Đường xuân ngoại ô thân thuộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khi con anh Năm thay lá cờ cũ rồi cắm lá cờ Tổ quốc mới mua đỏ tươi sao vàng năm cánh trước cổng nhà, tôi cứ nghĩ mình quên, mới hỏi: "Ủa, đã treo cờ mừng tết rồi hả anh". Đáp lời tôi, anh Năm nhẹ nhàng cười: "Treo sớm hơn chút để chơi tết lâu hơn. Nhiều nhà cũng treo cờ rồi mà. Cháu ở xa về, cha con vừa đi mua chậu cúc, nhân tiện bảo con treo cờ luôn. Tết có thêm màu sắc, nhà mới sơn, cây cảnh, hoa cúc hoa mai mới mua, treo cờ xong nhìn một lượt thấy nhà cửa khang trang, đẹp hơn ngày thường, già như tôi cũng phấn chấn trong lòng". 
Một người làm công nhân xưởng gỗ, quanh năm bận bịu đi sớm về muộn, lời anh hàng xóm khiến tôi suy nghĩ xa xôi cảm nhận quanh mình. Nhà anh Năm con cái vất vả làm ăn nhưng được cái chăm chỉ, siêng năng, chịu khó. Cháu đang lúi húi giúp cha cả năm làm ăn xa trên cửa khẩu, tết mới thấy về.
Ngoại ô mát mẻ, yên bình. Ảnh: Thất Sơn
Ngoại ô mát mẻ, yên bình. Ảnh: Thất Sơn
Có gì khác lạ, bao nhiêu đời rồi, bao nhiêu năm rồi, sum vầy gia đình, chăm chút thay màu áo mới cửa nhà đón xuân, ai chẳng chú tâm? Không chỉ có nhà anh Năm, nhà bác Bốn cuối đường hai hàng chè tiên đã được dày công cắt xén đều tăm tắp, đẹp ngỡ ngàng. Nhà dì Ngọc thì cánh cổng ố vàng đã sơn mới lại màu đồng thau bắt mắt. Vườn cà phê anh Minh cỏ dại không còn um tùm...Không chỉ trong khuôn viên gia đình, cây bụi, rác thải, cỏ dại ven đường cũng được bà con dành thời gian phát dọn, vệ sinh sạch sẽ. Và khi nhiều lá cờ Tổ quốc đỏ tươi trước mỗi cổng nhà, ý nghĩa mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước hội tụ đủ đầy, đẹp đẽ hơn bao giờ hết; đầu đường cuối phố cảnh vật tươi tắn, mới mẻ, dù tiết trời đang là mùa khô.
Xóm lao động ngoại ô tôi đang cư trú đa phần chưa thể gọi là dư dả, nhà lầu rất ít, đường sá nhỏ hẹp, hư hỏng. Năm nay, thời tiết bất lợi, nông sản, cà phê, hồ tiêu, rau củ gì cũng đều mất giá, nông dân ăn Tết kém vui. Ngoại ô thành phố nhưng xóm tôi vẫn còn nhà nuôi bò, trồng cỏ; còn nhà làm ruộng, ngày mùa máy cày xành xạch đống rơm ú ụ chất cao sớm tối len lỏi đi về; còn những vườn cà phê xanh mướt, mùa hoa ngào ngạt hương bay; còn nhiều người ve chai khắp hang cùng ngõ hẻm đổi chác, mua bán, nhặt nhạnh kiếm sống qua ngày. Về đây trú ngụ, tôi ngạc nhiên khi thấy chiều chiều, chú Bảy làm thợ nề, chị Bốn ve chai, anh Sáu làm xưởng gỗ và nhiều người nữa, trẻ già có cả, đều "kiếm" một vài con số ( số đề, số kiến thiết). Nhưng chẳng ai đề đóm sát phạt đến mức "bán vợ đợ con", cầm nhà, cầm đất mà chơi. Mấy chục năm, tôi từ lấy làm khó hiểu đến chấp nhận rằng, mơ ước không hại ai, còn mơ ước thì còn động lực để sống, để tin tưởng và vươn lên. 
Hai hàng dầu trắng thẳng tắp tỏa bóng mát rượi. Ảnh: Thất Sơn
Hai hàng dầu trắng thẳng tắp tỏa bóng mát rượi. Ảnh: Thất Sơn
Nhìn một dọc đường phố, đường xuân ngoại ô thân thuộc, không hiểu sao bỗng thấy lòng mềm ra, rất lạ. Vẫn hai hàng dầu trắng đấy nhưng mới đó mà đã khép tán, trùm che mát rượi người đi. Chính hai hàng cây này đã làm con đường ngoại ô đẹp giản dị nhưng thân thuộc vô cùng, bạn bè tôi cũng tỏ ra thích thú khi đến chơi nhà. Hôm họp tổ dân phố, anh Dương- Tổ trưởng thông tin, quý 1 này con đường này sẽ được khởi công nâng cấp, mở rộng. Mừng vì đường sá rộng rãi, khang trang hơn nhưng hai hàng dầu thì chẳng còn, tiếc là cảm giác có thật. 
Bồi hồi khi vèo một cái đã một năm trôi qua, gộp lại mấy chục năm trôi qua, mình cũng đã già, xung quanh biết bao đổi thay, biến chuyển. Lòng chợt buồn khi tết này, bác Chín lớn tuổi nhất xóm, móm mém cười hiền, đã không còn. Vẫn biết "sinh lão bệnh tử", già yếu phải về với ông bà tiên tổ là chuyện thường nhưng sao vẫn thấy nhớ, thấy buồn. Làm nhiệm vụ cúng tất niên xóm, cúng Thanh minh sau Tết, tới đây sẽ là anh Dự thay thế. Nhiều gia đình ăn nên làm ra, bình lặng, yên ổn nhưng cũng không ít gia cảnh đáng thương chật vật, già yếu, bệnh tật. Hưng góp vốn mở cơ sở làm đá tinh khiết chẳng bao lâu đã phải ngưng hoạt động, lỗ là cái chắc. Đùng một cái anh Nông bị tai biến, cả nhà hốt hoảng, may là anh bình phục đôi phần, sáng sáng vẫn cố gắng dặt dẹo cùng tôi thể dục. Nhỏ Hà sau thời gian chật vật cai rượu đã không còn bê tha hư hỏng, cam kết đoạn tuyệt với ma men...
Một góc đường ngoại ô Pleiku. Ảnh: Thất Sơn
Một góc đường ngoại ô Pleiku. Ảnh: Thất Sơn
Tôi ngẫm, hoàn cảnh, cơ chế, thời thế khiến con người ta không chỉ có vất vả làm lụng bon chen, mà đôi khi cả chụp giật, thủ đoạn, không là chính mình. Thành công thì chẳng nói nhưng thất bại, trượt ngã cũng nhãn tiền. Chỉ khi chẳng may sa cơ thất thế, đương đầu với nghịch cảnh, bệnh tật, già yếu, con người mới "vỡ" ra nhiều điều, mới "nhận chân" cốt lõi giá trị cuộc đời là gì. Sự "quay đầu" này có khi phải trả giá đắt, có khi là quá muộn, nhưng bao giờ nó cũng cần thiết. Nhà bác Thanh, anh Cử làm ăn phát đạt; anh Nông bị tai biến nhưng vẫn còn nhiều may mắn; nhỏ Hà quyết từ bỏ rượu chè...,tôi ngẫm ra, cuộc đời vốn sòng phẳng khắc nghiệt nhưng cũng rất bao dung ân tình. Ân tình với người  ân nghĩa, thiên lương, hành thiện...Mãi mãi ...Như cỏ cây, tạo vật muôn đời vẫn thế!  
Ngày xuân thân quen gần gũi mà cũng rất đỗi mới mẻ lạ lùng, ai cũng có thể cảm nhận và nhân lên ngời ngợi, mãnh liệt, rỡ ràng niềm tin về những điều tốt đẹp. Chân thành, mong muốn ước nguyện đẹp đẽ sớm thành hiện thực với gia đình và xóm giềng ngoại ô thân thuộc của tôi- xóm nhỏ yên bình, đầm ấm hơn trong mùa Xuân tới.  
Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…