Mưa sóc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cuối thu, chuẩn bị sang tiết đông, hàng năm vẫn có một trận mưa lớn, dân gian gọi là “mưa sóc”. “Mưa sóc con cóc cũng đi”-trận mưa lớn ấy như giục giã những đàn cá cả năm ngao du nơi đồng ruộng trở về chốn cũ.
Không biết đồng ruộng, cây lúa có gì vui trong trận mưa sóc không, nhưng với con người đó là dịp đơm cá tưng bừng trong năm. Mưa sóc là đợt di trú sớm nhất của các loài cá tìm cách xa lánh xứ đồng ruộng mỡ màu.
Tất cả các loài cá đầu mùa mưa thì ngược hết các khe rãnh luồng lạch, vượt các bờ bậc chỗ trổ để đến với đồng ruộng, giao phối, sinh nở, lớn lên... Đến khi mưa sóc thì kéo nhau trở về. Đợt mưa này cá đi xuôi, đặc biệt, các loài cá trắng đua nhau kéo về nhanh nhất. Những chỗ trổ, người ta tháo cho nước chảy thông từ ruộng này sang ruộng khác và hợp dòng về với hạ nguồn. Trên các trổ tháo nước, người đơm cá đặt những chiếc đó nhỏ cỡ như thân cây chuối, có hom tre. Chiều tối đặt đó, tờ mờ gà gáy đi đổ cá. Người xưa bảo: Tôm đi chạng vạng, cá đi rạng đông!
Tại những chân ruộng thấp, những thung lũng hợp thủy, để bắt cá phải đặt những chiếc đó to bằng cả người ôm, có khi 2 người ôm. Những chiếc đó ấy thường rất nặng và được đóng cố định xuống trổ mương nước. Phía cuối cái đó tóp nhỏ lại, được găm một cái giỏ đựng cá. Khi đổ đó, người đơm chỉ cần đưa phần giỏ phía sau lên tháo ra nhẹ nhàng trút cá mang về. Mỗi khi nâng đuôi đó lên nghe phừng phực, rung rung là xôn xao rạo rực trong lòng. Những con cá lớn quẫy đạp vùng vằng khi bị đưa lên khỏi mặt nước!
Ảnh minh họa: INTERNET
Ảnh minh họa: INTERNET
Trên các con suối lớn, trước đó, cả làng đã hợp sức làm những cái sa lớn giữa lòng suối để bắt cá trong nước lũ. Hình dáng cái sa bắt cá giống như một cái nhủi tép nhưng to lớn hơn, vững vàng hơn và đóng cố định trên suối, nơi dòng nước chính chảy qua. Khung sa được làm bằng những thân tre lớn, có cột gỗ chắc chắn, chằng néo bằng các loại sợi mây, chạc chìu, dây cóc và sợi dây trống. Lát sa là những cây hóp (một giống tre nhỏ tầm cán dao, cao vút và không có gai), theo chiều dọc từ miệng đến đuôi sa. Các cây hóp ghép sát nhau hở tầm lọt ngón tay ngón chân cho dễ thoát nước.
Miệng sa bằng phẳng như miệng nhủi nhưng rộng chừng 3-4 m. Trước miệng sa được dựng nghiêng một thanh gỗ mỏng, có chiều dài bằng miệng sa, chiều cao tầm 30 cm làm thành một cái “ghềnh nhỏ”, ngăn cá vào rồi không vượt trở ra được. Thân sa bằng phẳng, thuôn dần lên cao và tóp lại ở phần sau đuôi. Hai bên thành sa được ghép hóp nằm ngang, cao lên khoảng 1 m. Cái sa như vậy, khi nước lớn cũng chỉ tới tầm nửa thân sa. Trước cửa sa là 2 hàng đăng bằng tre lớn, tạo thành cái miệng hình chữ V, vừa giúp thoát bớt nước, vừa hướng đàn cá bơi vào sa.
Dưới mưa lâm thâm, qua thanh gỗ chắn ở miệng sa, dòng nước gợn lên chút cầu vồng như ghềnh thác trút vào. Tất cả các loài cá lớn đi xuôi đều phơi mình hết trên sa. Cá nhảy tưng tưng xếp lớp. Cá lao xao lăn lóc. Những con cá nhỏ thì tự lọt theo kẽ hở nan sa mà đi. Nước dội ì ầm suốt ngày đêm. Làng luôn cắt cử người canh sa thu cá. Ban đêm phải có người trực thức thâu canh, phòng kẻ trộm và đuổi rái khe ăn cá.
Canh sa thu cá là một thú vui trong mùa mưa sóc. Có chút rét của mưa gió. Có chút lầy lội của bùn đất. Nhưng trên hết là những âm thanh khe suối và cá đủ loại giãy tanh tách chờ bàn tay người bắt như lượm lặt những củ khoai trên đồng ruộng.
Bao năm rồi, cứ nhớ những cơn mưa sóc đồng quê rậm rịch trong đêm rét mướt mà xôn xao niềm vui tôm cá.
PHẠM ĐỨC LONG

Có thể bạn quan tâm

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...
Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

(GLO)- Nhà thơ Bùi Quang Thanh quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, tuổi Canh Dần (1950). Năm 1971, ông là lính của Mặt trận Tây Nguyên, đã từng tham gia chiến dịch giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh 1972 và suýt nữa thì nằm lại giữa rừng “cánh Trung” vì sốt rét.