Miên man phượng vĩ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi yêu hoa phượng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. Tuổi học trò vô tư nhưng không khỏi bồi hồi xuyến xao khi ngắm phượng bừng đỏ nơi góc sân trường. Để rồi khi trưởng thành, tôi lại kết duyên với phấn trắng bảng đen, với màu áo trắng học trò cùng biết bao mùa phượng cháy.
Hàng năm, mỗi mùa phượng nở, tôi lại thỏa thuê ngắm hoa mà bâng khuâng ước vọng. Hàng phượng vĩ này do chính tay chúng tôi trồng từ 20 năm trước, là ranh giới giữa trường tiểu học và THCS nơi tôi công tác. Trong khi một số cây khác ở vị trí trống trải hơn đã bị bật gốc bởi gió bão thì hàng phượng lại được che chắn bởi dãy phòng học 2 tầng nên cây cứ âm thầm mà lớn, chờ ngày kết nụ đơm bông.
Mấy tháng mùa đông, hàng phượng rụng lá, trơ ra những cành khẳng khiu. Sang mùa xuân, cây cũng chỉ một màu nâu xám, trên cành lủng lẳng những quả già nua. Rồi đầu cành lần lượt nứt mầm chúm chím những chồi lá non tơ. Bẵng đi một thời gian, khi những cơn nắng trở nên gắt gao hơn, không khí hầm nóng, ngột ngạt báo hiệu mưa đầu mùa. Giữa lúc ấy, phượng bỗng hé một chùm lửa đỏ trên cành khiến tôi lần nào cũng bất ngờ mà thốt lên: Hè về!
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Mùa phượng nở cũng là mùa bướm bay rợp trời. Từng đàn bướm kéo nhau qua vườn điều quả vàng chín mọng rồi quây quần vờn quanh tán phượng. Tôi choáng ngợp trước đàn bướm rập rờn bên những chùm hoa đỏ. Sự hòa quyện tuyệt vời của sắc màu ấy là món quà của thiên nhiên ban tặng cho cô trò chúng tôi làm vơi bớt đi bộn bề khi năm học kết thúc.
Phượng gợi lên bao nỗi niềm trong lòng những cô cậu học trò cuối cấp. Nhiều em học sinh cũng bồn chồn nép dưới vòm cây phượng mà lưu lại những khoảnh khắc đẹp của tuổi mộng mơ. Nhìn các em, bất giác lòng tôi nhớ về thời hoa niên đầy dịu ngọt. Ngày ấy, đám con gái chúng tôi ngắt cánh hoa rơi ép thành cánh bướm rồi tặng nhau. Theo thời gian, cánh phượng xưa đã nhạt phai sắc thắm nhưng đó mãi là kỷ niệm đẹp trong tôi.
Cơn mưa chiều nay chợt ướt nhèm chùm hoa thắm đỏ. Phượng run rẩy hứng trọn những hạt mưa rơi rồi chìm vào đêm tối. Nhưng chỉ sáng mai thôi, khi ánh bình minh chào ngày mới, phượng sẽ lại kiêu hãnh vươn mình khoe sắc. Sau vài cơn mưa đầu mùa, phượng bắt đầu ra lá non, chả mấy chốc đã xanh um cả khoảng trời. Lúc này, sân trường đã vắng bóng đám học trò tinh nghịch. Dưới gốc cây, hoa rụng lớp lớp, kết thành thảm dày. Và theo thời gian, màu hoa đỏ ấy cứ miên man chảy mãi trong tôi với bao nỗi niềm.
MAI HƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.