên trên để tránh ánh nắng trực tiếp. Nhờ canh tác theo hướng hữu cơ, đảm bảo nông sản sạch nên trái cây của gia đình được thị trường ưa chuộng, chủ yếu là các chợ đầu mối của huyện Phú Thiện và thị xã Ayun Pa.

Với mô hình kinh tế tổng hợp, mỗi năm gia đình anh Chuyên có thu nhập trên 1,5 tỷ đồng, trở thành gương sản xuất, kinh doanh giỏi tại địa phương. Anh tâm niệm: “Gắn bó với đồng ruộng từ nhỏ, tôi may mắn được cha mẹ để lại cho diện tích đất sản xuất tương đối lớn nên thuận lợi trong canh tác.

Quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất ông cha đã tạo động lực giúp tôi triển khai các mô hình chuyển đổi cây trồng. Với tôi, quan trọng nhất quyết định thắng lợi của người nông dân là dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi. Nếu mình không thử nghiệm thì sẽ không bao giờ chạm tay đến thành công”.

Trao đổi với P.V, bà Đàm Kim Liên-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Peng-đánh giá: Anh Chuyên là một trong những tấm gương hội viên làm kinh tế giỏi điển hình của xã nói riêng và huyện Phú Thiện nói chung. Anh cũng nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm làm ăn với bà con trong xã, huyện và các địa phương lân cận khi họ đến tham quan, học hỏi.

Với tính cần cù, nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường, mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng phù hợp, áp dụng phương thức sản xuất tiến bộ, anh Chuyên đã có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, trở thành địa chỉ tin cậy để các hội viên nông dân tìm đến học hỏi làm theo.

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Từ những thực vật hoang dại, nhưng với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo, nhiều startup đã cho ra đời những sản phẩm bất ngờ. Không chỉ nâng tầm giá trị tài nguyên sẵn có, họ còn tạo cơ hội đưa sản phẩm vươn xa.

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.