(GLO)- Những năm gần đây, bộ mặt nông nghiệp nông thôn của huyện Đak Pơ đã có nhiều thay đổi, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt. Chuyển biến đó có sự hỗ trợ đắc lực từ Chi nhánh Agribank Đak Pơ trong việc triển khai Nghị định 55 của Chính phủ.
Hơn 5 năm trước, gia đình ông Đinh H’Nôi (làng Leng Tô, thị trấn Đak Pơ, huyện Đak Pơ) vẫn còn thuộc diện khó khăn. Thế nhưng, chỉ sau vài năm phấn đấu làm lụng, tích cóp, gia đình ông giờ đây đã có cơ ngơi vững vàng. Ngồi trong căn nhà xây kiên cố, ông Đinh H’Nôi kể lại: “Năm 2012, được sự vận động của cán bộ ngân hàng về vay vốn phát triển sản xuất, tôi đã mạnh dạn làm đơn vay 30 triệu đồng để trồng mía. Có vốn, tôi dùng mua giống, phân bón, vật tư. Mấy năm qua, năng suất mía đạt khá, cộng với giá cả ổn định, trừ chi phí, tôi cũng lãi kha khá. Cứ thế tôi vay-trả ngân hàng sau mỗi vụ, hiện vẫn tiếp tục vay 80 triệu đồng để mở rộng sản xuất”. Từ quy mô nhỏ lẻ manh mún, sau một thời gian, gia đình ông Đinh H’Nôi đã dành dụm mua thêm đất canh tác. Đến nay, gia đình ông đã có 4 ha mía. Không chỉ có vốn mở rộng diện tích mía, chăn nuôi thêm bò, ông còn tích lũy để xây nhà, mua máy cày cho thuê. Trừ chi phí, mỗi năm ông tích lũy được vài chục triệu đồng.
Cán bộ ngân hàng kiểm tra và đánh giá hiệu quả vốn vay phát triển kinh tế trên địa bàn. Ảnh: V.T |
“Những hộ như gia đình ông Đinh H’Nôi không phải là hiếm gặp ở làng Leng Tô này”-anh Nguyễn Ngọc Hoàng-cán bộ tín dụng Chi nhánh Agribank Đak Pơ phấn khởi cho hay. Theo thống kê, phần đông bà con nông dân đã tiếp cận được nguồn qua việc triển khai thực hiện Nghị định 55 của Chính phủ về tín dụng nông nghiệp nông thôn. Như hộ ông Đinh Văn Chel (vay 150 triệu đồng), Đinh Hlơr (vay 100 triệu đồng), Blong (vay 50 triệu đồng)... để mở rộng sản xuất, mang lại hiệu quả cao. Anh Hoàng cho biết, sự vào cuộc kịp thời của Agribank đã giúp cho nhiều gia đình từ chỗ khó khăn vươn lên khá giả. Qua kiểm tra, giám sát vốn vay, đa số hộ vay đều sử dụng đúng mục đích để trồng mía, mì, chăn nuôi bò lai, heo, gà… Mức dư nợ bình quân không cao đối với một hộ sản xuất nông nghiệp nhưng hiệu quả mang lại rõ nhất là việc quay vòng vốn nhanh, không phát sinh nợ xấu.
Chứng kiến sự đổi thay trên các cánh đồng mía, mì, rau màu của bà con nông dân ở huyện Đak Pơ mới hiểu được vốn tín dụng chính là chiếc cầu nối, là điểm tựa quan trọng để phát triển sản xuất. Nhờ đồng vốn ngân hàng cùng với nhiều sự hỗ trợ khác, bà con nông dân đã biết ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới vào sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế, xây dựng nhiều mô hình kinh tế có thu nhập từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Nguồn vốn vay của Agribank đã góp phần làm tăng diện tích mía, mì, lúa, rau màu; tăng số lượng đàn trâu bò; mở rộng dịch vụ kinh doanh buôn bán trên địa bàn.
Tính đến nay, tổng dư nợ cho vay của Chi nhánh Agribank Đak Pơ đạt hơn 372 tỷ đồng với 3.692 khách hàng còn dư nợ. Trong đó, dư nợ cho vay cá nhân, hộ gia đình sản xuất chiếm tỷ trọng lớn nhất với 279 tỷ đồng (3.483 khách hàng); dư nợ hộ kinh doanh mua bán 75 tỷ đồng (91 khách hàng); dư nợ cho vay qua tổ gần 10 tỷ đồng với 22 tổ (115 khách hàng); dư nợ doanh nghiệp nhỏ và vừa gần 9 tỷ đồng (3 doanh nghiệp). |
Ông Đỗ Văn Thế-Giám đốc Chi nhánh Agribank Đak Pơ, cho biết: Chi nhánh đang tập trung tối đa nguồn vốn cho hàng ngàn hộ nông dân, hộ kinh doanh trên địa bàn được vay, tạo nguồn lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao. Để tăng cường đầu tư vốn tín dụng cho “tam nông”, Chi nhánh đã chú trọng mở rộng đối tượng cho vay, đơn giản tối đa hồ sơ thủ tục, áp dụng linh hoạt các biện pháp bảo đảm tiền vay theo tinh thần Nghị định 55. Chi nhánh đang phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, vận động để phấn đấu 100% hộ dân có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận vốn tín dụng; đẩy mạnh cho vay qua tổ gắn với mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Vũ Thảo