(GLO)- Địa bàn Gia Lai được đánh giá là vùng trầm tích về khảo cổ học khi có tới hơn 40 di tích khảo cổ được phát hiện trong nhiều năm qua, trong đó có những di chỉ được giới khảo cổ nhận định có ý nghĩa quan trọng đối với ngành khảo cổ học. Thế nhưng, hàng chục di chỉ khảo cổ học được phát hiện để rồi sau đó rơi vào lãng quên.
Theo thống kê của Bảo tàng tỉnh, trong nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh ta đã phát hiện 41 di tích khảo cổ, phân bố ở một số địa phương nhưng tập trung nhiều nhất ở các huyện Chư Prông, Đức Cơ và khu vực phía Đông tỉnh. Tuy nhiên cho tới nay mới chỉ có 7 di chỉ được tiến hành khai quật.
Những phát hiện quan trọng
Các chuyên gia khảo cổ học khảo sát địa tầng văn hóa vừa phát hiện tại thị xã An Khê. Ảnh: Nguyễn Giác |
Phế tích tháp Chăm (tháp Bang Keng) tại buôn Jú, xã Krông Năng (huyện Krông Pa) được phát hiện năm 2006 là di tích khảo cổ quan trọng chứng minh Tây Nguyên từng là cương vực của Chăm Pa. Đây là phát hiện gây sự chú ý đặc biệt đối với các chuyên gia đầu ngành về khảo cổ cho thấy sự nghi ngờ về dấu ấn văn hóa Chăm tại Tây Nguyên là có thật. Trước đây, trong một vài sử liệu và ghi chép của một số học giả người Pháp cũng đã ghi nhận từ rất sớm các tháp Chăm ở khu vực Kon Tum, Cheo Reo (nay là thị xã Ayun Pa) và một số điểm khác ở khu vực Tây Nguyên. 4 năm sau đó (năm 2006), di chỉ khảo cổ này được tiến hành khai quật để phục vụ công tác nghiên cứu. Sau khai quật đã có báo cáo khoa học về di tích khảo cổ này. Một số hiện vật của tháp Bang Keng-được cho là đền thờ có ảnh hưởng kiến trúc đền của Ấn Độ giáo-hiện được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh.
Liên quan đến những phát hiện khảo cổ văn hóa Chăm còn có một bia đá khắc chữ Phạn của người Chăm cổ được phát hiện tại thôn Tư Lương, xã Tân An (huyện Đak Pơ). Những ký tự khắc đều đẹp ở cả hai mặt đá được một số nhà nghiên cứu tạm xác định niên đại khoảng thế kỷ XI-XII. Kiểu bia và chữ viết trên bia đá giống với bia đá tại một số tháp Chăm ở Ninh Thuận.
Khai quật khảo cổ tại phế tích Bang Keng, xã Krông Năng, huyện Krông Pa. Ảnh: Nguyễn Giác |
Cùng với những phát hiện quan trọng về dấu ấn văn hóa Chăm còn có hàng chục di tích khảo cổ được phát hiện có vết tích văn hóa thời tiền sử như di tích Ia Boong-làng Klăh, di tích suối đội 7-làng Klũh ở xã Ia Boòng; di tích Suối Bích-làng Sung O, xã Ia O (huyện Chư Prông); các địa điểm Gò Đá, Rộc Tưng, Rộc Hương, Rộc Giáo, Rộc Lớn ở thị xã An Khê; di tích làng H’Lang-xã Yang Nam (huyện Kông Chro)... Tại một số địa điểm này, ngành khảo cổ đã tiến hành khai quật và phát hiện nhiều tổ hợp công cụ đồ đá vô cùng phong phú, cho thấy sự tồn tại của người cổ xưa nhất Việt Nam. Điều đáng nói đây đều là những phát hiện khảo cổ mang tính đột phá về con người thời tiền sử ở khu vực Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung. Đặc biệt, mới đây khi ngành khảo cổ tiến hành khai quật các điểm ở vùng thượng du sông Ba đã đưa ra một kết luận quan trọng: Dựa trên những tổ hợp công cụ lao động khác biệt và cổ xưa hơn những công cụ phát hiện trước đó ở Việt Nam, các chuyên gia khảo cổ cho rằng, vùng thượng du sông Ba là một trong những vùng đất cổ xưa của nhân loại, hé lộ nhiều bí ẩn về cuộc sống của người cổ trong giai đoạn bình minh của loài người.
Bị lãng quên
Trong tổng số 41 di chỉ khảo cổ được phát hiện, đến nay mới chỉ 7 di chỉ được khai quật, đây là con số khá khiêm tốn. Anh Hồ Xuân Toản-Trưởng phòng Nghiệp vụ Bảo tàng tỉnh cho biết: “Các di chỉ được khai quật chỉ dừng lại ở mục đích nghiên cứu khoa học, chưa di chỉ khảo cổ nào được cấp kinh phí bảo tồn, phát huy di sản khảo cổ. Những phát hiện khảo cổ quan trọng, có giá trị tại Gia Lai đang có nguy cơ biến mất. Tháp Bang Keng sau 5 năm tiến hành khai quật, lấy một số hiện vật về trưng bày rồi để đó. Đến nay, tháp Chăm này chỉ còn lại là một ụ đất cây cối um tùm, hoang phế, hiếm bước chân người lui tới”.
GS. Nguyễn Khắc Sử mô tả hiện vật vừa phát hiện. Ảnh: Nguyễn Giác |
Các di chỉ khảo cổ tại huyện Chư Prông và Đức Cơ hầu như chỉ nằm trong các báo cáo khoa học. Địa điểm các di chỉ này cũng chỉ một vài nhà khoa học biết đích xác vì phải lui tới tìm hiện vật nghiên cứu. Hỏi người dân về di chỉ khảo cổ ngay dưới chân họ, họ đều lắc đầu không biết. Riêng các điểm khảo cổ tại thị xã An Khê, do mới tiến hành khai quật nên người dân cũng biết láng máng nhưng không hề quan tâm đến sự tồn tại của các di chỉ khảo cổ học được xem là những phát hiện quý giá này. Chưa kể, các điểm này nằm trong khu vực đất canh tác của người dân nên có thể sẽ bị xóa sổ trong quá trình trồng trọt, chuyển đổi đất đai…
Theo lãnh đạo ngành Văn hóa, để phục vụ công tác bảo tồn các di chỉ khảo cổ cần nguồn kinh phí khổng lồ. Không chỉ thiếu kinh phí, khó khăn lớn nữa là thiếu nguồn tư liệu về các di chỉ khảo cổ. Đa số các di chỉ tại Gia Lai từ trước đến nay đều do người dân phát hiện, mách cứ sau đó cán bộ văn hóa hoặc chuyên gia khảo cổ mới tìm đến thu nhận hiện vật, tiến hành nghiên cứu, xác minh chứ không có bất cứ tư liệu nào dẫn đưa. Đến nay, mới chỉ có tháp Bang Keng được một vài học giả nhắc đến trong các công trình nghiên cứu về văn hóa Chăm Pa.
Hoàng Ngọc