Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.

Một cô gái Nam Bộ đặc sệt, ngôn ngữ văn chương của chị cũng đặc sệt Nam Bộ, nhưng chị đã biến cái Nam Bộ đặc sệt ấy thành đặc sản của riêng chị, để chị chu du không chỉ trong nước mà cả nước ngoài. Tôi vừa đi với chị sang Đài Loan dự mấy sự kiện văn học do bạn mời. Tới sân bay có người nhận ra chị đã đành, vào trường đại học quốc lập Thành Công ở Đài Nam cũng nhiều sinh viên vây lấy chị.

Ngạc nhiên là bởi, thơ chị cũng rất hay, chả thua gì văn xuôi, thậm chí nó còn khiến người đọc thăng hoa hơn, bởi thơ tưởng như bâng quơ và mảnh nhưng lại rất nặng suy ngẫm: “ta, kẻ khổ sai/cơn mưa tạnh từ ba năm trước/giờ vẫn ướt ngoi” hoặc như: “rồi thì tro nhận ra mình trắng đến ngần nào/trong lửa”. Cứ nhẹ tưng như thế, như chị đang không làm thơ, mà thủ thỉ với mình, có vẻ như bâng quơ mà bao nhân tình thế thái, bao chất chứa nhân sinh, cả những ắp đầy kinh nghiệm sống, những từng trải, những thăng trầm, những ký ức.

Đến với chị, người ta sẽ thấy không còn khoảng cách nhà văn tỉnh lẻ, bởi 48 năm qua, chị chỉ sống và viết ở Cà Mau, mảnh đất tận cùng của Tổ quốc, nơi chị đã xuất bản khoảng 25 tập sách. Chị cười khi tôi vặn “sao lại khoảng” rằng: “Không có thời gian để đếm”. Nhưng, khi tìm hiểu để giới thiệu chị, tôi nhẩm chị có hơn 30 tác phẩm đã xuất bản. Thì cũng phải, sách in tứ tung thế, chưa kể tái bản, nối bản.

Cũng như sách, không thể kể hết các giải thưởng, trong nước và quốc tế của chị. Năm 2019, chị có tên trong Top 50 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất tại Việt Nam 2018 do Tạp chí Forbes bình chọn.

Nhà thơ Văn Công Hùng chọn và giới thiệu.




ĐÊM QUA



bộ rễ đã chạm tới vùng nước lạ

ngân nga theo nhịp cánh chim ưng

mơ đêm qua không với tới

ngách hoa đơn độc mỗi hoa

Minh họa: Huyền Trang

Minh họa: Huyền Trang

ở chỗ loài dơi không bay tới được

ở nơi bướm đen không bay tới được

diệp lục mình tha hồ xanh

hoa mình tha hồ trắng



ở nơi tầm gửi không chịu nổi gió

ở nơi cúi nhìn không sao thấy cỏ

nghĩ rễ đã đi xa hơn cả hình dung

sau róc rách mình thành kẻ lạ



kìa ngách hoa đơn độc mỗi hoa.




DẤU VẾT



điện thoại nhận ra mình

bằng hoa tay mòn cuốc cày tuổi dại.



con nhận ra mình

trong mùi khói bếp đắng mồ hôi.



anh nhận ra mình

một sợi tóc xước mê lòng gối.



mình nhận ra mình

bởi những cơn mơ không cách chi nhớ nổi.



mặt trời nhận ra mình

một mặt trời mát dịu trong sông.



rồi thì tro nhận ra mình trắng đến ngần nào

trong lửa.




SỚM NHẸ



có mơ chẳng nhớ mơ gì

hơi thở mùa thu mờ sau gáy

ý nghĩ tựa sao rơi.

Minh họa: H.T

Minh họa: H.T

bên hiên chim sáo rỉa lông

rồi theo chiếc lồng bay mất

sớm nhẹ không xóa được dấu chim.



tình rón rén ra về

tóc mấy sợi gieo mình vào cỏ

cúc nhẹ ngực không sao cài kín gió.

Có thể bạn quan tâm

Thơ Hà Hoài Phương: Tự khúc

Thơ Hà Hoài Phương: Tự khúc

(GLO)- "Tự khúc" của tác giả Hà Hoài Phương là những chiêm nghiệm rất thực về cuộc đời. Sau cơn mưa trời lại sáng, không có điều gì tồn tại mãi, dù đó có là những niềm vui, hạnh phúc hay khổ đau...
Xếp sách nghệ thuật

Xếp sách nghệ thuật

(GLO)- Như một kiến trúc sư với nguyên vật liệu là sách, các nhân viên Thư viện tỉnh Gia Lai đã dày công sáng tạo và mô phỏng thành công nhiều công trình văn hóa-lịch sử đẹp mắt nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền về văn hóa đọc.
Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

(GLO)- Đất trời Tây Nguyên trong bung biêng thanh âm cồng chiêng, men cay rượu cần nồng nàn, vấn vít, nhịp xoang quyến luyến, tay nắm tay chẳng rời... được nhà thơ Ngô Thanh Vân một lần nữa nhắc đến trong bài thơ "Vào hội".

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...