Pleiku trước ngày 17-3 lịch sử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

“Kể từ ngày 15-12-1967, hầu như đêm nào cán bộ- chiến sĩ Tiểu đoàn Đặc công 408 Tỉnh đội Gia Lai cũng bí mật lặng lẽ ra vào thị xã Pleiku thực hiện nhiệm vụ. Và trong buổi chiều ngày 17-3-1975, khi cùng đoàn quân tiến vào thị xã chiếm giữ các mục tiêu: Tòa Hành chính, Khu cố vấn Mỹ, Khu biên chấn, Quân cảnh Tư pháp, Kho gạo, Trại Cao Thắng trong quang cảnh im lìm hỗn loạn, chúng tôi vẫn đôi phút ngỡ ngàng bởi chiến sự diễn ra quá nhanh...”.

Thị xã Pleiku trước năm 1975. Ảnh: Tư liệu
Thị xã Pleiku trước năm 1975. Ảnh: Tư liệu

Mốc son lịch sử  mùa Xuân 1975 đã lần giở sang năm thứ 35- một quãng thời gian vừa đủ cho nửa đời người, thế nhưng những người lính đặc công Tiểu đoàn 408 năm xưa, trong họ vẫn còn vẹn nguyên ký ức và cảm xúc đặc biệt về ngày 17-3-1975. Bởi với họ, để đi đến ngày hòa bình chiến thắng đã có biết bao anh em đồng đội đặc công đã âm thầm ngã xuống trên mảnh đất này. Trong tâm trạng bồi hồi, xúc động, ông Hoàng Đình Thẻ- một người lính đặc công Tiểu đoàn 408 năm xưa trầm ngâm kể lại: “Trong chiến dịch Tây Nguyên mùa Xuân 1975, Pleiku- Gia Lai là hướng nghi binh chiến dịch, cấp trên yêu cầu “Phải liên tục tấn công để giam chân, thu hút địch”. Đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, đòi hỏi cán bộ- chiến sĩ Tiểu đoàn 408 phải kiên cường chịu đựng khó khăn, gian khổ ác liệt để bám trụ địa bàn, khôn khéo đánh lừa địch để hoàn thành nhiệm vụ.

Đầu mùa khô năm 1974, đường 220 đã vươn tới Plei Bông, Trung đoàn 95A liên tục tấn công địch trên đường 19. Lực lượng công binh tiếp tục soi đường từ chân dốc Nhòm ra khu vực đồn điền chè Đak Đoa (nay là xã Đak Sơ Mei- huyện Đak Đoa). Đại đội 60- Tiểu đoàn 408 Đặc công Tỉnh đội Gia Lai đã liên tục tập kích trận địa phòng không 4 nòng 2 ô tô, đánh sập 2 lô cốt, 9 căn nhà và tiêu diệt toàn bộ quân địch. Trung đội cối 82 mm pháo kích Sân bay Cù Hanh, C2K31 pháo kích sân bay Aria. Sư đoàn 968 từ Hạ Lào về, bí mật vào thay thế Sư đoàn 10, Sư đoàn 320 đánh địch ở phía Tây thị xã Pleiku.

Địch phán đoán ta tiến công thị xã nên chúng vội vã điều Trung đoàn 45 đang càn quét ở Thuần Mẫn về Thanh An, đồng thời cho rút Liên đoàn Biệt động số 23 từ Kon Tum về Đông Bắc thị xã Pleiku, Liên đoàn Biệt động số 4 về Bàu Cạn. Từ phía Chư Á về đến Lệ Chí, Chư Jô có hai Tiểu đoàn Bảo an số 239, 240 liên tục tổ chức càn quét, có trận địa pháo 105 mm ở phía Bắc xã Hà Bầu yểm trợ. Trong tình thế địch co cụm phòng giữ khép kín Pleiku, chúng tôi được lệnh bằng bất cứ giá nào phải liên tục tấn công vào các điểm trọng yếu của địch như Tổng kho Aria, Sân bay Cù Hanh để tạo tiếng vang, cầm chân thu hút địch tại chiến trường này.

Trước yêu cầu nhiệm vụ, lực lượng Đặc công Tỉnh đội Gia Lai gánh trên vai nhiệm vụ vô cùng quan trọng lúc này. Để đánh được Tổng kho Aria, Sân bay Cù Hanh, các đại đội đặc công vừa phải tìm mọi cách bám trụ địa bàn, vừa phải điều tra nghiên cứu địa hình thật kỹ để tìm cách bí mật xâm nhập mà không đánh động địch. Ban ngày, chúng tôi ém quân nhưng khi màn đêm vừa buông xuống các đại đội đặc công khôn khéo luồn tránh địch, áp sát mục tiêu cắt-vượt qua nhiều lớp hàng rào dây thép, kẽm gai, vượt qua bãi mìn dày đặc và tránh được các vọng gác tuần tra sáng đêm của địch. Đến 2-3 giờ sáng, chúng tôi lại âm thầm quay ra, chỉ cắt cử lại 1 đồng chí bí mật nằm lại bên trong hàng rào dưới lớp cỏ ngụy trang khôn khéo.

Sau 2 đêm liên tục đột nhập, Đại đội 60 đã tìm cách vào được Tổng kho. Tiểu đoàn quyết định tập kích nổ lớn vào đêm 14-3, rạng sáng ngày 15-3-1975. Bằng sự gan dạ, mưu trí, dũng cảm các chiến sĩ đặc công đã tiếp cận thành công mục tiêu, cài đặt 2 khối bộc phá tạo hiệu ứng cháy nổ lớn làm rung chuyển cả thị xã Pleiku kéo dài nhiều giờ liền, góp phần làm hoang mang dao động tinh thần địch. Sau trận đánh lớn thành công, đêm 16-3 khi trên đường vào tổng kho, sân bay chúng tôi đã gặp đội công tác Thị ủy khu 9 (nay là Thành ủy Pleiku) được các anh cho biết: Tình hình thị xã Pleiku đang rất hỗn loạn, địch vô cùng hoang mang và xuống tinh thần, đang tháo chạy về phía Phú Bổn...

Sơn Ca (Ghi theo lời kể của ông Hoàng Đình Thẻ)  

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.