(GLO)- Gia Lai có vị trí quốc tế quan trọng trong khu vực Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia, có nguồn tài nguyên nhân văn và những công trình di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng.
Gia Lai còn là vùng đất sở hữu nhiều lễ hội dân gian đặc sắc của các dân tộc cư trú lâu đời Jrai, Bahnar và không gian văn hóa cồng chiêng được Unesco công nhận là “Kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”, đồng thời các tài nguyên du lịch nhân văn kiến trúc nhà rông, nhà mồ, nghệ thuật điêu khắc gỗ, tạc tượng, trình diễn nhạc cụ, vũ điệu dân gian, dân ca, khan và các món ẩm thực độc đáo riêng biệt... là những tài nguyên du lịch rất quý giá dễ dàng thu hút được đông khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, tìm hiểu.
Ảnh: Huy Tịnh |
Tuy nhiên, so sánh với các tỉnh bạn trong khu vực Tây Nguyên, Gia Lai với rất nhiều tiềm năng du lịch kể trên thì vẫn chỉ phát triển cầm chừng, đứng thứ tự thứ 3 sau Lâm Đồng, Đak Lak vì vốn đầu tư phát triển du lịch thiếu, chưa định hình được sản phẩm du lịch dẫn đến sản phẩm du lịch nghèo nàn, có sự trùng lắp với các tỉnh bạn trong khu vực, kinh nghiệm quản lý, kinh doanh và trình độ nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ lao động trong ngành còn nhiều bất cập, năng lực cạnh tranh hạn chế.
Các công ty du lịch trên địa bàn xây dựng và khai thác loại hình du lịch sinh thái văn hóa với quy mô nhỏ lẻ, dịch vụ hạn chế, chất lượng không cao, chỉ khai thác trên tài nguyên hiện có nhưng không có sự đầu tư về chiều sâu cũng như chưa gắn với công tác bảo tồn. Thực trạng khai thác mạnh ai nấy làm này sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ tới sự tụt hậu của du lịch tỉnh nhà và khiến cho du lịch Gia Lai chưa thể là ngành kinh tế có đóng góp nhiều GDP của tỉnh.
Có thể thấy, trong xu thế nhiều quốc gia tại khu vực và trên thế giới đang chú trọng vai trò của du lịch trong sự phát triển kinh tế thì các nhà lãnh đạo nên công nhận du lịch và lữ hành là động lực phát triển kinh tế mà mục tiêu cơ bản là phải từng bước chuyên nghiệp hóa công tác xúc tiến du lịch. Nghĩa là chúng ta không chỉ rao bán cái chúng ta có (tiềm năng du lịch) hay quảng bá hình ảnh chung chung mà là thực hiện đầy đủ và đảm bảo chất lượng các khâu của tiếp thị du lịch bao gồm: nghiên cứu thị trường, định hướng xây dựng sản phẩm và xúc tiến du lịch nghĩa là bao gồm cả xúc tiến sản phẩm du lịch và dịch vụ du lịch.
Xây dựng thương hiệu du lịch tỉnh, vùng, quốc gia. Việc chuyên nghiệp hóa, chuyên môn cao đòi hỏi hoàn thiện cả đội ngũ con người, tổ chức bộ máy, quy trình xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện một cách khoa học, đúng quy trình, kế hoạch và đúng tiến độ.
Để xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch Gia Lai thì xúc tiến quảng bá du lịch mới chỉ dừng ở quảng bá các hình ảnh như thời gian vừa qua sẽ khó tạo được tiếng vang và sức hấp dẫn đặc thù cho từng sản phẩm, thương hiệu du lịch.
Muốn phát triển thương hiệu du lịch Gia Lai cần có sự quan tâm tạo điều kiện của các cơ quan, đơn vị địa phương doanh nghiệp trong và ngoài ngành du lịch, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cả trong và ngoài tỉnh, khu vực, trong nước và quốc tế cho hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch địa phương.
Kết hợp chặt chẽ với các hoạt động tuyên truyền quảng bá xúc tiến du lịch với các hoạt động giao lưu văn hóa, tôn tạo gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường. Chuyên nghiệp hóa các hoạt động xúc tiến du lịch nhằm vào thị trường mục tiêu lấy điểm đến, sản phẩm du lịch và thương hiệu du lịch làm đối tượng xúc tiến trọng tâm, đẩy mạnh các hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch ra thị trường khu vực và quốc tế để thu hút du khách quốc tế và thúc đẩy sự tăng trưởng của du lịch nội địa.
Xây dựng thương hiệu du lịch Việt trong đó gồm thương hiệu du lịch quốc gia, vùng, sản phẩm du lịch, doanh nghiệp du lịch. Tăng cường đầu tư khai thác ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông cho hoạt động xúc tiến du lịch, chú trọng phát triển hình thức marketing điện tử (E-marketing) phục vụ công tác xúc tiến quảng bá du lịch với khẩu hiệu “Việt Nam-Vẻ đẹp bất tận”.
Huy động các nguồn lực và tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch trên cơ sở hợp tác liên kết giữa các thành phần Nhà nước và tư nhân, quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội du lịch và các thành phần kinh tế-xã hội...
Việc xác định được lợi thế của du lịch địa phương, ưu tiên đầu tư cho loại hình du lịch nổi bật và tâm huyết của đội ngũ người làm du lịch tỉnh cùng các chính sách ưu đãi của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, Tỉnh ủy và sở ngành thì du lịch sẽ nhanh trở thành ngành kinh tế có đóng góp quan trọng trong GDP của lĩnh vực dịch vụ.
Phấn đấu sau năm 2020 ngành du lịch Gia Lai sẽ là một trong những ngành kinh tế quan trọng của tỉnh góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Hoàng Thanh Hương