Bóng mát

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khi trời vào hạ, đám trẻ con được nghỉ hè thường lang thang hỏi nhau cây này là cây gì rồi tranh cãi về việc quả của nó ăn có vị ra sao. Chúng đi dang nắng cho đến khi da đen cháy thì hình như trời cũng dịu nắng. Thế là sang thu tự lúc nào không hay. Chúng cứ thế lớn thêm lên.
Tháng 6 như cái chảo rang đặt trên bếp mà ai đó bỏ quên để lửa cứ bùng lên dữ dội. Đang lỡ độ đường gặp được bóng cây như người trên sa mạc gặp hố nước, người ta ngước lên quên cả việc cây đó cho quả ngon hay không mà chỉ băn khoăn ai đã trồng cây này. Rồi tự hỏi, hình như mình chưa từng đào hố, vun gốc, tưới nước được cho một cái cây nào. Hóa ra cây bao năm vẫn đứng đó mà tự lớn lên, cái bóng mát thì như từ trên trời rơi xuống.
Mùa hạ, cây cối còn làm dậy lên tình yêu thương đối với muôn vàn điều bé nhỏ khác. Cũng là tiếng chim chào mào bạn trưa, nhưng giữa mùa hè oi bức, tiếng chim nơi nách lá cứ như để trả ơn cho những chiếc lá đang trần mình chắn nắng. Tiếng chim ấy như những giọt nước trong mát làm xanh lại lá cành. Hẳn là ai trồng cây cũng như gieo được tiếng chim, làm người khách tha hương thấy tỉnh táo. Bóng cây lớn bao bọc những cây bé, như cánh gà mẹ che cho đàn con. Bóng cây che cho con đường nhựa khỏi bong tróc để người xe qua lại… Nhưng có ai ngờ rằng nó còn làm dịu mát cả ký ức tuổi thơ. Bởi thế, có người đi làm ăn xa, giờ đã phương trưởng nhưng vẫn thèm cái bóng mát của bóng cây vườn nhà. Phải chăng, với họ, bóng cây như một dòng sữa ngọt!
 Ảnh minh họa (nguồn: INTERNET)
Ảnh minh họa (nguồn: INTERNET)
Một ngày, đồi được bạt thấp xuống, đất được san phẳng, những ngôi nhà mọc lên ven phố. Những chú chim đôi lúc chẳng biết sà vào đâu, đành từ trên cao đậu xuống cột điện, xuống đường bê tông. Người ta lại xôn xao hỏi nhau: Làm sao để có bóng mát? Cây cối đã lùi xa con người vì họ đã đánh đổi phần lớn cuộc đời để có một căn nhà to đẹp. Hóa ra, từ lúc biết cầm sợi thừng buộc con trâu vào gốc cây cho đến lúc biết đi thật xa, được trông thật rộng, ta lại trở về loay hoay dưới những bóng cây. Cái cây là một phần cuộc đời, buộc ta phải đánh đổi để có nó, còn bóng mát là sự thức tỉnh trong mỗi con người chăng?
Mùa hạ này như đến sớm hơn, nắng đổ vàng trên đồng bãi, non ngàn. Việc của nắng là thế, việc của cây là chẳng đợi đến khi ta tưới mát, vun xới mà cứ xanh mát, xòe bóng như một lẽ tự nhiên. Dường như, cái cây nào cũng được mọc lên từ mầm thiện, nứt ra từ hạt cứng biết kiên trì nhẫn nại hút tinh túy của đất trời để mà đem lại niềm vui đến cho mỗi chúng ta. Chuyện của bóng mát giản đơn như thế mà sao lại vô cùng sâu sắc với mỗi con người hôm nay.
BÙI VIỆT PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.