(GLO)- Từ ngày 10-11, VTV2 chính thức phát sóng bộ phim “Chuyện ấy là chuyện nhỏ” (Sex in the city)-một trong những bộ phim “bom tấn” của điện ảnh Mỹ đề cập đến chủ đề lâu nay thường bị né tránh hoặc đề cập rất e dè: Tình yêu, tình dục trong giới trẻ hiện đại. Sự “phá cách” trong truyền thông tri thức của VTV2 đã gây ra nhiều luồng dư luận trái chiều với những lý lẽ khen-chê khác nhau. Điều này không khó hiểu bởi nó đã, đang và sẽ có khả năng tác động rất lớn tới nhận thức và hành động của nhóm đối tượng công chúng đặc biệt trong xã hội: Giới trẻ.
Lâu nay, một số rạp chiếu phim trong cả nước cũng đã từng công chiếu những bộ phim được gắn nhãn 18+ (dành cho người trên 18 tuổi). Nhưng đây là lần đầu tiên trên sóng truyền hình quốc gia, vấn đề tình yêu-tình dục của giới trẻ được đề cập khá mạnh mẽ với sự chân thực, mạnh dạn hơn. Nhiều ý kiến đồng tình, tuy nhiên vẫn không ít băn khoăn, trăn trở từ phía các bậc phụ huynh và cả các bạn trẻ, trong đó mấu chốt là hai vấn đề: Làm như thế nào và tiếp nhận ra sao?
“Chuyện ấy” có là “chuyện nhỏ”?
Thành phố Pleiku không quá sôi động hay chịu áp lực mạnh mẽ bởi nhịp sống hiện đại như các thành phố lớn, tuy vậy, thông tin về một chương trình truyền hình mới được gắn mác 18+ dường như vẫn trở thành đề tài bàn luận sôi nổi của nhiều người.
Đa số bạn trẻ vẫn giữ tâm lý e dè khi nhắc đến vấn đề liên quan đến tình yêu, tình dục. Ảnh: Lê Hòa |
“Tụi em là sinh viên nên rất ít có điều kiện xem truyền hình. Tuy chưa được coi trọn vẹn một chương trình nào nhưng thông qua các bài báo đọc được, em nghĩ, chương trình với mục đích giáo dục như vậy là cần thiết, giúp cho tụi em có được những thông tin hữu ích về tình yêu, tình dục ngay trước ngưỡng cửa bước vào đời”-bạn trẻ Lâm Anh- sinh viên năm nhất ngành Nông học-Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh-Phân hiệu tại Gia Lai, chia sẻ.
Trong khi đó, nhiều bạn trẻ vẫn tỏ ra e ngại khi nhắc đến chủ đề tình yêu, tình dục, dù các bạn chính là nhóm đối tượng đang thuộc “vùng phủ sóng”. Những câu chuyện liên quan đến chủ đề này dường như nhanh chóng được chủ nhân đưa vào ngõ cụt để bảo vệ mình trước tâm lý lo sợ sẽ bị… nghĩ xấu, dù có thể, chính các bạn còn rất mơ hồ và hoang mang. “Em có nghe sơ qua nhưng rất khó để theo dõi vì ở nhà trọ không có ti vi”-một sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai từ chối khéo khi đề cập đến vấn đề này.
Thẳng thắn và cởi mở hơn, M.H-sinh viên Trường Đại học Đông Á chia sẻ rằng, chính bản thân em và các bạn đang thiếu trầm trọng những kiến thức về tình yêu, tình dục và những thay đổi của bản thân trong quãng thời gian chuyển giao về lứa tuổi và tâm lý này. “Ở nhà chúng em được cha mẹ hay anh chị răn dạy, uốn nắn, đến trường có thầy cô chỉ bảo. Trong chương trình học cũng ít nhiều có nhắc đến vấn đề này. Tuy nhiên, theo như em theo dõi trên sách báo, giới trẻ chúng em còn bị thiếu trầm trọng những thông tin liên quan đến vấn đề tự chăm sóc, bảo vệ bản thân mình trước ngưỡng cửa của tình yêu. Do vậy, nếu có thêm một sự hỗ trợ đã được trau chuốt, sàng lọc kỹ càng như kênh phim 18+ tất nhiên sẽ rất tốt và cần thiết cho tụi em”-M.H tâm sự.
“Hãy là liều vắc-xin”
Là cha mẹ, song không phải ai cũng thấu hiểu được con đang cần gì, mong muốn những gì. Không ít những ông bố bà mẹ vì mải mưu sinh mà lơ đễnh, không mặn mà quan tâm tới những thay đổi của con mình ở lứa tuổi mơ mộng nhất. Không những thế, chịu sức ép từ những quan niệm truyền thống lạc hậu về tình yêu, tình dục, nhiều bạn trẻ có suy nghĩ lệch lạc, thậm chí cho rằng nếu tìm hiểu về tình dục là xấu. “Tôi đã từng nuôi 2 đứa con, một trai một gái khôn lớn và trưởng thành nên tôi biết, tuổi trẻ có những tò mò và người lớn nếu không định hướng tốt sẽ làm cho chúng trở nên co cụm, không dám chia sẻ và bước về phía trước theo những bản năng của tự nhiên”-cô Kiều Oanh- một giáo viên ở xã Hà Bầu (huyện Đak Đoa), chia sẻ.
Anh Phan Minh Cường-Quản lý Rạp chiếu phim Cinema Pleiku (đường Lê Lợi-TP. Pleiku), cho biết: Hiện tại chúng tôi chưa có kế hoạch sẽ tổ chức trình chiếu các bộ phim được gắn mác 18+ mà chỉ chiếu các bộ phim có bản quyền, được ngành chức năng cấp phép. Nếu xét thấy có nhu cầu và được ngành văn hóa địa phương cho phép, những bộ phim có mục đích và nội dung giáo dục giới tính cũng vẫn có thể được chúng tôi xem xét đưa vào trình chiếu phục vụ khán giả. |
Cũng từ vấn đề này, cô Oanh đưa ra quan điểm, nhà đài hướng tới xây dựng một chương trình với mục đích giáo dục giới tính, tình yêu và tình dục sao cho gần gũi, thiết thực. “Cũng có những lo ngại bởi nội dung này khá mởi mẻ, nhất là trên một kênh vốn thuần về khoa giáo như VTV2 nhưng tôi hy vọng, chương trình sẽ trở thành “liều vắc-xin” hữu hiệu, giúp cho các bạn trẻ có được thông tin hữu ích trước ngưỡng cửa tình yêu, hôn nhân”-cô Oanh, nhấn mạnh.
Điều đáng lo ngại đối với việc hình thành tâm lý, thái độ sống với tình yêu, tình dục của giới trẻ chính là mặt trái của công nghệ hiện đại. Với sự nở rộ của internet cũng như vô số các sản phẩm công nghệ thông minh: máy vi tính, laptop, smart-phone…, các bạn trẻ có quyền làm chủ thế giới thông tin thông qua những thao tác đơn giản. Nhưng, nếu thiếu kinh nghiệm các bạn sẽ rất dễ dàng tự mình dẫn đến những sai lầm. “Phần vì trên các trang mạng đầy rẫy những trang web đen, chúng dễ dàng lôi cuốn, hấp dẫn các cháu vì chúng đang ở độ tuổi tò mò, phần vì các gia đình ngày càng có điều kiện cho các cháu những khoảng không gian riêng tư tùy ý thành thử khó kiểm soát được hoạt động của con em mình. Điều đó cực kỳ nguy hiểm. Bởi vậy, sự tăng cường giáo dục, truyền thông giới tính, tình yêu, tình dục cho các cháu là việc nên làm. Tuy nhiên phải đúng và đủ để làm sao giúp các cháu có được nhận thức đúng, hình thành thái độ và cách ứng xử tốt đẹp trong tình yêu và các mối quan hệ nam nữ khác; càng nên tránh sa đà vào các cảnh quay nóng bỏng, câu khách vì dễ trở nên phản cảm, phản tác dụng…”-bác Nguyễn Thị Hồng, cán bộ về hưu ở tổ dân phố 13, phường Thống Nhất (TP. Pleiku) nêu quan điểm.
Lê Hòa