Thương nhớ đường làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Có nỗi nhớ cứ động thức trong ta mà chẳng rõ nguồn cơn, cũng chẳng biết nhớ để làm gì. Như thể bước chân phía trước đã chùn, thế nên ngoái đầu nhìn lại. Như thể tuổi đời đã sang bên kia chừng dốc cho đêm dài thừa giấc, mộng mị chẳng tròn, nằm nhớ mông lung. Ai đời lại đi nhớ những con đường làng, có lập dị lắm không? Những con đường đất của ngày xưa ấy, có bước chân tuổi thơ hằn lên màu kỷ niệm dù thời gian “vật đổi sao dời”.
  Minh họa: KIM HƯƠNG
Minh họa: KIM HƯƠNG
Nhớ con đường đất hẹp liên xóm, ngoằn ngoèo rắn lượn có khúc cua lọt thỏm giữa những bụi tre gai trơ phơi cụm gốc tre già bạc thếch, mắt tre thao láo chẳng bao giờ chớp mi trông hiền khô như mắt ông Tiên, ông Bụt. Có đoạn chạy ngang qua giữa những mảnh vườn bờ rào cây xanh là hàng dâm bụt, chè tàu, bông bay, ổ tàu… phất phơ cành lá, mỗi năm vài lần cắt tỉa. Có đoạn xuyên qua bãi tha ma nhấp nhô những ngôi mộ đất có cây duối dại im lìm đi qua mưa nắng, tháng ngày. Đường liên xóm trở nên quen thuộc từ bước chân đầu tiên lúc biết đến chơi nhà bạn, mở ra bát ngát chân trời theo mẹ đi chợ làng, chợ xã, đến ngôi trường đầu tiên; dẫn lối ra cánh đồng làng bát ngát; gò bãi rộng rinh ngày chăn trâu cắt cỏ. Đường làng hẹp, mòn vẹt bước chân người, dấu chân gia súc mấp mô lồi lõm. Đường làng luôn hấp dẫn bởi vườn nhà ai kia có chùm quả chín đung đưa lấp ló bên bờ rào thưa, để rồi rỏ dãi đứng nhìn, bàn nhau trộm hái. Có hương dủ dẻ lúc choạng vạng tháng hè rực nóng thả mùi thơm không thể vô tình. Đường làng quen thuộc mà kỳ bí bởi những câu chuyện đậm chất liêu trai nghe lóm từ ai đó quanh ngôi mả Hời, quanh cây duối dại chất đầy những chiếc lò đất nung đã qua sử dụng quanh gốc. Đường làng có mùi đặc trưng của làng: ngai ngái mùi phân trâu bò; nồng thơm mùi rơm rạ phơi khô, sực mùi ẩm mốc bốc lên từ lớp rạ rơm ngập nước mùa mưa lũ; hăng hắc mùi khói đốt lá khô củi mục; ngan ngát nhẹ lành mùi sương đêm theo gió sớm nhẹ loang qua hương đồng hương bãi… Tất cả trở nên ám gợi đến mơ hoặc với những ai lội tìm về cùng ký ức!
Đường làng là những con đường liên thôn, liên xã rộng dài được người làng người xã tạo dựng, đắp bồi. Hai bên đường là cánh đồng sắc màu ảo dịu theo độ tuổi của cây, của giống cây. Hai bên đường là những dãy nhà chẳng theo hàng theo lối, rộng hẹp khác nhau, lô nhô cao thấp, có vuông sân phía trước, ngăn chia và cũng là để làm đẹp bằng bờ rào cây xanh, bờ rào thân tre đan gài, gạch xây thẳng thớm hướng mặt nhìn nhau về phía con đường. Đường liên thôn, liên xã thường phải ngang qua con sông, dòng suối. Mùa khô, nối đôi bờ là chiếc cầu tre gập ghềnh đánh nhịp mỗi khi người xe qua lại. Mùa mưa dầm, nước lớn thì có chiếc đò ngang đón tiễn khách bộ hành. Có những đoạn đường làng xuyên giữa bờ tre rợp bóng, cho cảm giác bình yên đến lạ mỗi lúc ngang qua. Đường làng, cứ mỗi chặng chừng dăm cây số là gặp cây đa đầu làng làm chỗ nghỉ chân, mà thực ra đây là cách người xưa đánh dấu mốc phân chia địa giới. Cây đa thường đi cùng với đình làng cách đó không xa. Tưởng chừng cây đa và đình làng nơi nào cũng như nhau nhưng lại chẳng giống nhau chút nào, bởi hằn hiện trong mỗi chúng ta dấu ấn cuộc đời: từ nơi này ra đi, lúc quay về chốn này là điểm đến!
Đường làng có cuộc sống riêng, sống động âm thanh và sắc màu theo thời khắc trong ngày, mỗi mùa trong năm. Sớm mai ra, đường làng rộn bước chân trẻ thơ đến lớp, phụ nữ ra chợ, trâu bò ra ruộng cày, người làng trên xuôi về xóm dưới và ngược lại. Tiếng chim quen gió đưa bờ tre cành lá va nhau tựa như câu hát, tựa lời tự tình, tựa nhịp võng đu đưa kẽo cà kẽo kẹt. Cùng với đó là âm thanh cười nói, râm ran chuyện trò, tiếng họ trâu bò giục bước. Có sắc màu đồng làng mùa gieo cấy, mùa thu hoạch, mùa đất nghỉ trơ phơi. Có cánh cò phau phau nghiêng xoãi, đàn trâu bò thung dung gặm cỏ. Có những chiếc nón trắng nhấp nhô buổi làm đồng. Có những chú bù nhìn rơm giật gió đuổi chim…
Tôi yêu đến đắm say, đến mê hoặc dù đường làng bây giờ hầu như đã được cứng hóa, mở rộng hơn ra. Tiếng động cơ các loại xe cơ giới chạy trên đường làng tạo cảm giác ngột ngạt hơn, nhưng vẻ đẹp riêng có của đường làng không mấy thay đổi nhờ có đồng làng, bờ tre, dòng sông uốn lượn, có nếp nhà thấp thoáng cây xanh, có sợi khói ngoằn ngoèo vườn nhà ai đốt lá, có tiếng chó giật mình sủa vang... Và nhất là mỗi gương mặt người, quen và cả chưa quen còn vương nét thật thà, cả trong lời ăn tiếng nói. Tôi yêu đường làng có buổi chợ chiều nhóm muộn, ngồi lưa thưa bên gốc cây cổ thụ, dưới bụi tre già có bà mẹ già, có chị trung niên bán mua dăm món hàng không đắt giá. Nhiều bận, chẳng làm khách mua, chỉ câu chuyện bâng quơ, chỉ đôi lời thăm hỏi mà tôi đi qua hết buổi chợ chiều.
Có bâng quơ lắm không câu chuyện về những con đường làng?
NGUYỄN ĐÌNH PHÊ

Có thể bạn quan tâm

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…