Phú Thiện: Nhà vườn vào vụ hoa Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những ngày này, không khí tất bật chuẩn bị cho vụ hoa Tết đang hiện diện tại khắp các nhà vườn ở huyện Phú Thiện, Gia Lai. Nghề trồng hoa Tết đã góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân nơi đây.
Hơn 7 giờ, tại cánh đồng Lộc Thiện (tổ 1, thị trấn Phú Thiện), gia đình bà Nguyễn Thị Tuyết đang tưới nước cho 2 sào hoa lay ơn. Sau hơn 2 tháng gieo trồng, vườn lay ơn đã cao gần nửa mét, lá xanh tốt, hứa hẹn ra hoa đúng dịp Tết. Với kinh nghiệm trồng hoa gần 20 năm, Tết năm nào gia đình bà Tuyết cũng chuyên canh hoa lay ơn để phục vụ nhu cầu thị trường tại chỗ và bán cho các mối kinh doanh hoa tươi ở các tỉnh phía Bắc.
 Ông Phan Văn Tố (tổ 1, thị trấn Phú Thiện) chăm sóc vườn hoa lay ơn của gia đình. Ảnh: P.N
Ông Phan Văn Tố (tổ 1, thị trấn Phú Thiện) chăm sóc vườn hoa lay ơn của gia đình. Ảnh: P.N
Bà Tuyết cho biết: Đất đai và khí hậu nơi đây tương đối thuận lợi nên người trồng hoa ngày càng nhiều, dần hình thành nên làng hoa. Ở đây, người dân chủ yếu trồng lay ơn, cúc, mai… Nghề trồng hoa giúp gia đình bà cũng như nhiều hộ dân khác có cuộc sống khấm khá hơn. Tuy nhiên, chăm hoa cũng như chăm con mọn, phải tỉ mẩn từng khâu từ giống, trồng, bón phân, chăm sóc đến việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng liều lượng để có được cành hoa đạt tiêu chuẩn, ra đúng dịp Tết. Hoa lay ơn ở đây rất được ưa chuộng vì màu sắc đậm, đẹp hơn các vùng miền khác.
Cùng thời điểm này, gia đình ông Phan Văn Tố (tổ 1, thị trấn Phú Thiện) cũng đang tất bật chăm sóc hơn 3 sào lay ơn được nhập giống từ Đà Lạt. Với đà sinh trưởng, phát triển như hiện tại, ông Tố dự tính sẽ cung ứng khoảng hơn 10.000 nhành hoa cho thị trường dịp Tết. “Trong quá trình trồng và chăm sóc, khâu làm đất là quan trọng nhất. Đất phải được cày tơi để cây hấp thụ dưỡng chất nhiều nhất. Hoa lay ơn vùng này có kiểu dáng đẹp, màu sắc đa dạng, lâu tàn, cành gọn nhẹ dễ vận chuyển và được người tiêu dùng ưa chuộng. Dự tính năm nay, với mỗi sào hoa, gia đình tôi thu về khoảng 30 triệu đồng”-ông Tố chia sẻ.
Ở thôn Thanh Trang (xã Ia Peng), 4 sào hoa huệ trắng của gia đình anh Rơ Com Tuấn Anh cũng đang vào vụ Tết. Nhờ nắm bắt được kỹ thuật chăm sóc nên anh thu nhập trung bình trên 10 triệu đồng/tháng. Anh Tuấn Anh cho hay: So với các loại hoa khác, hoa huệ có giá trị kinh tế cao, giá ổn định, là loài hoa quen thuộc của nhiều gia đình Việt. Vào các dịp lễ, Tết, hoa huệ giúp người trồng thu về một khoản lợi nhuận không nhỏ. “Để phục vụ Tết Nguyên đán 2020, từ tháng 8, tháng 9 Âm lịch, gia đình tôi đã xuống giống hoa huệ. Tết là thời điểm hoa huệ có giá bán cao nhất trong năm, đặc biệt là vào 3 ngày cuối cùng của tháng Chạp”-anh Tuấn Anh chia sẻ.
Tại địa bàn thị trấn Phú Thiện, khu vực trồng hoa nhiều nhất là dọc suối Ia Sol với làng hoa Lộc Thiện (tổ 1 và tổ 3)-nơi có đất phù sa màu mỡ, điều kiện nước tưới thuận lợi, nông dân có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng hoa. Đa số các hộ dân đều lựa chọn trồng những loại hoa truyền thống như: lay ơn, cúc, mai... với tổng diện tích gần 10 ha. Nhìn chung, với sự tích cực chăm bón và điều kiện thời tiết như hiện tại, hoa của Phú Thiện năm nay sẽ nở đẹp đúng vào dịp Tết, đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương trong dịp Tết Nguyên đán năm nay.
Ông Đinh Văn Chinh-Chủ tịch UBND thị trấn Phú Thiện-cho biết: “Để đảm bảo lượng hoa phục vụ Tết Nguyên đán 2020, UBND thị trấn đã xây dựng kế hoạch và động viên bà con nhân dân ở 2 khu vực trồng hoa trọng điểm là tổ 1 và tổ 3 tích cực chăm sóc các loại hoa. Qua khảo sát, nhiều diện tích hoa phát triển tương đối tốt, một số nơi chuẩn bị thu hoạch bán dần. Hy vọng từ đây đến cuối năm thời tiết ổn định để hoa nở đẹp, đúng dịp, giúp người dân có thêm thu nhập nhằm đón cái Tết sung túc”.
 PHẠM NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Dựa vào dân để giữ rừng

Dựa vào dân để giữ rừng

(GLO)- Thời gian qua, các địa phương, đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh triển khai công tác giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và cá nhân sống gần rừng.
Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

(GLO)- Công tác khảo nghiệm, xây dựng các mô hình trình diễn giống mì và lúa năng suất chất lượng cao, kháng bệnh tốt là bước đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo hướng bền vững.
Khó khăn trong tiêm phòng vắc xin bệnh dại ở Gia Lai

Khó khăn trong tiêm phòng vắc xin bệnh dại ở Gia Lai

(GLO)-   Gia Lai đang trải qua cao điểm nắng nóng gay gắt, thời điểm này dễ phát sinh  dịch bệnh động vật trong đó bệnh dại trên đàn chó, mèo là nỗi lo lớn nhất hiện nay.  Giải pháp đẩy mạnh tiêm phòng vắc xin bệnh dại là ưu tiên của các địa phương hiện nay.
Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Năm nay, thời tiết khắc nghiệt quá, nắng nóng kéo dài khiến ao, hồ cạn trơ đáy. Ảnh: Gia Hưng

Gia Lai thiệt hại do hạn hán gần 10 tỷ đồng

(GLO)-

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh: Tính đến ngày 24-4, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận thiệt hại do hạn hán gần 10 tỷ đồng, với 379,6 ha cây trồng các loại bị thiệt hại.