Phố núi Đà Lạt cũng… ngập

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Có độ cao 1.500m so với mặt nước biển, nhưng những năm gần đây, TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) cũng thường xuyên đối mặt với tình trạng ngập úng khi có mưa lớn.

Suối Cam Ly phía thượng nguồn hồ Xuân Hương (Đà Lạt) ngày càng bị thu hẹp do bị bồi lắng, lấn chiếm. Ảnh: ĐOÀN KIÊN
Suối Cam Ly phía thượng nguồn hồ Xuân Hương (Đà Lạt) ngày càng bị thu hẹp do bị bồi lắng, lấn chiếm. Ảnh: ĐOÀN KIÊN


Mỗi khi xuất hiện những cơn mưa có lưu lượng trên 100mm thì một số khu vực trũng của Đà Lạt sẽ bị ngập cao cả mét. Nguyên nhân chính được xác định là lượng nước đổ về quá nhanh, không thoát kịp. Đó là các khu vực dọc suối Cam Ly - như đường Trương Văn Hoàn, Cách Mạng Tháng Tám, Trạng Trình, Hoàng Diệu, Tô Ngọc Vân, cầu Hải Thượng hay khu Sở Lăng (phường 3). Trong số này, thường xuyên ngập và ngập nặng nhất là những con hẻm dọc đường Trương Văn Hoàn, cứ mưa lớn là gây ngập nhà của hàng chục hộ dân.

Dòng suối Cam Ly chảy vắt ngang thành phố Đà Lạt, một phần của đoạn suối được đắp đập đã tạo thành hồ Xuân Hương. Thế nhưng, từ hồ Xuân Hương ngược về phía thượng nguồn, có hàng ngàn nhà kính trồng rau, hoa, phủ kín hầu hết những vùng đất quanh suối. Tại những nơi có nhà kính, khả năng thẩm thấu nước gần như bằng không, nước từ mái nhà kính qua máng gom sẽ chảy xuống suối, hay thậm chí chảy xuống những mương thoát nước sinh hoạt, và tạo thành những dòng nước lớn gây ra ngập úng. Nếu như cuối thập niên 1990, Đà Lạt chỉ có rải rác một số nhà kính thì hiện nay diện tích các nhà kính đã tăng lên khoảng 2.500ha. Những nhà kính này trải đều ở các phường 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, các xã Tà Nung, Xuân Trường, Trạm Hành. Một số nơi trong nội thành có mật độ nhà kính dày đặc như phường 5, 7, 8, 9, 11, 12.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, một người dân ở phường 3, TP Đà Lạt, nhận xét, ngày xưa Đà Lạt có nhiều hồ, nếu mưa nhiều nước sẽ chảy bớt vào các hồ chứ không đổ dồn ra suối như hiện nay. “Hồ Vạn Kiếp ở phường 8 ngày trước rộng hàng chục hécta nhưng giờ gần như bị xóa sổ, chỉ còn là khe nước hẹp, và sự mênh mông của hồ chỉ tồn tại trong ký ức người lớn tuổi”, bà Hạnh nói.

Sự sụt giảm ngày càng nhiều cả về số lượng và diện tích các hồ ở Đà Lạt đã  khiến tình trạng ngập ở đây xảy ra thường xuyên hơn. Ngoài hồ Vạn Kiếp thì các hồ Tâm Sự, Thanh Niên hiện cũng không còn; các hồ Đa Thiện 1, Đa Thiện 2 (phường 8) ngày càng thu hẹp do bị nhà kính bao trùm xung quanh.

Trong Quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ, quá trình san nền phải tuân thủ nguyên tắc tôn trọng địa hình tự nhiên, hạn chế tối đa việc đào đắp và đảm bảo yêu cầu thoát nước đô thị, bảo vệ mặt phủ tự nhiên. Tuy nhiên, ở nhiều khu vực đã không đảm bảo được như vậy.

Để giải quyết tình trạng này, PGS-TS Nguyễn Mộng Sinh, nguyên Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng, cho rằng: “Phải duy trì bằng được môi trường sinh thái của các hồ nước thiên nhiên và nhân tạo của thành phố, bảo vệ các thủy vực, chống bồi lắng. Để phục vụ cho mục đích này rất cần quy hoạch lại các khu sản xuất nông nghiệp, trồng rau, hoa tại những vị trí phù hợp. Trong bối cảnh hiện nay, cần thiết phải di dời những nhà kính ở khu trung tâm ra phía xa, thay thế vào đó là những mảng xanh. Đồng thời cần tiếp tục bảo tồn vốn rừng và phát triển cây xanh cho Đà Lạt, đặc biệt là rừng thông”.

Theo ĐOÀN KIÊN (SGGPO)

 

Có thể bạn quan tâm