Phú Thiện: Sôi nổi phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp được triển khai rộng khắp các xã, thị trấn của huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai). Từ phong trào đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, góp phần cải thiện đời sống đoàn viên, thanh niên.
Thanh niên tự tin lập nghiệp
Anh Rcom Tuấn Anh (thôn Thanh Trang, xã Ia Peng) là một trong những gương thanh niên làm kinh tế giỏi. Năm 2014, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, anh xin cha mẹ 1 sào ruộng trồng thử nghiệm hoa huệ. Nhận thấy loài hoa này cho hiệu quả kinh tế cao nên anh nhân rộng ra 5 sào.
Anh cho biết: Tháng 4, huệ bắt đầu ra hoa và kéo dài đến 2 năm. Cách 4-5 ngày, 1 sào huệ thu 300-400 cành hoa; lúc rộ có thể lên tới 1.000 cành hoa. Bông huệ chủ yếu bán cho các đầu mối tiêu thụ tại chợ thị xã Ayun Pa và chợ Phú Thiện.
Cũng theo anh Rcom Tuấn Anh, trồng hoa huệ vất vả nhất ở khâu phòng trừ bệnh nhện đỏ, rệp, nấm. Vì vậy, sau 2 năm thu hoạch, anh chuyển sang trồng đậu hoặc bắp, vừa giúp cây trồng kháng được bệnh, vừa cải tạo đất. Ngoài diện tích trồng huệ, anh đầu tư thêm 3 ao nuôi cá, 5 con bò vỗ béo và 1 sào cây ăn quả.
“Với mô hình kinh tế trang trại tổng hợp, mỗi năm, gia đình tôi lãi gần 200 triệu đồng. Sắp tới, tôi dự định chuyển một phần diện tích ao nuôi cá sang trồng cây ăn quả nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn”-anh Rcom Tuấn Anh chia sẻ.
Anh Rcom Tuấn Anh (thôn Thanh Trang, xã Ia Yeng) chia sẻ kinh nghiệm trồng hoa huệ. Ảnh.Vũ Chi
Anh Rcom Tuấn Anh (thôn Thanh Trang, xã Ia Yeng) chia sẻ kinh nghiệm trồng hoa huệ. Ảnh: Vũ Chi
Còn anh Nguyễn Văn Công (thôn Thắng Lợi 1, xã Ia Sol) thì lựa chọn mô hình nuôi vịt chạy đồng để phát triển kinh tế. Dựa vào thế mạnh của địa phương có diện tích trồng lúa lớn, mỗi năm, anh đầu tư 2 lứa vịt chạy đồng với số lượng 2.000 con/lứa.
Anh cho biết: Nuôi vịt chạy đồng tiết kiệm được chi phí thức ăn. Nhờ vận động và ăn thức ăn tự nhiên nên vịt nhanh lớn, thịt săn chắc. Sau 60-70 ngày, vịt đạt trọng lượng hơn 2 kg, bán với giá 70-80 ngàn đồng/con. Cùng với 5 sào khoai lang, sau khi trừ chi phí, anh lãi trên 100 triệu đồng/năm.
Hỗ trợ Đoàn viên, thanh niên
Nhằm giúp thanh niên khởi nghiệp thành công, thời gian qua, Huyện Đoàn Phú Thiện đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ thanh niên về cây-con giống, tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ vay vốn… tạo điều kiện để thanh niên vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Năm 2019, được Huyện Đoàn và Đoàn xã hỗ trợ 80 cây na dai không hạt, anh Vũ Văn Dũng (thôn Thắng Lợi 2, xã Ia Sol) đã mua thêm hơn 400 cây na dai không hạt về trồng. Anh Dũng cho hay: “Mình ấp ủ ý tưởng phát triển cây ăn quả từ lâu nhưng chưa có điều kiện thực hiện. Năm 2019, khi biết mình chuẩn bị triển khai mô hình, Huyện Đoàn cùng Đoàn xã đã hỗ trợ thêm cây giống cũng như ngày công giúp mình có thêm tự tin thực hiện dự định. Dự kiến đầu năm sau, mình sẽ thu hoạch lứa đầu tiên”.
Đoàn viên, thanh niên tham quan mô hình trồng na dai của anh Vũ Văn Dũng (bìa trái, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện). Ảnh: Vũ Chi
Đoàn viên, thanh niên tham quan mô hình trồng na dai của anh Vũ Văn Dũng (bìa trái; xã Ia Sol, huyện Phú Thiện). Ảnh: Vũ Chi
Năm 2020, Huyện Đoàn Phú Thiện phối hợp với Tỉnh Đoàn hỗ trợ 1 cặp dê giống cho chị Siu H’Lớ (buôn Plei Kte Lớn, xã Ia Yeng) và 30 cây mít Thái cho anh Hà Văn Tung (buôn Rok, xã Chư A Thai). Cả hai đều là đoàn viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.
Chị Siu H’Lớ bộc bạch: “Được hỗ trợ 1 cặp dê giống để phát triển kinh tế, vợ chồng mình mừng lắm! Vợ chồng mình sẽ chăm sóc cặp dê thật tốt. Hy vọng chúng sớm giúp mình cải thiện thu nhập”.
Chị Ksor H’Mloan-Bí thư Huyện Đoàn Phú Thiện-cho biết: Tính đến cuối năm 2020, Huyện Đoàn đã tạo điều kiện cho hơn 600 đoàn viên, thanh niên vay vốn từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với tổng dư nợ 33 tỷ đồng để phát triển kinh tế. Từ phong trào khởi nghiệp đã xuất hiện một số mô hình hay và hiệu quả cần được nhân rộng.
“Thời gian tới, Huyện Đoàn tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tập huấn, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp cho thanh niên. Đồng thời, tổ chức tham quan các mô hình khởi nghiệp hiệu quả, giúp đoàn viên chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi những mô hình phù hợp với điều kiện của mình để vận dụng thực hiện”-Bí thư Huyện Đoàn nhấn mạnh.
VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.