Một thời radio

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sự bùng nổ mạnh mẽ của những thiết bị nghe nhìn đôi lúc lại khiến người ta nhớ quay quắt âm thanh rè rè từ những chiếc radio - một thiết bị giải trí, nghe tin tức tiện dụng và từng là món đồ công nghệ thời thượng trong nhiều thập niên trước. Theo nhịp phát triển của cuộc sống, thói quen nghe radio dần trở thành hoài niệm, nhưng vẫn giữ một vị trí nhất định trong lòng nhiều thế hệ thính giả.
Sài Gòn Radio
Xin mượn tựa đề một bài hát để đặt tạm cho đoạn viết này, bởi âm thanh từ radio đã từng một thời phủ sóng khắp thành phố, nhà nhà, người người nghe đài… Theo thời gian, nó đã đã trở thành một phần ký ức sâu đậm trong lòng nhiều thế hệ người dân mỗi khi nhắc đến chuyện nghe đài hay chiếc máy cassette chạy băng mà mỗi lần rối là một lần người nghe cũng muốn “rối ruột” theo!
“Đây là Đài Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, rất đỗi quen thuộc với nhiều người. Mỗi bản tin thời sự đều khởi đầu bằng câu nói này như một nhạc hiệu quen thuộc, tiếp sau đó sẽ là bản tin thời sự. Phần tin tức, chủ yếu hấp dẫn người lớn trong nhà; tiếp đến là chuyên mục giải trí, thân thuộc với thế hệ 8X hay 9X như tôi.
“Chào mừng quý vị và các bạn đến với chương trình ca nhạc của Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM, phát thanh trên tần số… vào lúc…”. Giọng phát thanh viên vang lên là trong lòng đủ những cảm xúc mừng rỡ và hồi hộp dõi theo bảng xếp hạng trong tuần, trong tháng của rất nhiều bảng xếp hạng âm nhạc trên sóng phát thanh. Tôi và đám bạn từng vui như tết, hoặc buồn thiu mỗi khi những bài hát mà chúng tôi thích lên xuống trong các bảng xếp hạng đó.

Và giữa những âm thanh rè rè của chiếc “la dô”, gần như phải nín thở để dò đúng từng tần số, đám trẻ chúng tôi luôn nơm nớp sợ giọng chị phát thanh viên tắt hẳn nếu lỡ tay làm lệch nút dò tần số. Và một kỷ niệm mà nhiều bạn bè tôi vẫn giữ đến bây giờ, bên cạnh cuốn lưu bút là những quyển sổ chép nhạc, với tựa đề các bài hát được đề rất đẹp, trang trí đủ màu đủ kiểu hoa lá, nhưng lời bài hát lại có lúc bị sai hoặc bỏ dở vài câu vì nghe đài rồi nhớ bao nhiêu thì chép lại bấy nhiêu.
Với chúng tôi lúc đó, nó chẳng khác nào “báu vật”. Phải thân, phải quý lắm mới chuyền tay cho mượn cuốn sổ chép nhạc. Những giờ ra chơi, sân trường nhiều nhóm tụm năm, tụm bảy xúm vào mấy cuốn sổ chép nhạc, hát nghêu ngao và không ít giấc mơ được làm ca sĩ của nhiều đứa bạn tôi cũng bắt đầu từ làn sóng phát thanh.
Nếu người lớn thích dò đài nghe thời sự hay cải lương, thì những chương trình ca nhạc vào buổi trưa hoặc đêm khuya là món giải trí “khoái khẩu” của lớp trẻ. Nhiều người mượn sóng radio gửi tặng cho bạn bè, người thân hoặc bày tỏ tình cảm với người yêu qua các bài hát, ai mạnh dạn hơn thì nhà đài cho vài phút lên sóng giao lưu và đọc luôn số điện thoại cá nhân trên sóng để mong kết bạn gần xa.
Nhiều mùa hè, tôi gần như ôm radio suốt từ trưa đến tối, hết nghe ca nhạc đến chương trình đọc truyện đêm khuya, rồi mỗi cuối tuần lại có chương trình tư vấn tâm lý. Đến lúc ngủ say, nhưng chiếc radio bên cạnh vẫn còn nói, má tôi nhẹ nhàng tắt, rồi lấy để ra ngoài bàn, để sáng mai, nó lại tiếp tục sứ mệnh ở cái thời mà radio quý lắm, phương tiện nghe nhìn, giải trí chẳng có bao nhiêu.
Anh bạn cùng lớp với tôi lại mê nghe cải lương, cả ngày đi chơi khắp trong xóm, nhưng đến chiều thứ bảy dù ai rủ rê cách mấy cũng kiên quyết ngồi nhà, ôm cassette nghe “Bông lúa vàng” của đài tiếng nói thành phố. Năm lần bảy lượt lấy giấy bút ra ghi lại địa chỉ đài, rồi phải hết cấp 2 đến tận đầu năm cấp 3 mới mạnh dạn viết thư gửi về chương trình, xin hình của mấy anh chị thí sinh làm kỷ niệm. Đến lúc nhà đài gửi lại thư kèm hình của vài thí sinh, anh mừng ra mặt như được giấy khen học sinh giỏi cuối năm, hễ gặp người nào là lấy thư ra khoe ngay.
Radio tích hợp
Theo tiến trình phát triển của cuộc sống, thói quen nghe đài dường như bị lãng quên dần. Rồi chiếc tivi ngày càng tích hợp nhiều tính năng; điện thoại thông minh hỗ trợ người dùng hàng loạt tiện ích, một cái chạm người ta có thể xem thỏa thích phim ảnh, gameshow cả ngày với đủ gương mặt nghệ sĩ đang ăn khách hiện tại và đặc biệt là có thể tương tác trực tiếp thông qua những livestream, bình luận… Với những yếu tố đó thì chiếc radio có vẻ rất lép vế trong vụ cạnh tranh.
Dù không còn thịnh như vài chục năm về trước, nhưng radio vẫn có một vị thế nhất định. Những tuyến xe buýt, taxi trong thành phố hay các xe khách liên tỉnh, cánh tài xế vẫn chuộng bật radio để nghe các kênh thông báo về giao thông, những tuyến đường đang bị kẹt xe… Và những chương trình dành cho các bác tài như góp ý về giao thông, các chia sẻ về cách lái xe đường xa an toàn… cũng ra rả trên những chuyến xe đường dài.
Nhiều nhà đài hiện nay, cũng đẩy mạnh phát triển các kênh mạng xã hội, khán giả có thể theo dõi những chương trình phát thanh yêu thích bất cứ lúc nào, truy cập vào link và danh sách luôn được cập nhật tức thì. Với những chương trình phát thanh trực tiếp được cập nhật trên các fanpage, khán giả theo dõi có thể biết mặt phát thanh viên, nghệ sĩ khách mời và cả bộ phận kỹ thuật, chứ không đơn thuần chỉ nghe tiếng như chiếc radio ngày trước.
Muốn giao lưu với nghệ sĩ, chỉ cần bình luận trực tiếp câu hỏi ngay buổi livestream, không còn phải đăng ký trước rồi chờ đợi nhà đài gọi điện thoại lại và mỗi lần giao lưu phải đặt điện thoại xa radio vì để gần sẽ bị nhiễu sóng, âm thanh cuộc kết nối sẽ không rõ ràng.
Ở một câu chuyện khác, vài năm trở lại đây, những chiếc radio cũ được săn đón mạnh mẽ, nhiều người chấp nhận bỏ vài chục triệu đồng để sở hữu một dòng máy mà thị trường đã ngưng sản xuất từ lâu. Các hội nhóm chơi cassete, băng đĩa xưa cũng thịnh hành trên mạng xã hội, nhiều người bày tỏ, thích nghe những bản thu âm cũ vì chất lượng âm thanh tốt mà giọng ca sĩ cũng tuyệt vời, khác với nhạc thị trường những bản thu âm được kỹ thuật hỗ trợ quá mức dù giọng ca thực tế khá yếu hoặc chênh phô.
Máy cassette cũ, băng đĩa nhạc xưa thịnh hành, nhưng tôi không dám chắc thói quen nghe đài lại được chuộng lại như xưa, bởi các kênh thông tin đại chúng, mạng xã hội cập nhật nhanh, đa chiều và dễ tương tác… Tất cả gói gọn trong chiếc điện thoại nhỏ, nhanh và tiện, thì radio khó mà bì kịp.
Trong quá trình trưởng thành, người ta cũng dần thay đổi nhiều thói quen, tôi hay nhóm bạn của tôi và lớp trẻ bây giờ cũng không mấy mặn mà chuyện nghe đài. Nhiều người cũng mỉa mai rằng, “no cơm ấm áo lại thèm nọ kia”, mấy chuyện hoài niệm, hoài cổ dường như đang ngược ngạo với nhịp sống hiện đại, công nghệ số. Điều đó còn tùy thuộc vào góc nhìn mỗi người, đâu phải ngẫu nhiên mà những giá trị xưa cũ được người ta nhắc nhớ, hay những quán cà phê ăn theo phong cách các thập niên trước trở nên hút khách.
Trong cuộc sống, nhìn về tương lai là sự phát triển, hiện đại, đó là niềm vui. Nhưng nhìn lại quá khứ, nếu chẳng có gì để hoài niệm thì chẳng phải là một nỗi buồn, thiếu sót hay sao. Với radio cũng thế, ngoảnh lại để nhớ và tận dụng những công nghệ phát thanh mới cho theo kịp thời đại, cũng là điều cần lắm.
Theo KIM LOAN (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.