Một thời mê sách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi có thói quen cứ mỗi cuối tuần lại lang thang hiệu sách. Ngợp giữa những giá sách thơm mùi giấy mới, thấy thảng hoặc mới có một vị khách nhấc lên rồi hững hờ đặt xuống mà nhớ cái thời mê sách chưa xa…
Vào những năm 80 của thế kỷ trước, cả Gia Lai chỉ có một hiệu sách ở giao lộ Phan Bội Châu-Quang Trung-Nguyễn Văn Trỗi. Bấy giờ, sách xuất bản chủ yếu tập trung vào hai mảng: chính trị và văn học-văn hóa. Sách hay thường nằm ở các thành phố lớn, còn ở tỉnh lẻ nếu có thì số lượng cũng rất hạn chế, thậm chí có những thời điểm sách còn được bán theo giấy giới thiệu của cơ quan. Những kẻ “mọt sách” ở Gia Lai bởi thế phải “rình” khi nào có sách hay về tới là ới cho nhau ngay. Trong bối cảnh đất nước bấy giờ, mảng sách văn học nhiều cuốn được in trên thứ giấy nứa vàng khè, có khi còn dùng cả trên thứ giấy một mặt nhẵn, một mặt nhám do các hợp tác xã thủ công nghiệp sản xuất; chữ nhỏ li ti, nét được nét mất do công nghệ in ti pô lạc hậu. Tôi vẫn còn giữ cuốn “Những ngôi sao ban ngày” của Onga Becgon, “Dòng sông ai đã đặt tên” của Hoàng Phủ Ngọc Tường như một điển hình của thứ sách in thời khốn khó… Hình thức là thế nhưng số lượng in đến hai, ba chục ngàn cuốn vẫn cứ bán hết veo. Hiếm thấy cuốn nào, kể cả thơ, nằm trên kệ sách quá vài ba tháng. 
 Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Những người mê sách thời ấy hẳn còn nhớ cái tên “Nhà Xuất bản Cầu Vồng”. Đây là nhà xuất bản ngoại văn của Liên Xô. Các tác phẩm nổi tiếng của văn học Nga-Xô viết như “ Puskin tuyển tập văn xuôi”, “Leptônxtôi truyện chọn lọc”, “Gắng sống đến bình minh”, “Đất vỡ hoang”… đều do nhà xuất bản này ấn hành. Sách được in trên giấy trắng, đóng bìa cứng trang trọng mà giá lại rất rẻ (thực ra là bạn cho không nhưng ta lại mang ra bán), gần như phải giành giật nhau mới mua được. Nhớ một lần họp cộng tác viên, tôi được Tạp chí Văn nghệ Gia Lai-Kon Tum tặng cuốn “Puskin tuyển tập văn xuôi” và “Không chốn nương thân” thì vô cùng sung sướng, cứ nâng niu, ngắm nghía như thể được cho báu vật!
Sách hiếm và đồng lương eo hẹp nên không phải ai cũng có điều kiện mua sách. Thế nên thư viện bấy giờ là một địa chỉ được đông người lui tới. Thư viện tỉnh ở đường Lê Lợi phải mở cửa từ sáng đến 9 giờ đêm để phục vụ người đọc. Hồi ấy, một vài gã mê sách còn nghĩ ra cách để “xoáy” sách thư viện. Bởi mỗi độc giả chỉ được mượn mỗi lần 2 cuốn, các gã bèn dùng chiêu mỗi lần chỉ trả 1 cuốn rồi mượn tiếp 2 cuốn nữa. Cứ thế dần dà danh sách mượn dài lên, thủ thư không để ý là quên gạch cuốn chưa trả. Hoặc giả có phát hiện thì các gã cũng sẽ cãi chày cãi cối là đã trả rồi. Tuy nhiên có gã chẳng cần đến thế, cứ gặp được sách quý là ẵm luôn, giả vờ khai mất, chấp nhận đền tiền gấp nhiều lần giá gốc theo quy định… Cũng là thời ham đọc mà bấy giờ đã mọc ra một thứ dịch vụ có lẽ “một đi không trở lại”: Cho thuê sách. Ở Pleiku đáng kể nhất là tiệm cho thuê sách ở đường Lê Lợi do ông Trần Hậu mở. Không chỉ cho thuê, ông Hậu còn buôn bán sách. Nguyên là cán bộ ngành văn hóa nghỉ hưu, ông Hậu là người “biết người biết của”. Vậy nên, có những lúc bí tiền uống rượu, tôi đưa sách đến vờ bán để vài hôm sau kiếm tiền chuộc về, ông vẫn vui vẻ. Thậm chí, biết tỏng thứ mẹo vặt này, ông không bày sách của tôi lên giá vì sợ người ta mua mất. Chẳng phải riêng tôi, khá nhiều người bấy giờ vẫn làm trò ấy. Cứ nhìn cuốn sách là biết ngay ai vừa bí tiền… nhậu. Cũng nói ngay là sách “chợ đen” giá phải gấp hơn chục lần giá gốc, thế nên đưa một cuốn sách có giá trị ra “cắm” là đủ bữa nhậu. Tôi có 2 bộ “Chiến tranh và hòa bình” nên mang bán một bộ. Giá gốc chỉ mười mấy đồng mà chợ đen mua 100 đồng, bằng một tháng rưỡi lương đại học mới ra trường hồi ấy.
Chuyện mê sách một thời là thế dường như đã lùi vào dĩ vãng. Người ta đang than thở về sự xuống cấp của “văn hóa đọc”, về sự chết chìm của nó trong dòng thác thông tin. Quả là bây giờ thật hiếm thấy một cán bộ, công chức, viên chức vào thư viện hay đến hiệu sách, lại càng hiếm thấy ai đó mua một cuốn sách văn chương về đọc. Rất ít gia đình có một tủ sách đúng nghĩa. Lời cổ nhân “Tích lũy nghìn vàng không bằng tích lũy cho con một cuốn sách” đã trở nên… lạc hậu rồi. “Văn hóa đọc” bắt đầu từ nền tảng gia đình. Vậy thì có lẽ cũng chẳng nên trách thế hệ bây giờ… Thời bao cấp, mọi thứ thường hay bị chê, bị “tố”, nhưng ai cũng phải công nhận rằng bấy giờ người ta sống với nhau nhân ái hơn, tình người hơn. Phải chăng, điều này đã có sự góp công của “văn hóa đọc”?
 NGỌC TẤN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.