Quà của rẫy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi, cây ăn quả và hoa màu được trồng khá phổ biến ở vườn nhà và trên nương rẫy. Họ gọi chúng là “quà của rẫy”. 

Theo kinh nghiệm dân gian, sau khi dọn rẫy xong, đồng bào bắt đầu trồng cây ăn quả ngắn ngày. Cùng với cây lúa rẫy, cây ăn quả ngắn ngày, hoa màu là nguồn sống chính của đồng bào miền núi. Một số hoa quả có giá trị dinh dưỡng, là món ăn hàng ngày cũng như trong các lễ hội cổ truyền, là một phần ẩm thực mang hương vị núi rừng.

Đối với người trung du và miền núi, chuối là cây trồng phổ biến. Cây chuối rất dễ trồng, không cần chăm sóc nhiều. Đồng bào thường trồng chuối ở các bìa rẫy để giữ đất khỏi bị trôi, làm bờ rào ngăn cách giữa các đám rẫy. Ngoài ra, những bụi chuối còn được trồng bên cạnh các chòi rẫy để vừa có bóng mát, vừa có lá làm “mâm” đựng thức ăn, nhất là cơm gạo mới, xôi nếp. Sau cây chuối, cây mía cũng được đồng bào các dân tộc miền núi trồng khá phổ biến. Họ trồng mía bằng khúc và ngọn. Những rẫy cũ đồng bào đã trồng mía trong nhiều năm thì không cần trồng lại vì sau khi chặt cây lớn, mía thường mọc ra những mộng cây mới. Chặt mía, bà con cũng thu nhặt và trồng lại bằng ngọn của chúng.

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Cũng như các loại hoa màu khác, cây mía, cây chuối, dưa, cà... được người dân miền núi trồng để có cái ăn chứ ít khi đem bán vì loại nông sản này nhà nào cũng có. Khi lao động nặng nhọc trên rẫy, người ta thường bẻ mía, hái dưa ăn tại chỗ để giải khát và tiếp thêm năng lượng. Vậy nên, bà con gọi đó là “quà của rẫy”. Ở các buôn làng, hầu như nhà nào cũng có dự trữ những loại hoa quả “nhà trồng”. Khi đi rẫy về, trong chiếc gùi thường có vài nải chuối chín hoặc có khi cả một buồng, kèm theo là vài khúc mía, vài quả dưa, quả cà. Họ mang về cho trẻ con nhà mình “ăn dặm” và làm quà biếu khách. Món quà sạch, chất lượng và rất ngọt thơm này luôn hấp dẫn lũ trẻ con háu đói.

Trong những lễ hội làng hoặc của từng gia đình thì quả chuối, quả cà, quả dưa, những khúc mía rẫy cũng là thức món không thể thiếu. Khi đi dự lễ hội hoặc thăm hỏi nhau, người ta cũng thường mang theo buồng chuối, gùi mía, những quả dưa rẫy to tròn, thơm ngọt, quả bầu, quả bí... Khách phương xa hoặc bà con đến thăm làng, thăm nhà lúc nào cũng được gia đình thết đãi vài khúc mía và những quả chuối chín, miếng dưa rẫy.

Một số tộc người vùng cao còn biết làm rượu từ mía bằng cách ép lấy nước rồi cất trữ trong ống tre hoặc trong hũ sành. Có nơi, bà con róc mía rồi cắt thành từng đoạn ngắn cỡ một vài lóng tay rồi cho vào nồi đun để làm nước giải khát. Loại nước giải khát được làm từ nước mía hòa với nước vỏ cây apăng cho lên men. Loại nước giải khát này có thể uống ngay hoặc chỉ để vài ba ngày, nếu để lâu dễ bị hư.

Ngày nay, giao thương thuận lợi, hoa quả có nguồn gốc từ rẫy nương của đồng bào ngày càng được ưa chuộng, có giá trị kinh tế cao. Chuối chín được tiêu thụ mạnh ở các thành phố, nhiều gia đình nhờ cây chuối mà có thêm thu nhập không nhỏ, đời sống ổn định hơn. Người chuyên buôn chuối ở đồng bằng đến tận các làng đồng bào đặt mua, thậm chí trả tiền trước cho những nải chuối còn xanh để người nhà không bán cho những thương lái khác.

Hương vị ngon ngọt của hoa quả, cây trái từ đất rừng là một phần của văn hóa ẩm thực vùng cao, là món quà trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong các lễ hội cộng đồng.

 TẤN VỊNH

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.