Kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2023):

Dương Nỗ - ngôi làng 'nuôi dưỡng' thời niên thiếu Chủ tịch Hồ Chí Minh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tối 16.5, làng Dương Nỗ, nơi ghi dấu những tháng năm Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình đã về sống và học tập từ năm 1898 - 1900, đã khai mạc lễ hội làng và tri ân, tưởng nhớ Bác Hồ.

TỰ HÀO ĐÃ "NUÔI DƯỠNG" BÁC HỒ

Làng Dương Nỗ (nay thuộc xã Phú Dương, TP.Huế, Thừa Thiên-Huế), cách trung tâm TP.Huế 7 km, tọa lạc bên dòng sông Phổ Lợi, hình thành trong quá trình nam tiến của người Việt. Đến thời vua Lê Thánh Tông (1471), ngôi đình đã được xây dựng bề thế, uy nghi bên dòng sông Phổ Lợi để tưởng nhớ tiền nhân. Đây cũng là làng quê hội đủ các yếu tố đặc trưng của ngôi làng truyền thống người Việt với "cây đa - bến nước - sân đình", đã trở thành cội nguồn lịch sử, truyền thống văn hóa nuôi dưỡng tâm hồn cao đẹp của bao thế hệ người VN.

Trong cái nắng đầu hè rực rỡ, người dân làng Dương Nỗ đang náo nức tổ chức lễ hội làng quê với niềm tự hào nơi Bác Hồ từng sinh sống thuở thiếu thời. Lễ hội làng Dương Nỗ lần đầu tiên được tổ chức nhân kỷ niệm 133 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2023).

Nhà lưu niệm thời niên thiếu Bác Hồ tại cụm di tích quốc gia đặc biệt làng Dương Nỗ. Ảnh: Tư liệu

Nhà lưu niệm thời niên thiếu Bác Hồ tại cụm di tích quốc gia đặc biệt làng Dương Nỗ. Ảnh: Tư liệu

Theo tư liệu lịch sử của Bảo tàng Hồ Chí Minh, năm 1898, ông Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh) được ông Nguyễn Sĩ Độ mời về nhà dạy học (tại làng Dương Nỗ). Hai anh em Bác là ông Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Sinh Cung cùng theo cha về đây, vừa để đỡ gánh nặng kinh tế gia đình cho bà Loan, và cũng để ông Sắc có điều kiện dạy học cho hai con đã đến tuổi học chữ.

Về cư ngụ nơi làng Dương Nỗ, gia đình ông Sắc được gia đình ông Độ giao cho ngôi nhà tranh ba gian hai chái làm chỗ ở cho ông và hai con, đồng thời cũng là nơi ông Sắc mở lớp dạy học. Tại ngôi nhà này, Nguyễn Sinh Cung và anh trai Nguyễn Sinh Khiêm được chính người thầy và cũng là người cha của mình khai tâm bằng những bài học chữ Hán đầu tiên. Chữ "Nhân", chữ "Nghĩa" như một lời răn dạy về đạo đức làm người. Hai năm theo học cùng cha tại đây, Nguyễn Sinh Cung tiếp thu rất nhanh, trở thành cậu học trò thông minh xuất sắc của lớp. Những kiến thức mà Người tiếp thu được trong thời gian này là nền móng vững chãi cho sự phát triển học vấn về sau.

Hơn 10 năm sống ở làng Dương Nỗ, một làng quê yên ả, thanh bình, giàu truyền thống văn hóa, Nguyễn Sinh Cung có điều kiện hòa nhập với đời sống cộng đồng làng xã, được đùm bọc bởi tình cảm yêu thương chan hòa, nhân hậu và bao dung của những người dân quê chất phác, thủy chung, được chứng kiến cuộc sống lao động cần cù của những người nông dân mộc mạc. Chính những điều này đã góp phần hình thành nên tình yêu quê hương đất nước sâu nặng của Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

Đình làng Dương Nỗ được Bộ VH-TT công nhận di tích văn hóa nghệ thuật cấp quốc gia ngày 23.12.1995. Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Dương Nỗ cùng hệ thống di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên-Huế được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt ngày 31.12.2020 (gồm 4 di tích đã được xếp hạng quốc gia trước đây là: Nhà lưu niệm Bác Hồ ở đường Mai Thúc Loan, Địa điểm Trường Quốc Học Huế, Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nỗ, và Đình làng Dương Nỗ).

HÌNH THÀNH LỄ HỘI HẰNG NĂM

Lễ hội làng Dương Nỗ được tổ chức từ ngày 16 - 18.5, tại cụm di tích quốc gia đặc biệt ở làng Dương Nỗ, với nhiều hoạt động như: nghi thức rước và dâng hoa sen lên Chủ tịch Hồ Chí Minh, hội đua trải truyền thống trên sông Phổ Lợi, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, ẩm thực… Lễ hội sẽ là hành trình trải nghiệm đặc biệt cho người dân và du khách về với di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần gắn kết giữa di tích với cộng đồng, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản, đồng thời gắn với phát triển du lịch.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết lễ hội làng Dương Nỗ lần đầu tiên tổ chức tại ngôi làng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về sống và học tập thời niên thiếu từ năm 1898 - 1900, trong tương lai đây sẽ là lễ hội được tổ chức thường niên vào đúng dịp sinh nhật Bác, ngày 19.5 để tưởng nhớ, tri ân những cống hiến, hy sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đất nước, với dân tộc, đồng thời là tình cảm thiết tha của nhân dân Thừa Thiên-Huế đối với Bác Hồ kính yêu.

"Nếu Nghệ An là quê hương, nơi Người được sinh ra và sống những năm tháng đầu đời, thì Thừa Thiên-Huế lại là nơi Người lớn lên, đi học, trưởng thành và tham gia các hoạt động yêu nước trong những năm đầu thế kỷ 20. Làng Dương Nỗ đã trở thành một địa danh không thể thiếu trong dấu ấn của Người tại Thừa Thiên-Huế, những tên đất, tên làng như Đình làng, Am bà, Bến Đá, ngôi nhà Người đã sống và bắt đầu đi học đã khắc sâu trong tâm tưởng của Người lúc sinh thời, ngày nay trở thành những di sản vô giá của nhân dân xứ Huế", ông Phan Thanh Hải cho biết.

Lễ hội làng Dương Nỗ khai mạc tối 16.5, với chương trình nghệ thuật mang chủ đề Dương Nỗ - Hành trình tháng Năm - Hồ Chí Minh - Sáng mãi niềm tin với các tiết mục nghệ thuật hát, múa ca ngợi Đảng, Bác Hồ, niềm tin quê hương đất nước phát triển giàu đẹp do các diễn viên, nghệ sĩ các đoàn nghệ thuật tại Huế thực hiện.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.
Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.