Tiêm chủng mở rộng đạt thấp: Thực tế đáng lo ngại ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Năm 2022, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi trên địa bàn tỉnh Gia Lai chỉ đạt 64%, thấp hơn cùng kỳ năm trước và thấp hơn yêu cầu (đạt 95%) của chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR). Đây là thực tế đáng lo ngại và gia tăng nguy cơ các loại dịch bệnh hiện hữu, trực tiếp là trong năm 2023.

Năm 2022, số trẻ tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản mũi 2 và mũi 3 đạt 80%, số trẻ tiêm vắc xin sởi mũi 2 đạt 65% và tỷ lệ tiêm vắc xin DPT mũi 4 (bạch hầu, ho gà, uốn ván) chỉ đạt 45%. Theo ông Hồ Ngọc Gia-Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tỷ lệ trẻ tiêm vắc xin sởi đạt thấp là do vắc xin sởi bị gián đoạn từ tháng 8 đến tháng 11-2022; đến ngày 23-11-2022, tỉnh mới được cấp thêm 5.000 liều, số vắc xin này cũng không đủ để tiêm chủng thường xuyên và tiêm vét cho trẻ.

Nhân viên Trạm Y tế xã Đak Sơ Mei (huyện Đak Đoa) tiêm chủng cho trẻ. Ảnh: Như Nguyện

Nhân viên Trạm Y tế xã Đak Sơ Mei (huyện Đak Đoa) tiêm chủng cho trẻ. Ảnh: Như Nguyện

Bên cạnh đó, năm 2022, vắc xin do Trung ương cấp phát cho chương trình TCMR bị thiếu so với nhu cầu. Các loại vắc xin bị thiếu hụt bắt đầu từ tháng 7-2022 đến tháng 12-2022. Một số loại vắc xin như sởi và DPT được cấp bổ sung vào tháng 12 nhưng số lượng không đủ để triển khai tiêm vét trên địa bàn tỉnh. Dịch Covid-19 cũng gây nhiều khó khăn cho chương trình TCMR, do trạm y tế cấp xã tập trung triển khai tiêm phòng vắc xin Covid-19 diện rộng cho toàn dân, tiêm mũi nhắc, mũi bổ sung và tiêm mới cho những đối tượng chưa được tiêm vắc xin trước đó. Một số phụ huynh có tâm lý e ngại khi đưa con em đi tiêm chủng hoặc lùi thời gian tiêm chủng dẫn đến việc trẻ thiếu các mũi tiêm vắc xin cơ bản, bỏ mũi tiêm hoặc thời gian tiêm chủng kéo dài.

Ông Phạm Thanh Hưng-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Pleiku-thông tin: Năm 2022, toàn thành phố có 1.784/3.090 trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ, đạt tỷ lệ 57,7%. Số trẻ 18 tháng tuổi được tiêm vắc xin sởi mũi 2 đạt tỷ lệ 62,1%; trẻ 18 tháng tuổi được tiêm DPT mũi 4 và SII (vắc xin 5 trong 1: ho gà, uốn ván, bạch hầu, viêm gan B, viêm phổi do Hib và viêm màng não mủ do Hib) mũi 4 chỉ đạt 38,02%. Số trẻ tiêm viêm não Nhật Bản mũi 1 đạt 72,1%; mũi 2 đạt 69,7% và mũi 3 đạt 63,8%.

“Nguyên nhân tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi trên địa bàn thành phố đạt thấp là do thiếu vắc xin sởi, sởi-rubella, DPT trong 5 tháng; một số phụ huynh ngại không muốn đưa con đi tiêm chủng. Cùng với đó, một số cơ sở tiêm chủng dịch vụ cập nhật mũi tiêm dịch vụ lên hệ thống không đầy đủ dẫn đến các trạm y tế không cập nhật được các mũi trẻ đã tiêm cũng là khó khăn trong triển khai chương trình TCMR hiện nay”-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố cho biết.

Tỷ lệ tiêm chủng đạt thấp làm gia tăng nguy cơ dịch bệnh bùng phát. Ảnh: Như Nguyện

Tỷ lệ tiêm chủng đạt thấp làm gia tăng nguy cơ dịch bệnh bùng phát. Ảnh: Như Nguyện

Nhằm đảm bảo tiêm chủng đầy đủ cho trẻ trong chương trình TCMR, cán bộ, nhân viên y tế phường Hội Thương (TP. Pleiku) thu thập số điện thoại của phụ huynh để khi có vắc xin cấp về là thông báo đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch-Trạm trưởng Trạm Y tế phường Hội Thương-chia sẻ: Năm 2022 thiếu nhiều nhất là vắc xin sởi-rubella và vắc xin DPT. Năm qua, phường chỉ có 53/120 trẻ được tiêm vắc xin sởi-rubella và 25/120 trẻ được tiêm vắc xin DPT mũi 4.

“Chúng tôi lấy số điện thoại của phụ huynh để khi có vắc xin cấp về là thông báo gia đình đưa các cháu đến tiêm chủng hoặc khuyến cáo gia đình có điều kiện có thể cho trẻ tiêm vắc xin dịch vụ để đảm bảo phòng bệnh”-bác sĩ Thạch nói.

Còn bác sĩ Nguyễn Văn Chính-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đak Đoa thì cho hay: Năm 2022, tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ trong chương trình TCMR đạt 92%, giảm 3,8% so với năm 2021. “Nhiều gia đình do kinh tế khó khăn nên không có điều kiện đưa con đi tiêm chủng dịch vụ. Điều đáng lo ngại là việc không tiêm chủng đầy đủ sẽ không củng cố được hiệu quả miễn dịch của vắc xin và nguy cơ bùng phát dịch bệnh”-bác sĩ Chính nhấn mạnh.

Để chủ động nguồn vắc xin cho công tác TCMR, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cung ứng đầy đủ vắc xin để tỉnh triển khai tiêm bù cho các đối tượng năm 2022 và chương trình tiêm chủng theo chỉ tiêu trong năm 2023.

Có thể bạn quan tâm

Tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc do ăn côn trùng

Tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc do ăn côn trùng

(GLO)- Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Gia Lai đề nghị trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng các loại nhộng, ấu trùng, côn trùng lạ, đã bị chết hoặc có hình dạng, màu sắc khác lạ với tự nhiên để chế biến thành thức ăn.

Đông đảo người dân thị xã Ayun Pa tham gia hiến máu tình nguyện. Ảnh: Vũ Chi

Ayun Pa tiếp nhận 224 đơn vị máu an toàn

(GLO)- Sáng 12-4, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện thị xã Ayun Pa phối hợp với Khoa Huyết học và Truyền máu-Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai tổ chức lễ phát động hiến máu tình nguyện đợt 1 năm 2024.