Những con đường ngoại ô

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Pleiku nhỏ như lòng bàn tay. Những du khách đặt chân đến Phố núi sau tầm một giờ đồng hồ vòng vèo khám phá nội thành đều “chốt sổ” lại như vậy, như câu thơ của Vũ Hữu Định “đi dăm phút đã về chốn cũ”.
Quả thật là Pleiku không rộng, lại nhấp nhô lên xuống theo những cung đường. Sự nhấp nhô này tạo cho Pleiku dáng vẻ trữ tình. Đặc biệt, khi phố lên đèn, những xuống lên theo địa hình vô hình trung đã tạc vào đêm những đoạn tầng nhấp nháy lung linh theo ánh đèn màu. Vì vậy, phố đêm đã phần nào neo vào lòng người sự duyên dáng, nên thơ.
Đó là nét đẹp dịu dàng trong lòng Pleiku nhỏ. Để khám phá một vùng đất mới, đâu chỉ dừng lại ở nhộn nhịp phố phường. Pleiku không là ngoại lệ. Những con đường ngoại ô cũng rất đằm thắm như lời dẫn dụ. Mà hầu như ngả đường nào cũng dẫn đến những chốn hẹn hò với thiên nhiên thật hấp dẫn. Dễ dàng nhận thấy một nét chung của các ngả đường là vào mùa khô thì rờm rợp dã quỳ vàng. Đến mùa xuyến chi, bạt ngàn hai bên đường là những bông hoa tí ti cánh trắng. Mùa cao su rụng lá, những cành cây khẳng khiu vươn mình trong nắng gió cao nguyên cũng thu hút được bao bạn trẻ tìm đến để lưu lại khoảnh khắc trong album của mình. Những nẻo đường hầu như hướng nào cũng đưa ta đến những con thác, nét đặc trưng không thể thiếu của vùng rừng núi. Gần thì có thể nghĩ đến thác Phú Cường, Ba tầng, Công chúa, Xung Khoeng, Lệ Kim, Chín tầng; xa hơn là thác Đak Rong, thác 50, thác 95… Đây là những điểm đến lý tưởng cho ai lỡ đem lòng say đắm với thiên nhiên rừng núi. Bởi đa phần những con thác ở đây vẫn giữ được sự hoang sơ vốn có, chưa bị can thiệp bởi bàn tay con người.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Những con đường ngoại ô đâu chỉ dẫn đến với thiên nhiên mà còn đưa ta về buôn làng, nương rẫy, về cuộc sống còn mang dáng dấp quê kiểng của người dân ở ngoại thành. Mỗi cung đường về làng đều gợi đến một cuộc sống yên bình. Đó là cái yên bình tĩnh lặng khi được đi giữa bạt ngàn cà phê trổ bông trắng muốt với hương thơm nhẹ nhàng, thanh khiết. Hoặc sự hân hoan thích thú khi cây kết trái chín đỏ cành hứa hẹn mùa bội thu. Những con đường dẫn về thung xa bươn qua bình nguyên bằng phẳng dưới chân đồi mát mắt màu xanh lúa mới đương thời con gái phả hương đồng ruộng. Cũng thật dịu mắt khi mùa về nắng vàng mật ong trên thảm lúa chín cúi đầu đung đưa theo gió. Mùi lúa chín là mùi của hồn cốt quê hương.
Ngoại ô Pleiku còn là cả những cánh đồng hoa màu xanh mướt mắt. Màu xanh mỡ màng rập rờn của lớp lớp lá non giữa nền đất đỏ bazan khiến lòng người dịu dàng quá đỗi. Những trảng xanh đỏ, tím, vàng đan xen của rau màu đang chờ thu hoạch gợi lên nét lấp lánh trong ánh mắt, nụ cười của người nông dân chân lấm tay bùn. Công việc nhà nông luôn tay luôn chân bán mặt cho đất, bán lưng cho trời còn điều gì trông chờ hơn những thành quả của tháng ngày vun bón tưới tắm. Chiều ngoại ô gió mát, nếu có dịp đi ngang những thửa rau này, chắc ai cũng ao ước về mảnh vườn ở phố, để có thể tự tay gieo hạt tưới cây đợi ngày mơn mởn non tơ. Đêm ngoại ô rười rượi ánh vàng giữa mênh mang bát ngát đồng bãi, sẽ khó mà kìm lòng trước sự bình yên thôn dã. Để rồi lại có những giấc mơ về một căn nhà nhỏ giữa khoảng vườn đầy cây trái hoa màu.
Lối về ngoại ô đôi khi là những con đường bụi đỏ mịt mờ dẫn về làng của người bản địa. Chiều buông, trẻ con cõng nhau ra đứng ngó nghiêng cười đùa làm rộn vui cả một khoảnh đất rộng rãi ven đường. Vẫn còn đâu đó sót lại hình ảnh những người đàn bà Jrai, Bahnar gùi những bầu nước từ giọt về nhà. Dẫu biết bây giờ hình ảnh đó rất hiếm hoi khi điện đã kéo về từng làng xã xa xôi, nước cũng dẫn về tận đầu làng cuối ngõ. Bởi vậy, bất chợt gặp hình ảnh này, người nuối hoài quá khứ vẫn thấy lòng dâng lên một niềm vui, xen lẫn thoáng buồn tiếc mơ hồ.
Những con đường ngoại ô cũng đẹp đẽ gọi mời dẫu mang dáng vẻ không như đường phố. Chẳng ánh đèn màu sặc sỡ, có những con đường tối mịt tối mờ. Có những con đường đơn sắc ánh điện mờ mờ trong đêm vắng gợi lên sự cô độc đến ngại ngùng. Nhưng khi ánh sáng đầu ngày ùa đến, trên những cung đường lại rộn rã tiếng xe. Mỗi chuyến xe chở bao điều lo toan thường nhật. Và những vòng xe bon bon ấy lại lăn đến nơi cuộc sống con người hiện hữu, giữa bạt ngàn cây xanh và nắng gió cao nguyên.
NGÔ THANH VÂN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.