(GLO)- Thời gian qua, vấn nạn xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em ở tỉnh Gia Lai nói riêng, cả nước nói chung ngày càng gia tăng, để lại những hệ lụy nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Giải pháp nào phòng ngừa, ngăn chặn tội ác này để bảo vệ trẻ em là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, đề xuất tại hội thảo khoa học do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Gia Lai phối hợp với Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh tổ chức mới đây.
Thủ phạm phần lớn là người thân quen
Dẫn chứng tại hội thảo, Đại tá Phan Thanh Tám-Phó Giám đốc Công an tỉnh-cho biết: Từ năm 2015 đến nay, lực lượng Công an toàn tỉnh đã phát hiện 121 vụ XHTD trẻ em; trong đó, hiếp dâm 53 vụ, giao cấu 47 vụ, thực hiện hành vi dâm ô 21 vụ. Xâm hại tình dục trẻ em luôn chiếm tỷ lệ rất cao (76,1%) so với các vụ XHTD nói chung và có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt, số trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại tăng. Tuy nhiên, những con số thống kê trên chỉ là phần nổi, thực tế còn cao hơn rất nhiều do người thân, nạn nhân giấu giếm vụ việc vì sợ tổn hại uy tín, danh dự của gia đình, nhất là bị các đối tượng mua chuộc, dụ dỗ, đe dọa. Một nguyên nhân nữa là nạn nhân và người thân không trình báo do nhầm lẫn hành vi XHTD với hành vi yêu thương của người lớn (vuốt ve, âu yếm…), không hiểu biết hành vi này là vi phạm pháp luật, đạo đức.
Các đại biểu tham dự hội thảo đề xuất các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng xâm hại tình dục trẻ em. Ảnh: H.N |
Cũng theo Đại tá Phan Thanh Tám, khi nghiên cứu nội dung các vụ XHTD trẻ em thì hầu hết đối tượng phạm tội là người quen biết với nạn nhân, đau lòng hơn khi đó còn chính là bố đẻ, anh trai. Trong số 121 vụ việc được phát hiện có 10 vụ đối tượng là người thân, 42 đối tượng có quan hệ yêu đương với nạn nhân, 72 đối tượng là hàng xóm, người làm công trong gia đình nạn nhân, chỉ có 3 vụ do đối tượng hoàn toàn xa lạ gây ra (chiếm chưa đến 2,5%).
Về phía Hội LHPN, để có cơ sở thực tế đề xuất giải pháp ngăn chặn tình trạng XHTD trẻ em, Hội đã tiến hành khảo sát tại 25 xã, thị trấn thuộc 5 huyện, kết quả có 15/25 xã, thị trấn xảy ra tình trạng XHTD trẻ em. “Hậu quả do XHTD để lại vô cùng nặng nề. Nhiều trẻ sau khi bị xâm hại rơi vào trạng thái hoảng sợ, trầm cảm, tự ti, mặc cảm, tổn thương to lớn về thể chất và tinh thần. Nghiêm trọng hơn, sau khi bị XHTD, không ít em có suy nghĩ tìm đến cái chết do bị sốc về tinh thần”-bà Vũ Thị Bích Ngọc-Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh-cho biết.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng XHTD trẻ em được chỉ ra như sự suy đồi, xuống cấp đạo đức của các đối tượng phạm tội; sự thiếu hiểu biết về pháp luật, nhận thức mơ hồ về tình yêu, tình dục, hôn nhân và gia đình của các đối tượng phạm tội và cả nạn nhân; hoàn cảnh kinh tế khó khăn khiến cha mẹ ít quan tâm, dạy dỗ con cái. Bên cạnh đó, lỗ hổng về giáo dục giới tính từ trong gia đình và nhà trường còn quá lớn khiến các em không nhận thức đầy đủ về hành vi phạm tội này…
Phòng ngừa, ngăn chặn như thế nào?
Đại tá Phan Thanh Tám cho rằng, XHTD trẻ em là tội đặc biệt nghiêm trọng, hình phạt cao nhất là tử hình. Loại tội phạm này không tăng đột biến so với một số loại tội phạm khác nhưng hậu quả để lại vô cùng nghiêm trọng. “Loại đối tượng này không dễ theo dõi để ngăn chặn, phòng ngừa mang tính nghiệp vụ. Vì nhiều trường hợp người phạm tội mang tính tức thời, phát sinh. Do đó, để ngăn chặn tình trạng XHTD trẻ em, vai trò của các cấp Hội rất quan trọng, nhất là các cấp Hội Phụ nữ. Bằng tình chị em, tình người, sự đồng cảm giữa những phụ nữ với nhau, mẹ và con gái sẽ dễ dàng giáo dục con em mình, giúp các cháu có ý thức cảnh giác, tự bảo vệ bản thân mình và đây là yếu tố rất quan trọng. Nhất là ở vùng sâu, vùng xa, sự tiếp cận về mặt xã hội đối với các em rất hạn chế, vì thế cần giáo dục cho các em cách tự bảo vệ, có biểu hiện gì thì cần chia sẻ ngay với người thân”-Đại tá Phan Thanh Tám nêu ý kiến.
Cùng bàn bạc tìm giải pháp ngăn ngừa tình trạng XHTD trẻ em, ông Lê Thanh Hòa-Trưởng phòng Nghiệp vụ (Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh) thẳng thắn bày tỏ: “Chúng ta đã có rất nhiều chương trình hành động bảo vệ trẻ em nhưng tại sao tình trạng XHTD không giảm mà vẫn gia tăng với mức độ nghiêm trọng, gây phẫn nộ trong dư luận. Phải chăng lỗ hổng là chưa có giải pháp cụ thể, phù hợp; cách tuyên truyền chỉ mới dừng lại ở mức độ chung chung? Theo đó, cần thường xuyên sơ kết công tác này để đánh giá cách làm có hiệu quả hay chưa, nếu không thì cần có các giải pháp phù hợp hơn; công tác tuyên truyền cũng phải đi vào thực chất mới hy vọng ngăn chặn, đẩy lùi được tình trạng XHTD, mới bảo vệ được trẻ em”.
Ông Phạm Văn Căn-Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất thêm một số giải pháp, trong đó nhấn mạnh: “Cần thường xuyên tổ chức diễn đàn đối thoại với trẻ em ở mọi cấp, mọi ngành để lắng nghe trẻ em nói, hiểu được tâm tư, nguyện vọng, tình cảm, mong muốn của trẻ để tìm được giải pháp bảo vệ trẻ phù hợp”. Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh lại cho rằng: Cần làm cho toàn xã hội lên án mạnh mẽ hành vi XHTD trẻ em, thay vì bao che. Cả xã hội phải hành động chứ không riêng cấp, ngành nào. Trong đó, vai trò của tổ chức đoàn thể xã hội rất quan trọng, bởi không phải vấn đề gì cũng dùng đến giải pháp xử lý bằng pháp luật.
Trước rất nhiều đề xuất, giải pháp đưa ra tại hội thảo, bà Phạm Thị Tố Hải- Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cũng đề xuất nên có những chuyên đề giáo dục giới tính cho học sinh, nuôi dạy và bảo vệ con cái sao cho thiết thực, gần gũi với văn hóa bản địa tại các địa phương. Chủ tịch Hội LHPN tỉnh khẳng định: “Trẻ em xứng đáng nhận những điều tốt đẹp nhất. Các cấp, các ngành, trong đó có tổ chức chính trị hội có trách nhiệm phối hợp đem lại những điều tốt đẹp cho trẻ, trong đó có trẻ em gái. Về phần mình, Hội LHPN tỉnh ghi nhận các ý kiến đề xuất giải pháp và sẽ tham mưu với cấp ủy làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, qua đó góp phần hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng XHTD đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái”.
Hoàng Ngọc