Đào tạo nghề theo đơn đặt hàng: Đảm bảo lợi ích 3 bên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp để bổ sung, điều chỉnh nội dung chương trình và phương pháp đào tạo nhằm giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp là cách mà các cơ sở đào tạo trong tỉnh Gia Lai lựa chọn hiện nay.

3 bên cùng có lợi

Phương thức đào tạo nghề theo đơn đặt hàng, hợp đồng nguyên tắc góp phần giải quyết bài toán hiệu quả 3 bên. Về phía đơn vị đào tạo là đáp ứng cam kết người học sau khi tốt nghiệp có ngay việc làm và đào tạo đúng định hướng, yêu cầu của doanh nghiệp; phía doanh nghiệp không phải lo bài toán thiếu nguồn lao động chất lượng hay phải đào tạo lại; còn sinh viên chắc chắn có được cơ hội tuyển dụng phù hợp với ngành nghề đã học.

Với ý nghĩa đó, thời gian qua, Trường Cao đẳng Gia Lai thường xuyên thiết lập mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp, đối tác trong đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực theo hợp đồng nguyên tắc. Nhà trường có đội ngũ giáo viên nhiệt tình, năng động, thường xuyên tư vấn, đào tạo, tiếp xúc doanh nghiệp để tìm đầu ra cho sinh viên.

Phân hiệu Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai ký kết hợp đồng nguyên tắc về đào tạo nguồn nhân lực cho Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai. Ảnh: Đinh Yến

Phân hiệu Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai ký kết hợp đồng nguyên tắc về đào tạo nguồn nhân lực cho Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai. Ảnh: Đinh Yến

Theo ông Phạm Anh Tiến-Trưởng phòng Quản trị-Vật tư (Trường Cao đẳng Gia Lai), hiện tại, một số doanh nghiệp như Công ty cổ phần Nông nghiệp Trường Hải, Công ty cổ phần Chăn nuôi bò thịt-bò sữa Cao Nguyên, Công ty cổ phần Lilama 18, Công ty TNHH ECCO Việt Nam, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, Công ty cổ phần Dược phẩm FPT Long Châu, Công ty Điện lực Gia Lai… đã ký kết hợp đồng nguyên tắc với nhà trường, hỗ trợ trong đào tạo và nhận sinh viên thực tập, làm việc sau khi tốt nghiệp. Chính vì vậy, sau mỗi khóa đào tạo, 80-90% người học từ trường đều có việc làm.

Là doanh nghiệp liên kết đào tạo nghề nhiều năm qua với Trường Cao đẳng Gia Lai, ông Lưu Long Thành-phụ trách nhân sự Công ty cổ phần Chăn nuôi bò thịt-bò sữa Cao Nguyên-cho biết: Hàng năm, Công ty đều có nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề và luôn ưu tiên lực lượng lao động tại địa phương. Công ty và Trường Cao đẳng Gia Lai cùng nhau trao đổi, tạo điều kiện để sinh viên đến thực tập và vào làm việc tại đơn vị sau khi tốt nghiệp.

Ngoài ra, Công ty còn hợp đồng với nhà trường đào tạo nâng cao kỹ năng nghề, cập nhật kiến thức để nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động. “Tôi đánh giá cao việc đào tạo nhân lực gắn với nhu cầu thị trường lao động tại chỗ. Bởi nó không chỉ giúp các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn dễ dàng tuyển dụng lao động mà còn góp phần giải quyết việc làm cho sinh viên khi ra trường”-ông Thành cho hay.

Phân hiệu Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai đang đào tạo 2 ngành nghề chính là chăn nuôi và trồng trọt. Phân hiệu cũng được nhiều doanh nghiệp trong tỉnh tiếp nhận sinh viên thực tập, tuyển dụng sau khi tốt nghiệp, đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên, hỗ trợ tham quan học tập cho cán bộ, giảng viên, sinh viên; hỗ trợ bồi dưỡng thực tế cho giáo viên trẻ…

Tiến sĩ Trần Cao Bảo-Phó Giám đốc Phân hiệu-thông tin: “Nhờ các hoạt động phối hợp mà nhà trường có thêm nguồn lực nghiên cứu khoa học và hỗ trợ sinh viên. Ngược lại, các doanh nghiệp có cơ hội được giới thiệu, quảng bá hình ảnh và thương hiệu; tiếp cận và tuyển dụng nhân lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu hoạt động”.

Đào tạo gắn với nhu cầu doanh nghiệp

Với việc học nghề theo đơn đặt hàng, nhiều lao động tự tin đăng ký học nghề phù hợp với bản thân, có việc làm ngay sau khi ra trường.

Em Nguyễn Đức Hùng (thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa) cho biết: “Sau khi tốt nghiệp THPT, em chọn học nghề điện công nghiệp tại Trường Cao đẳng Gia Lai. Học nghề theo đơn đặt hàng có thể vừa làm vừa học, sớm kiếm được tiền phụ giúp gia đình. Hơn thế, em không còn lo lắng sau khi tốt nghiệp ra trường. Hiện tại, em đang học năm 3 nên phần lớn thời gian thực tập tại Công ty cổ phần Lilama 18. Thời gian thực tập là cơ hội cho em trải nghiệm với nghề. Tháng thứ 2 thực tập, do em chịu khó học hỏi, làm việc nên được Công ty trả thù lao hơn 10 triệu đồng”.

Giáo viên Trường Cao đẳng Gia Lai hướng dẫn sinh viên thực hành nghề hàn. Ảnh: Đinh Yến

Giáo viên Trường Cao đẳng Gia Lai hướng dẫn sinh viên thực hành nghề hàn. Ảnh: Đinh Yến

Thạc sĩ Phạm Văn Điều-Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Gia Lai-thông tin: Với phương châm đào tạo chất lượng gắn với giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường, nhiều năm qua, nhà trường luôn quan tâm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Nhờ đó, hầu hết sinh viên đều tìm được việc làm, thu nhập ổn định. Trường đang tập trung đào tạo các ngành mà doanh nghiệp có nhu cầu như: hàn, điện công nghiệp, điện tử công nghiệp, cắt gọt kim loại, vận hành thiết bị chế biến dầu khí, phân tích các sản phẩm lọc dầu, công nghiệp chế biến vỏ tàu thủy…

Với chủ trương xem doanh nghiệp là nơi sử dụng sản phẩm đào tạo và là khách hàng quan trọng trong việc đánh giá chất lượng và hiệu quả đào tạo, Phân hiệu Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai cũng luôn coi trọng việc hình thành và phát triển mối quan hệ hợp tác nhiều mặt với các doanh nghiệp.

Hàng năm, Phân hiệu tổ chức các chương trình tư vấn, tiếp xúc với doanh nghiệp theo từng nhóm nghề; tham gia hội chợ việc làm và mời doanh nghiệp tuyển dụng trực tiếp tại trường. Theo thống kê, 75% học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm với mức lương khởi điểm 3-6 triệu đồng/người/tháng. Vừa qua, Phân hiệu đã ký kết đào tạo với các đơn vị, doanh nghiệp gần 1.000 vị trí việc làm. Hiện tại, nhu cầu tuyển dụng, hợp tác đào tạo của các doanh nghiệp rất lớn, trong khi lao động mới chỉ đáp ứng được khoảng 50%.

Có thể bạn quan tâm

Chư Pưh phát huy hiệu quả nguồn vốn chính sách

Chư Pưh phát huy hiệu quả nguồn vốn chính sách

(GLO)-

Những năm qua, nhờ phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội, nhiều hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) đã từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo bền vững.