WHO tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp toàn cầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 23-7 cho biết đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ ở hơn 70 quốc gia là “bất thường” và được xem là tình trạng khẩn cấp toàn cầu.

Tuyên bố mới của WHO có thể thúc đẩy đầu tư hơn nữa vào việc điều trị căn bệnh hiếm gặp và làm trầm trọng thêm cuộc cạnh tranh về vắc-xin vốn đang khan hiếm.

Trong cuộc họp báo hôm 23-7, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ tiếp tục gia tăng và hiện đã có hơn 16.000 trường hợp mắc bệnh được báo cáo từ 75 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 5 trường hợp tử vong.

Tổng giám đốc WHO mô tả bệnh đậu mùa khỉ là một mối đe dọa sức khỏe đang ngày càng gia tăng. Ông kêu gọi các chính phủ trên toàn thế giới tăng cường giám sát, truy vết, xét nghiệm và đảm bảo rằng những người có nguy cơ cao được tiếp cận với vắc-xin và thuốc kháng virus.

Mặc dù bệnh đậu mùa khỉ đã xuất hiện tại nhiều nơi ở Trung và Tây Phi trong nhiều thập kỷ nhưng chưa gây ra các đợt bùng phát lớn bên ngoài châu Phi cho đến tháng 5 năm nay, thời điểm các nhà chức trách phát hiện hàng chục ổ dịch ở châu Âu, Bắc Mỹ và các nơi khác.


 

Một người tiêm vắc-xin ngừa bệnh đậu mùa khỉ tại Trung tâm Y tế Northwell, TP New York - Mỹ ngày 15-7 Ảnh: Reuters
Một người tiêm vắc-xin ngừa bệnh đậu mùa khỉ tại Trung tâm Y tế Northwell, TP New York - Mỹ ngày 15-7 Ảnh: Reuters



Việc ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu đồng nghĩa với việc đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ là một "tình trạng bất thường" có thể lan sang nhiều quốc gia khác và đòi hỏi hành động phản ứng chung trên toàn cầu.

Theo hãng tin AP, động thái của WHO hôm 23-7 chủ yếu đóng vai trò như lời kêu gọi thu hút thêm các nguồn lực toàn cầu và sự quan tâm của thế giới về một đợt bùng phát dịch khác. Hồi tháng trước, ủy ban chuyên gia của WHO cho biết đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ trên toàn thế giới chưa đến mức phải ban bố tình trạng khẩn cấp nhưng ủy ban này đã triệu tập cuộc họp trong tuần này để đánh giá lại tình hình.

Điều phối viên ứng phó Covid-19 của Nhà Trắng, ông Ashish Jha, hôm 22-7 cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden đang cân nhắc ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng nhằm đối phó với đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ. Trong tuần này, ít nhất 50 hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ đã thúc giục một bước đi như vậy trong lá thư gửi Tổng thống Biden.

Tính đến ngày 22-7, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ ước tính nước này hiện có khoảng 2.891 ca bệnh đậu mùa khỉ. Cũng theo CDC Mỹ, nhu cầu về vắc-xin ngừa bệnh đậu mùa khỉ đang vượt xa nguồn cung sẵn có. Trước mắt, Washington đã đặt thêm 5 triệu liều, dự kiến bàn giao vào giữa năm 2023.

Trong diễn biến đáng lo, Mỹ hôm 22-7 ghi nhận 2 trường hợp mắc đậu mùa khỉ đầu tiên ở trẻ em. CDC tuyên bố 2 ca bệnh này không liên quan đến nhau và có khả năng là do lây truyền trong gia đình. Hai bệnh nhi đang được điều trị và có sức khỏe tốt.

Cùng ngày, nhà chức trách Hà Lan cho biết một trẻ 10 tuổi mắc bệnh đậu mùa khỉ. Bệnh nhân này mắc bệnh sau khi trở về Hà Lan từ Thổ Nhĩ Kỳ và đã bình phục hoàn toàn sau 1 tuần.


Thái Lan gần đây xác nhận ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên - một thanh niên Nigeria 27 tuổi tại đảo Phuket.

Tuy nhiên, người này đã rời khách sạn sau khi hay tin mình mắc bệnh hôm 18-7. Đến chiều 23-7, cảnh sát Campuchia đã bắt giữ người này tại một khu chợ ở thủ đô Phnom Penh và giao cho Bộ Y tế Campuchia. Vì là ca mắc đầu tiên được ghi nhận ở Campuchia nên giới chức nước này đã khẩn trương truy vết những người tiếp xúc gần với thanh niên này.

Tổng giám đốc Cục Kiểm soát Dịch bệnh Opas Karnkawinpong cho biết người đàn ông này được cho là đã sang Campuchia hôm 22-7 sau khi tín hiệu điện thoại di động của anh ta được phát hiện ở một tỉnh biên giới của Thái Lan.


Theo Xuân Mai - Phạm Nghĩa (NLĐO)

 

Có thể bạn quan tâm

Lợi ích của lá tía tô

Lợi ích của lá tía tô

(GLO)- Lá tía tô không chỉ được dùng làm gia vị mà còn là một vị thuốc bắc tương đối phổ biến, có giá trị dinh dưỡng và giá trị y học cao. Hơn nữa, đối với cơ thể con người, nếu ăn tía tô thường xuyên, đúng cách sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho cơ thể.

Bác sĩ Phạm Tỵ: 10 lần được nhận bằng lao động sáng tạo

Bác sĩ Phạm Tỵ: 10 lần được nhận bằng lao động sáng tạo

(GLO)- Với tình yêu nghề và tinh thần lao động sáng tạo, Tiến sĩ-bác sĩ Phạm Tỵ-Trưởng khoa Phẫu thuật thần kinh cột sống (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) được Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam trao tặng Bằng Lao động sáng tạo năm 2024. Đây là Bằng Lao động sáng tạo thứ 10 của bác sĩ Phạm Tỵ.
Đề xuất thanh toán bảo hiểm y tế cho điều trị vô sinh, hiếm muộn

Đề xuất thanh toán bảo hiểm y tế cho điều trị vô sinh, hiếm muộn

(GLO)- Tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế 2024 đang được lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, một số chuyên gia đề xuất việc thanh toán bảo hiểm y tế cho điều trị vô sinh, hiếm muộn bởi đây là gánh nặng, áp lực kinh tế mà nhiều gia đình Việt gặp phải.