Đất san lấp công trình xây dựng cơ bản: Cần giải pháp căn cơ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Tình trạng thiếu đất san lấp khiến nhiều công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh Gia Lai chậm tiến độ. Các ngành, địa phương đang triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ triển khai cũng như giải ngân vốn đầu tư công.

Thiếu đất san lấp

Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 4 giấy phép khai thác khoáng sản được cấp phép thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản với tổng trữ lượng được phê duyệt là 0,92 triệu m3; công suất khai thác 110.000 m3/năm; trữ lượng khai thác còn lại khoảng 0,85 triệu m3. Ngoài ra, cho phép khai thác khoáng sản đi kèm tại 5 mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường (đất san lấp) với tổng khối lượng 0,41 triệu m3, công suất khai thác là 70.000 m3/năm. Khối lượng đất san lấp như trên hiện không đủ cung cấp cho các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh dẫn đến một số công trình bị chậm tiến độ.

Ông Nguyễn Thanh Dương-Giám đốc Công ty TNHH Trung Kiên-cho hay: Lâu nay, doanh nghiệp tận dụng nguồn đất đắp ở công trình hoặc từ nguồn người dân cải tạo đất nông nghiệp để làm đất san lấp. Nhưng với khối lượng hàng ngàn mét khối trong thời gian tới đối với các công trình đang trong giai đoạn hoàn thiện mà thiếu nguồn đất khai thác thì ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công các công trình, dự án của doanh nghiệp. Còn mua đất ở những vị trí được cấp phép ở nơi khác thì sẽ đội giá thành, chi phí vận chuyển rất lớn, doanh nghiệp không kham nổi.

Tỉnh Gia Lai có nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đất san lấp cho các công trình xây dựng từ nguồn vốn ngân sách. Ảnh: Kim Linh

Tỉnh Gia Lai có nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đất san lấp cho các công trình xây dựng từ nguồn vốn ngân sách. Ảnh: Kim Linh

Báo cáo về một số vướng mắc, tồn tại của TP. Pleiku trong 9 tháng năm 2023, Chủ tịch UBND thành phố Đỗ Việt Hưng nêu rõ: Việc triển khai các dự án đầu tư công năm 2023 trên địa bàn thành phố còn chậm so với tiến độ đề ra. Trong đó, một số dự án thuộc thẩm quyền của thành phố cần xem xét điều chỉnh về thời gian, tiến độ. Khó khăn nhất hiện nay là vấn đề đất đắp phục vụ công trình. Mới đây, UBND tỉnh đã tổ chức họp bàn để tháo gỡ về vấn đề này. Tuy nhiên, vấn đề đất đắp đối với các dự án giao thông và hướng dẫn hiện nay của Sở TN-MT thì sẽ khó đáp ứng yêu cầu của thành phố.

“Ủy ban nhân dân TP. Pleiku đang xem xét đề xuất Sở TN-MT hướng dẫn thực hiện việc khai thác đất đắp đối với một số dự án trên địa bàn. Đối với việc khai thác trong dân với khối lượng 3.000 m3/hộ theo tinh thần hướng dẫn của tỉnh thì cũng sẽ không đáp ứng được yêu cầu đất đắp đối với trữ lượng cần thiết của thành phố”-Chủ tịch UBND TP. Pleiku cho biết.

Bên cạnh số lượng mỏ đất hạn chế thì việc cấp phép khai thác các mỏ đất san lấp cũng gặp nhiều khó khăn do thời gian làm thủ tục kéo dài dẫn đến không kịp thời bổ sung nguồn vật liệu đất san lấp, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án. Mặt khác, một số trường hợp đã trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhưng doanh nghiệp không thực hiện được việc thăm dò, khai thác do vướng công tác đền bù về đất đai.

Theo thống kê, tỉnh tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản 8 mỏ đất san lấp; đến nay đã phê duyệt trữ lượng khoáng sản đối với 4 mỏ với trữ lượng 2,32 triệu m3; đang tổ chức thẩm định phê duyệt trữ lượng 1 mỏ; làm thủ tục cấp giấy phép thăm dò 2 mỏ; 1 mỏ đã có đơn đề nghị trả lại quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá do không thỏa thuận, bồi thường giải phóng mặt bằng được đối với diện tích đất trong khu vực mỏ.

Số lượng mỏ đất san lấp hạn chế đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Kim Linh

Số lượng mỏ đất san lấp hạn chế đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Kim Linh

Cũng đề cập vấn đề này, ông Nguyễn Thành Thoại-Phó Trưởng phòng TN-MT huyện Đak Đoa-cho hay: Giai đoạn 2023-2025, huyện Đak Đoa có 1 công trình cần nguồn đất san lấp là đường liên xã với tổng chiều dài 28,865 km. Hiện nay, huyện không còn mỏ đất san lấp được cấp quyền khai thác. Ủy ban nhân dân huyện đã có văn bản đề nghị Sở TN-MT bổ sung 5 điểm mỏ đất san lấp với tổng diện tích mở rộng 46,31 ha. Tuy nhiên, việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản theo đúng quy định mất rất nhiều thời gian và hầu hết các điểm mỏ quy hoạch đều nằm trong diện tích đất trồng cây lâu năm của người dân gây khó khăn cho doanh nghiệp trúng đấu giá khi phải thỏa thuận để giải phóng mặt bằng.

Liên quan đến vấn đề thiếu đất san lấp gây ảnh hưởng đến tiến độ công trình, ông Phạm Công Thành-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-thông tin: Tính đến ngày 20-9, giá trị giải ngân vốn năm 2023 là 1.133,7 tỷ đồng, đạt 26,57% kế hoạch vốn đã giao. Trong đó, vốn ngân sách địa phương giải ngân đạt 36,94% kế hoạch, vốn ngân sách trung ương chỉ đạt 17,16% kế hoạch. Một số dự án sử dụng nguồn vốn phục hồi phát triển kinh tế thời gian thi công còn lại ngắn nhưng hiện còn nhiều vướng mắc về thủ tục mỏ đất, giá bồi thường đất hay các thủ tục pháp lý về đất đai; không có nguồn khai thác đất san lấp…

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về nguồn đất san lấp phục vụ các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn giải pháp và ban hành các văn bản chỉ đạo.

Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về nguồn vật liệu đất san lấp phục vụ các công trình thuộc chương trình mục tiêu quốc gia; xử lý trong trường hợp người dân cải tạo đất nông nghiệp có dôi dư mà có khả năng tận dụng phục vụ các công trình sử dụng vốn ngân sách; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ các mỏ đất san lấp bổ sung vào quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 để có cơ sở cấp phép, đảm bảo nguồn vật liệu san lấp phục vụ các công trình; thực hiện đồng thời với việc cập nhật số liệu tích hợp quy hoạch tỉnh.

Ông Trần Quốc Tuấn-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Pa-cho biết: Giai đoạn 2023-2025, huyện được đầu tư khoảng 90 tỷ đồng để triển khai các công trình xây dựng cơ bản. Để đảm bảo nguồn đất san lấp cho các công trình, huyện đã đăng ký 6 điểm mỏ đất san lấp để đưa vào quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với tổng diện tích khoảng 33,1 ha, tập trung tại các xã: Ia Ma Rơn, Ia Kdăm, Kim Tân, Chư Răng, Pờ Tó và Chư Mố.

Hiện nay, nhu cầu về đất san lấp phục vụ các công trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh là rất lớn. Ảnh: M.N

Hiện nay, nhu cầu về đất san lấp phục vụ các công trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh là rất lớn. Ảnh: M.N

Tương tự, ông Châu Văn Tuấn-Phó Trưởng phòng TN-MT thị xã Ayun Pa cũng cho hay: Thị xã hiện chỉ có công trình đường nội thị gồm 3 tuyến đường có nhu cầu về đất san lấp khoảng 88.920 m3. Trên địa bàn thị xã hiện có 1 mỏ đất san lấp được cấp phép khai thác với diện tích 2,65 ha, trữ lượng 262.307 m3, công suất khai thác 30.000 m3 đất san lấp nguyên khối/năm.

“Thời gian đến, tuyến số 2 và tuyến số 3 sẽ triển khai thi công. Với nguồn cung cấp vật liệu đất đắp hạn chế như trên sẽ gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công và giải ngân công trình. Do đó, UBND thị xã tiến hành rà soát và đề xuất UBND tỉnh bổ sung 5 mỏ đất san lấp vào Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tuy nhiên, Sở TN-MT cần sớm có hướng dẫn các địa phương giải pháp xử lý trong trường hợp người dân cải tạo đất nông nghiệp có dôi dư mà có khả năng tận dụng phục vụ các công trình để không lãng phí tài nguyên”-Phó Trưởng phòng TN-MT thị xã Ayun Pa kiến nghị

Trao đổi với P.V, ông Lương Thanh Bình-Phó Giám đốc Sở TN-MT-cho biết: Ngày 4-5-2023, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Công văn số 1034/UBND-CNXD về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về nguồn vật liệu đất san lấp phục vụ cho các công trình thuộc chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời, Sở cũng đề nghị UBND cấp huyện phối hợp với cơ quan Thuế để hướng dẫn đơn vị thi công các dự án đầu tư xây dựng tận dụng đất dôi dư trong quá trình cải tạo đất nông nghiệp của người dân và phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước theo quy định. Qua theo dõi đến nay, quá trình triển khai thực hiện thuận lợi, các huyện chưa có phát sinh vướng mắc.

Trong khi chờ Quy hoạch tỉnh được phê duyệt, Sở TN-MT đã tham mưu UBND tỉnh có văn bản gửi các Bộ: TN-MT, Công thương, Xây dựng để lấy ý kiến về việc bổ sung các khu vực mỏ đất san lấp vào Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 gồm 99 khu vực mỏ với tổng diện tích khoảng 568,67 ha, tổng khối lượng khoảng 39,038 triệu m3. Đồng thời, Sở có văn bản cập nhật các khu vực mỏ đất san lấp vào Bản đồ quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đến năm 2030 và Bản đồ kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đề nghị UBND tỉnh xem xét, chấp thuận.

Bên cạnh đó, Phó Giám đốc Sở TN-MT cũng thông tin: Sở đang lấy ý kiến của các sở, ngành liên quan để tham mưu UBND tỉnh báo cáo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến trước khi trình HĐND tỉnh thông qua danh mục các khu vực mỏ đất san lấp bổ sung vào Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 làm cơ sở để UBND tỉnh phê duyệt bổ sung Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29-11-2016 của Chính phủ.

Ngoài ra, trên cơ sở đề xuất của các địa phương, Sở TN-MT đã phối hợp với đơn vị tư vấn cập nhật bổ sung 542 khu vực mỏ (gồm: 5 mỏ đá ốp lát, 90 mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường, 86 mỏ cát xây dựng, 322 mỏ đất san lấp, 36 mỏ đất sét làm gạch, 3 mỏ than bùn) vào phương án bảo vệ, thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng tài nguyên tỉnh để tích hợp trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hiện nay, đơn vị tư vấn đang chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện Quy hoạch tỉnh, trong đó có phương án bảo vệ, thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản theo Biên bản phiên họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch ngày 25-8-2023.

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều con hẻm trên địa bàn phường Ngô Mây được đổ bê tông xi măng tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn. Ảnh: N.M

Phường Ngô Mây nỗ lực đạt chuẩn đô thị văn minh

(GLO)- Thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh và chỉ đạo của cấp trên, đến nay, phường Ngô Mây (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã đạt 6/9 tiêu chí, 49/52 tiêu chuẩn đô thị văn minh.