Mong ước ngày xuân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những ngày cuối năm, mây xám lưng trời vẫn chưa chịu rủ nhau đi. Từng cơn gió mùa vẫn len lỏi về trên hàng cây lá đã xao xác và trên những con đường gầy cong, hanh hao. Ấy vậy mà những ngày này, lòng người lại chộn rộn lắm! Ai cũng đếm ngược thời gian từng ngày, từng ngày. Cuối năm, dường như cũng là lúc con người ta có biết bao niềm mong đợi…

Còn hơn một tháng nữa mới hết năm. Vậy mà ba mẹ tôi ở quê tuần nào cũng gọi điện vào, dằng dai mãi cuối cùng vẫn là chủ đề bàn tính chuyện Tết này có về được hay không. Tôi chưa chắc chắn lắm nhưng cũng tìm cách nói cho ba mẹ yên tâm, vì tôi biết, cũng như bao bậc sinh thành, ba mẹ nào mà chẳng mong ngóng con cháu về sum họp những ngày xuân. Chúng tôi dù có trưởng thành bao nhiêu vẫn là những đứa con bé bỏng trong mắt của ba mẹ, vẫn là niềm tin yêu, sự an ủi lớn nhất đối với bậc sinh thành. Những lúc ấy, tôi lại xúc động rưng rưng đến muốn khóc. Chỉ bởi tôi thấy mình thật hạnh phúc và càng thấy thương ba mẹ thật nhiều!

 

Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang

Những ngày này, trong cơ quan tôi, gặp nhau là họ lại quen nói câu cửa miệng: Sắp đến Tết rồi! Đúng là sắp đến Tết. Ẩn đằng sau câu nói và ánh mắt rạng ngời ấy là bao niềm hạnh phúc, ước ao. Mọi người có cả tuần để mà nghỉ ngơi sau một năm bù đầu với công việc. Được thăm thú nơi này nơi khác hay vui vẻ bên người thân, bạn bè. Nhưng có lẽ, điều đang khiến mọi người háo hức đợi đến ngày cuối năm nhất ấy là chuyện thưởng Tết. Ít thì tiền trăm, nhiều thì tiền triệu hay một món quà ý nghĩa nào đó… dù sao cũng có một niềm vui để mà mong đợi. Và rồi theo đó, bao dự định cho một ngày Tết cũng sẽ mở ra.

Dù mỗi người chúng ta có là ai, làm gì cũng đều sẵn có một tình cảm thiêng liêng, sâu nặng, ấy là tình yêu quê hương. Nơi ấy, lần đầu tiên cất tiếng khóc chào đời, ta đã biết đến dòng sữa ngọt ngào, hơi ấm yêu thương của mẹ. Nơi ấy là đồng chiều cuống rạ, tuổi chăn trâu bắt cá, trốn tìm. Là con đường quê nâng bước chân ta đến trường, là bạn, là thầy, là tất cả những gì gắn bó với ta trong “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”. Bởi thế, khi xa quê cũng là lúc con người ta thường trực nỗi nhớ quê, nhất là những ngày cuối năm. Từng ngày cuối năm trôi đi cũng là từng ngày lòng người tha phương mong ngóng trở về. Trong xóm công nhân nơi gia đình tôi đang ở, những người từ nơi khác đến đây làm ăn, họ đã chuẩn bị mua vé về ngày Tết từ rất sớm. Rồi họ lo thu xếp công việc, sắp xếp đồ đạc, chuẩn bị quà về ngày Tết… Tất cả cứ làm mọi người nao nao như không thể không về!

Con gái tôi cũng vậy! Thi học kỳ xong là con lại mong Tết đến từng ngày. Trong ánh mắt long lanh của con bé, tôi nhận thấy hình ảnh của tôi năm nào, dù những năm tháng ấy còn đói khổ và đã đi vào quá khứ như một tiếng còi tàu xa lắc. Vui trước hết là tạm thời được gác lại chuyện bài vở trên lớp. Vui nữa là được xúng xính trong bộ đồ mới bên ba mẹ đến nhà bà con, họ hàng chúc Tết. Và vui nhất là được người lớn lì xì để rồi cuối ngày lại háo hức mang về nuôi chú heo đất với bao ước mơ, dự định khi quay trở lại trường lớp trong những ngày đầu năm mới.

Còn nhớ khi là sinh viên đại học xa nhà, chiều đến, trên dãy hành lang nơi ký túc xá, cô cậu sinh viên nào cũng mang ánh mắt buồn buồn, thả cái nhìn xa xăm vào khoảng sân trường trống nắng. Đâu đó, khúc nhạc “Về quê” theo tiếng sáo cứ vang vọng nơi ký túc làm lòng ta lại bồi hồi, da diết một nỗi nhớ nhà. Rồi trong buổi thi cuối cùng, ta xách theo cả va li để bên ngoài phòng thi. Buổi thi kết thúc, bước chân ta vội vã tìm đến ngã ba quốc lộ, mắt nương theo những chuyến xe Bắc-Nam, chỉ mong mau chóng đón được xe để kịp về nhà.

Một năm mới đang về. Bao niềm mong đợi lại đong đầy trong ánh mắt mỗi người. Thời gian cứ thế trôi và có nỗi chờ đợi là hạnh phúc. Đúng như ai đó đã định nghĩa rằng: Hạnh phúc là có một việc gì đó để làm, có một người nào đó để yêu, và có một điều gì đó để mong đợi!

An Viên

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Những cánh hoa bay

Những cánh hoa bay

(GLO)- Có những cung đường đã theo ta suốt từ những năm tháng tuổi thơ cho đến ngày mái tóc đã bắt đầu lấm chấm sợi trắng. Những cung đường ấy mỗi lần ngang qua là một trời ký ức ùa về. Nơi đó có những cây chò nâu cao vút, những đứa trẻ nhặt đầy tay những cánh hoa xoay xoay cuốn theo chiều gió.

Những người “giữ lửa” dân ca Jrai

Những người “giữ lửa” dân ca Jrai

(GLO)- Với người Jrai, hát dân ca là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt. Vì vậy, những người biết hát dân ca luôn quan tâm tới việc bảo tồn, lưu giữ và khơi gợi niềm đam mê cho thế hệ trẻ để góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Cà phê một mình

Cà phê một mình

(GLO)- Trong cuộc sống, chúng ta luôn cần có người thân, gia đình, bạn bè. Tuy nhiên, đôi khi mỗi người cũng cần một chút riêng tư để có thời gian mà ngẫm ngợi, mà rà soát, kiểm tra xem cái cỗ máy đời ta có… xộc xệch hay sai hỏng chỗ nào không?
Phố khuya

Phố khuya

(GLO)- Thỉnh thoảng có việc ra ngoài, trở về nhà khi trời đã ngả dần về khuya, tôi thường chạy xe thật chậm. Dường như những lúc đó, luôn có một lý do níu tôi chậm lại để quan sát một đời sống khác, khi phố đã vào đêm.
Gia Lai: Thi tuyên truyền lưu động kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh

Gia Lai: Thi tuyên truyền lưu động kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh

(GLO)- Tối 22-4, tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP.Pleiku), Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Gia Lai tổ chức hội thi tuyên truyền lưu động kỷ niệm 65 năm Ngày Mở đường Hồ Chí Minh-Ngày Truyền thống bộ đội Trường Sơn (19/5/1959-19/5/2024).