Chuyện cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Khi thảnh thơi, việc đầu tiên nghĩ đến là gì?-Cà phê. Khi bận mải, việc đầu tiên nghĩ đến là gì?-Cà phê”. Đó là dòng trạng thái của một người bạn trên trang Facebook cá nhân, đem đến cho tôi nguồn cảm hứng để viết thêm gì đó quanh chuyện cà phê, dù đã nhiều lần chấp bút về đề tài hấp dẫn này.
Chưa có thống kê chính xác về số lượng người uống cà phê ở Việt Nam, nhưng con số này chắc chắn không hề nhỏ. Chẳng biết từ bao giờ, mỗi khi người ta gặp nhau đầu ngày, câu thăm hỏi đã thành quen là “cà phê chưa?”, như thể nạp một lượng caffeine mỗi sáng là thủ tục cần thiết bắt đầu thường nhật.
Cũng chưa ai xác định loại thức uống này là chất gây nghiện, nhưng cà phê luôn làm người ta phải nhớ khi thiếu vắng. Tất nhiên, tác dụng kích thích của caffeine vào não bộ và hệ thần kinh trung ương để tạo ra sự tỉnh táo, sảng khoái và chống mệt mỏi là có thật, nó mang dược tính hơn là chất gây nghiện. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) coi caffeine vừa là phụ gia thực phẩm vừa là thuốc.
Một thời, có loại cà phê mà không phải là... cà phê hoành hành kinh khủng lắm, nhất là vỉa hè hoặc quán bình dân, đến nỗi, nhiều nhãn hiệu phải cam kết “cà phê được chế biến từ cà phê thật”. Mỗi sáng, cữ trưa, cữ chiều, thứ “xây chừng, bạc xỉu” giả ấy vẫn được người ta dung nạp thoải mái và luôn tin rằng họ đang uống cà phê. Đây chính là thói quen theo thời gian mà thành tập quán. Ở đây không hề tồn tại cái sự ghiền caffeine (có chút nào đâu mà gây nghiện), có chăng thì chỉ chút mùi từ hương liệu tổng hợp.
Thói quen ấy càng nặng nề với những người thật sự uống cà phê với hương vị thực chính chủ của Arabica, Robusta... Lỡ vào một buổi sáng nào đó, không thể có ly cà phê như thường lệ, người ta không bứt rứt, không khó chịu, nhưng sẽ mang cái cảm giác chưa làm được một việc cần thiết và miên man nhớ cho đến khi tìm được cho mình một ly, dù uống vội và chưa ưng ý về khẩu vị. Cà phê thường được người mình sử dụng vào buổi sáng, kèm chút điểm tâm rồi bước vào một ngày như mọi ngày, quen cữ sáng như thế rồi, dù các nhà nghiên cứu đã khuyến cáo nhiều lần rằng: tốt nhất nên dùng cà phê vào giấc trưa.
Không ít trường hợp rảnh rỗi cuối tuần hay đặc thù công việc mà “ngồi đồng” hàng giờ, cả buổi với ly cà phê cùng smartphone. Ấy là nói về những người hay thưởng thức chất đắng một mình để suy ngẫm chuyện đời, chuyện ta, chứ ly cà phê cũng là chứng nhân của nhiều thứ lắm: bạn bè, tình yêu, thời sự, thể thao, văn hóa-văn nghệ..., đủ cả.
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Đa phần mọi người chỉ có một cữ cà phê sáng, hơn nữa thì thêm cữ trưa, cữ tối, cá biệt có người nhâm nhi cả ngày. Tôi có một nhóm bạn sáng nào cũng tụ tập ở một quán quen đã chừng hàng chục năm nay, đủ tầng lớp, thành phần, nghề nghiệp. Trò chuyện, tranh luận đa đề tài, có khi bất đồng quan điểm gay gắt giận nhau bỏ về, hôm sau lại đến và lại đông đủ. Cũng do ly cà phê sáng đã nêm nếm thêm gia vị cho tình bằng hữu mất rồi.
Món ăn uống muốn ngon thêm thì cần gia vị, cà phê cũng thế, đường, sữa, coffeemate (bột kem pha cà phê) tùy người mà gia giảm thêm bớt hoặc không cần. Có khi mưa ngoài khung cửa, nắng dọi hiên nhà cũng thành gia vị bất chợt. Người uống cùng hợp gu, hợp ý vẫn luôn cho ta cái cảm giác ly cà phê đậm đà hơn. Sẽ thấm đẫm vị ngon khi bên cạnh là một nửa của mình, khi thiếu vắng sẽ thấy “Tự nhiên lại buồn trong buổi sáng/Vị cà phê nhạt phía đầu môi/Ta sợ nhất người không hình dáng/Đến và đi trống một chỗ ngồi” (thơ Từ Kế Tường).
Vài người còn tô điểm quanh ly cà phê của mình bằng một nhánh hoa mộc mạc gác trên đĩa nhỏ, một đầu sách đang đọc để trước mặt tạo một không gian be bé, xinh xinh. Nó rơi vào đáy mắt, trộn vào từng ngụm nhỏ cà phê, tuyệt lắm đấy! Tôi chia sẻ cảm nhận này khi chính mình cũng thường chọn một chỗ ngồi có hoa, có lá ở góc vườn nhà và tất nhiên, phải là cà phê một mình.
Theo một thống kê đáng tin cậy, trong giai đoạn 2005-2015, lượng tiêu thụ cà phê của Việt Nam tăng trưởng đáng kinh ngạc, từ 0,43 kg/đầu người/năm lên 1,38 kg/đầu người/năm-mức tăng trưởng cao nhất trong số các quốc gia xuất khẩu cà phê trên thế giới. Con số này được dự báo sẽ tăng lên mức 2,6 kg/đầu người/năm vào năm 2021. Nhà nhà cà phê, người người cà phê từ sản xuất đến tiêu dùng, cộng thêm cách thưởng thức độc đáo, thiết nghĩ, cà phê dễ thành quốc ẩm lắm.
 NGUYỄN SƠN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...