Ca sĩ Y Yun: Đi tìm bóng núi (*)

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ca sĩ Y Yun (công tác tại Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh và Du lịch Gia Lai) từng là thành viên của ban nhạc Bazan lừng lẫy thủ đô Hà Nội một thời. Gần 20 năm ca hát, anh khá kín tiếng so với các thành viên khác trong ban nhạc Bazan như ca sĩ-nhạc sĩ Phi Ưng, Amư, Y Shi, Y Garia (con trai cố Nghệ sĩ Nhân dân Y Moan)…

Con đường nghệ thuật thầm lặng của Y Yun khiến người ta liên tưởng đến những câu hát đã làm nên tên tuổi của anh: “Một mình anh ôm câu hát/Đi tìm bóng núi ngày xưa”. Nhưng tiếng hát ấy không chỉ để cho mình Y Yun, nó vang xa, lay động, làm bao người thổn thức bởi cái chất trữ tình đầy tự sự.

 

Ca sĩ Y Yun. Ảnh: M.C
Ca sĩ Y Yun. Ảnh: M.C

Tốt nghiệp Khoa Nghệ thuật Dân tộc, Trường Cao đẳng Văn hóa-Nghệ thuật Quân đội (nay là Đại học Văn hóa-Nghệ thuật Quân đội), thế mạnh của Y Yun là những ca khúc về Tây Nguyên như: Đi tìm bóng núi, Cha và con, Ôi chim K’tia, Ngọn lửa cao nguyên, Đôi chân trần, Về nghe gió kể, Đôi mắt Pleiku, Ca ngợi Anh hùng Núp, Xuân về trên cao nguyên… Có những ca khúc anh được khán giả yêu cầu hát đi hát lại không biết bao nhiêu lần, có người từng thốt lên, nghe Y Yun hát lần nào cũng “nổi da gà”.

Chọn những sáng tác về cao nguyên nhưng Y Yun không mang đến cái hừng hực, sục sôi máu lửa như mọi người vẫn nghĩ  mà anh chạm đến trái tim người nghe bởi sự sâu lắng, tự tình. Trong lời hát có chút riêng tư, tự sự của chính anh, hay của những người từng đi qua thời tuổi trẻ, đã yêu, đã thương đến tận cùng, dù bây giờ “không còn thương” nhưng chút vấn vương ấy vẫn đẹp đẽ vô cùng: “Bây giờ em đã theo chồng, lên núi phát nương tra lúa/Bây giờ không còn mùa hạ, để chiều tím đỏ chờ mong/Bây giờ không còn lời nguyền, để môi em không chung môi/Bây giờ không còn mưa rừng, để cho đôi ta chung đôi/Tàu lá xưa mình che đầu, nay em che cho người khác/Không thương em, anh không còn thương… à à ơ…”.

Y Yun nói rằng, anh yêu làng như bất cứ người con Bahnar nào sinh ra và lớn lên nơi ấy. Vì thế mà khi hát về cao nguyên, anh luôn hát bằng chính tình cảm thân thương ấy dành cho sứ xở. Có lẽ, khán giả ở làng thương quý Y Yun cũng vì lẽ đó. “Có lần đi hát phục vụ người dân ở huyện Đak Pơ, tôi bị đau dạ dày nhưng vẫn lên sân khấu để không bị bể chương trình của toàn đội. Vừa hát xong, khán giả ùa lên, người già và người trẻ, họ bế tôi, chuyền nhau rồi tung hứng, gọi tên tôi không ngừng. Màn tung hứng ấy của khán giả khiến tôi đau đến nỗi đứng không vững nhưng vẫn thấy hạnh phúc vì sự yêu thương mà người dân dành cho. Một lần khác đi biểu diễn ở xã Yang Nam (huyện Kông Chro), lúc chúng tôi ra về, thanh niên đứng xếp hàng dài để chào tạm biệt làm tôi xúc động lắm”-Y Yun kể.

Y Yun được Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh và Du lịch Gia Lai Đặng Công Hưng nhận xét là người giỏi chuyên môn và rất chuyên nghiệp. “Y Yun giống như “xương sống” của đội tuyên truyền bởi sự đa năng (có thể hát đơn ca, song ca, tốp ca, khi cần còn đóng kịch tuyên truyền...). Sự nhiệt tình, trách nhiệm cũng luôn được Y Yun đặt lên hàng đầu”-ông Hưng nói.

Không như một số thành viên của ban nhạc Bazan lấn sân sang sáng tác và ít nhiều gặt hái thành công, Y Yun chỉ viết đúng 1 ca khúc trong gần 20 năm gắn bó với nghệ thuật. Nhưng như anh chia sẻ: “Đó không chỉ là bài hát, mà là tình yêu của tôi dành cho mảnh đất Glar (huyện Đak Đoa), nơi tôi sinh ra, lớn lên”. Bài hát có cái tựa giản dị “Glar tôi yêu” với hình ảnh bầu trời trong xanh, bao la nắng gió, có “bạt ngàn, mênh mông Kơ Dơ”-tên cánh đồng lúa gắn bó với tuổi thơ bao chàng trai, cô gái Bahnar, có cuộc sống dung dị dưới bóng ngàn thông xanh. Ở ca khúc này, Y Yun hát về quê hương như đang đưa con người trở về với dòng suối, với những nếp nhà bình dị dưới chân những ngọn núi, để rồi nhận ra, ở đâu có bóng núi, ở đó chính là quê hương.

Lựa chọn âm nhạc, với Y Yun là một sự đánh đổi. Anh từng tốt nghiệp Trường Trung cấp Lâm nghiệp Tây Nguyên và được giữ lại trường giảng dạy, ổn định với suất biên chế mà nhiều chàng trai, cô gái Bahnar ao ước. Nhưng anh chưa khi nào hối hận vì quyết định của mình: “Tôi yêu rừng, yêu công việc ở trường nhưng tôi yêu âm nhạc hơn. Và tôi đã đúng khi đi theo tiếng nói của tình yêu, của trái tim mình”.

Minh Châu
_________

(*) Tên một bài hát của nhạc sĩ An Thuyên.

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.