"Phù thủy" tranh bướm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sinh ra và lớn lên tại TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, 5 tuổi, trong một lần bị sốt ác tính, chị Nguyệt Ánh phải chịu nỗi đau khi một chân không thể đi lại bình thường. Thế nhưng, bằng nghị lực vượt qua bệnh tật cùng với tình yêu côn trùng, đặc biệt là loài bướm, chị đã ấp ủ một ước mơ làm sống mãi nét đẹp từ những hoa văn của loài côn trùng này.
"Tôi quyết tâm vun đắp ước mơ nuôi bướm làm tranh để nối tiếp vòng đời cho chúng. Chính những cánh bướm đã làm cho tôi vơi đi mặc cảm bệnh tật. Từ đó cuộc sống gia đình tôi sang trang mới bằng niềm tin và hy vọng" - chị nói về những cánh bướm đã thay đổi cuộc đời chị.
Để có được những bức tranh làm từ hàng ngàn con bướm, chị phải trải qua quá trình sưu tầm, gây giống, nuôi bướm, chăm sóc rất kỳ công. Bởi thế giới loài bướm rất đa dạng và muôn màu, có bướm ngày và bướm đêm, mỗi loài một màu sắc rực rỡ khác nhau, chị phải lặn lội khắp mọi miền đất nước để tìm giống về nuôi. "Nhiều lúc tôi phải ăn ngủ luôn tại trại nuôi bướm để theo dõi từng li từng tí những biến đổi của chúng. Tùy theo giống bướm mà cho bướm mẹ đẻ trứng trên những loại lá cây khác nhau để sâu non nở ra có thức ăn phù hợp, màu sắc mới đẹp và đa dạng" - chị chia sẻ.
 
Chị Nguyệt Ánh bên những tác phẩm tranh bướm độc đáo của mình. Ảnh: Đình Thi
Trải qua gần 20 năm khởi nghiệp, đến nay cơ sở Tranh bướm Ánh Kim (phường Lộc Tiến, TP Bảo Lộc) đã cho ra mắt hàng ngàn bức tranh bướm các loại với nét độc đáo của tự nhiên. Từ những cánh bướm, chị tỉ mỉ kết thành những bức tranh đầy màu sắc mang hơi thở cuộc sống gần gũi, bình dị. Đứng trước những bức tranh bướm nghệ thuật đủ màu sắc của chị Nguyệt Ánh, người ta nhận ra đủ cung bậc cảm xúc của cuộc sống. Một cánh rừng mùa thu, một bếp lửa mùa đông, một không gian phố cổ đầy hoài niệm, đến cảnh người đi trong gió mưa, nỗi buồn của 1 thiếu nữ, giờ ra chơi với những nữ sinh đùa vui, hay tình mẫu tử, đôi trai gái hẹn hò… đều hiện ra sinh động, độc đáo trong các tác phẩm của chị.
Hiện nay, tranh bướm của chị được xuất bán ra các thị trường trong nước như: Đà Lạt, TP HCM, Nha Trang, Hà Nội, Đà Nẵng..., đến các thị trường nước ngoài như: Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Trung Đông với giá từ 200.000 đồng đến vài triệu đồng mỗi bức. "Để tạo ra một bức tranh bướm hoàn chỉnh, phải qua rất nhiều công đoạn như chọn các loại bướm, ướp xác, sấy khô, vẽ mẫu, lên khuôn. Sau đó, tùy vào ý tưởng và nội dung của từng bức tranh mà cần phải chọn những cánh bướm cho phù hợp với từng gam màu rồi kết chúng lại với nhau. Có bức tranh chỉ một con bướm nhưng có tác phẩm cần đến hàng trăm cánh bướm" - chị nói về công việc của mình rồi cho hay hiện đang dạy nghề và tạo việc làm ổn định cho 10 lao động tại địa phương.
Để giới thiệu sản phẩm tới người yêu tranh, chị cũng đã liên kết với nhiều công ty du lịch mở các tour du lịch, đưa du khách đến tham quan. "Khi đến đây, du khách không chỉ được hòa mình vào không gian nghệ thuật độc đáo thể hiện qua từng bức tranh mà còn được khám phá về thế giới tự nhiên sinh động của loài bướm" - anh Đặng Văn Hòa, một hướng dẫn viên, nói. 
Đình Thi (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Khi ngư dân lên núi đánh cá, làm du lịch

Khi ngư dân lên núi đánh cá, làm du lịch

Giữa lòng hồ Sê San mênh mông nơi biên viễn Ia H’Drai có một làng chài mang đậm dấu ấn của miền Tây Nam Bộ. Nơi đó có câu chuyện về hành trình của những cư dân miền Tây tha phương mang theo mơ ước về một cuộc sống đủ đầy.